Hà Nội, tháng 4 năm 2006

Chiều tối ngày 25 tháng 4 năm 2006, tại Trung tâm Báo chí Đại hội (ĐH) Đảng toàn quốc lần thứ X, dường như rất nhiều phóng viên (PV) ngồi lại để viết bài báo cuối cùng về buổi họp báo do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chủ trì, trả lời các vấn đề mà PV trong nước và quốc tế quan tâm ngay sau khi bế mạc ĐH. Gửi cái email cuối cùng về tòa soạn báo, ai nấy đóng máy tính, và lúc ấy mới cảm thấy mình kiệt sức. Có lẽ, đó là buổi tối đầu tiên suốt 10 ngày trước và trong ĐH, chúng tôi ăn cảm thấy ngon, và ngủ cảm thấy yên.

Chiều tối ngày 25 tháng 4 năm 2006, tại Trung tâm Báo chí Đại hội (ĐH) Đảng toàn quốc lần thứ X, dường như rất nhiều phóng viên (PV) ngồi lại để viết bài báo cuối cùng về buổi họp báo do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chủ trì, trả lời các vấn đề mà PV trong nước và quốc tế quan tâm ngay sau khi bế mạc ĐH. Gửi cái email cuối cùng về tòa soạn báo, ai nấy đóng máy tính, và lúc ấy mới cảm thấy mình kiệt sức. Có lẽ, đó là buổi tối đầu tiên suốt 10 ngày trước và trong ĐH, chúng tôi ăn cảm thấy ngon, và ngủ cảm thấy yên.

Phóng viên Báo Đà Nẵng, Công an Đà Nẵng, Đài DRT tại Đại hội X. 

Trước đó, là những ngày tất bật, vội vã. Với những tờ báo lớn có văn phòng tại Hà Nội, thì số PV theo dõi ĐH vòng trong, vòng ngoài. Với những báo, đài tỉnh, thành nhiều lắm chỉ có được 2 người. Việc tiếp cận thông tin thì mênh mênh, mang mang. Vào được Hội trường, nơi diễn ra ĐH đã khó, vào được nơi thảo luận của Đoàn đại biểu tỉnh, thành của mình lại càng khó hơn. Thế mà, ai cũng lao đi và viết. Mặc dầu, những báo địa phương có thể làm một thao tác rất đơn giản là chỉ cần vài người viết, email tin, bài cho nhau, xáo trộn, thêm bớt một vài từ.

Nhưng, không ai làm thế. Bởi vì, đằng sau đó là cả sự đợi chờ từ phía "những người ở nhà". Đợi chờ từng giờ một, để có tin, bài lên trang cho số báo ngày mai. Đợi chờ cái riêng, cái khác của báo mình. Ngay cả đồng chí Tổng Biên tập Ngô Quy Nhơn tham dự Đại hội X lần đó, dầu ngày nào cũng như muốn nói "làm vừa thôi", nhưng, cứ nhìn cách đồng chí làm, chia sẻ những trở ngại thì hiểu rằng, đó chỉ là cách mà đồng chí không muốn PV phải chịu áp lực quá nặng trong công việc. Lúc thì đồng chí giới thiệu "PV báo mình" với những người có trách nhiệm để có thể khai thác được thông tin nhanh nhất. Lúc thì mấy trái cam, lúc thì gói xôi, lúc mấy cái trứng vịt lộn nóng hổi đưa qua cửa sổ phòng PV vào mỗi tối.

Ngay trong ngày đầu tiên của ĐH, PV phải nghĩ ngay ra cách để viết theo kiểu gì? Viết theo kiểu đưa tin thì từ báo in tới báo mạng sẽ na ná giống nhau. Chỉ có cách, mỗi người tự dựa vào thế mạnh của mình để lựa chọn cách truyền đạt thông tin, sao cho bảo đảm sự chính xác, không khô cứng mà sinh động. Tôi là PV của Phòng Cuối tuần, nên thế mạnh, tất nhiên không phải là viết tin, nên hầu như chỉ tập trung cho viết bài.

Phóng viên chờ kết quả bầu cử BCH Trung ương Đảng tại Đại hội X. 

Một ngày, viết tới 3-4 bài, liên tục trong 8 ngày ĐH. Nhưng, không hiểu sao, con người ta lại không kiệt sức. Không hiểu sao, "lúc ở nhà", tôi chưa bao giờ phát biểu một lời nào trong cuộc họp cơ quan, thế mà lúc đó, đã đầy tự tin và vững vàng để cùng với hàng trăm PV trong nước và quốc tế đặt câu hỏi phỏng vấn và luôn được ưu tiên phát biểu (có lẽ vì PV nữ ở ĐH ít hơn nam) và được trả lời rất cặn kẽ. Có thể, cuộc đời làm báo chưa bao giờ chiến đấu với kiểu như thế, nên những ngày ở ĐH X cứ luôn làm mình phải nhớ. Nhớ như một ám ảnh. Như một niềm vui. Một niềm hạnh phúc. Đấy là thứ hạnh phúc có môi trường để cọ xát. Hạnh phúc có được sự đợi chờ và chia sẻ.

Sẽ không bao giờ tôi quên được buổi chiều đầu tiên đặt chân lên Hà Nội. Chưa kịp nghỉ, đã vội lần tìm đến những địa chỉ của những người Quảng Nam-Đà Nẵng đang sinh sống tại Hà Nội, mà nhà báo lão thành Đoàn Bá Từ cung cấp. Rồi tìm đến nhà ông bà nội tôi, cô chú tôi, mà 20 năm mới có dịp quay trở lại. Chỉ có điều, chỉ thắp xong nén hương lên bàn thờ ông bà nội, là bắt đầu... khai thác tư liệu. Rồi tôi tiếp tục tìm đến những địa chỉ như Pháo đài Láng, những khu dân cư mới... Tất cả những con người mà tôi gấp rút gặp trong thời gian rất ngắn đã rót vào trang viết của tôi những nỗi nhớ rưng rức của thời tem phiếu và giới thiệu, đã kịp xâu chuỗi ký ức của 20 năm đổi mới để nghiệm về những thành quả đã qua. Họ đã truyền cảm xúc cho tôi hòa mình vào ĐH bắt đầu bằng bài viết đầu tiên về người Hà Nội đã nghĩ, đã hướng về ĐH thế nào trước ngày diễn ra ĐH.

Tại ĐH X, tham nhũng, không chỉ thu hút sự quan tâm thảo luận của các đại biểu mà còn là sự ngóng, nghe, xem của người dân cả nước. Đề tài này khiến tôi thức trắng đêm để viết. Liệu tham nhũng có phải là định mệnh? Là cái mà chúng ta không thể thay đổi được? Tại ĐH X, tham nhũng đã được thảo luận một cách tích cực, sự gay gắt được bộc lộ hơn bao giờ hết. Điều này khẳng định rằng: Đảng không cam chịu, người dân không cam chịu. Tham nhũng không phải là định mệnh. Tôi nhớ mãi, Đại biểu Nguyễn Đình Bin, từng giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đã "xin" ĐH nói một lời: Trong 10 năm có chức cao, quyền rộng, nhiều cám dỗ, cạm bẫy giăng trước mắt, nhưng tôi đã vượt qua, là bởi vì lời Bác Hồ dạy "cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư" cứ văng vẳng bên mình. Rồi tôi lại nhớ ông Nguyễn Văn Lang (nguyên Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng), một cán bộ hưu trí đang sống ở Hà Nội lúc đó đã day dứt: Tại sao Đảng ta với 3,1 triệu đảng viên, với hàng vạn cơ sở Đảng, có bộ máy chuyên chính vô sản hùng hậu, nhưng tình trạng tiêu cực, tham nhũng lại không giảm?

Những năm trước ĐH, Chính phủ đã làm được rất nhiều việc để chống tham nhũng. Tại ĐH X, Đảng ta đã tiến tới một bước đổi mới trong công cuộc chống tham nhũng. Nhưng còn người dân? Đã đến lúc, người dân không thể chỉ trích Chính phủ một chiều, mà phải thấy một phần trách nhiệm của mình.

Những ngày ĐH, giới báo chí tham dự nhiều cuộc họp báo với những vị Bộ trưởng. Nhưng, đọng lại nhiều nhất trong tôi là buổi họp báo của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên. Ông vào ngành ngoại giao từ năm 1954, và hiện chưa có ai phá được kỷ lục 52 năm trong ngành ngoại giao như ông. Đối với ông, đã chọn nghề nào cho cuộc đời mình là phải nung nấu quyết tâm và hoài bão cho việc đó. Chẳng hạn - ông kể - trong Bộ Ngoại giao có rất nhiều nhà ngoại giao đam mê nghiệp văn chương. Ông không đồng tình việc đó. Bởi ngay chính bản thân ông, ông cũng rất đam mê văn chương, nhưng ông dứt khoát: không được viết tiểu thuyết khi đang làm nhiệm vụ. Vì, con người ta, khi ngồi trước trang giấy để viết văn thì phải vượt qua cuộc sống thực tại, phải hư cấu, phải mơ mộng, nhưng công việc ngoại giao thì phải luôn bắt kịp thực tại và đuổi theo thực tại, không cho phép sự xao nhãng. Trước khi từ giã vị trí của mình, ông vẫn day dứt vì thế giới chưa hiểu đúng một hình ảnh của Việt Nam đổi mới. Có lần, một vị chính khách nước ngoài đã nói với ông rằng, con gái của họ vừa có một chuyến thăm đất nước Việt Nam, và hết lòng ngợi ca con người và vẻ đẹp của Việt Nam. Vậy tại sao, các ông không quảng bá hình ảnh của mình rộng khắp trên thế giới? Một điều nữa, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, tìm kiếm cơ hội đầu tư buôn bán ở trong nước ngày càng gia tăng, nhưng chúng ta "có quá nhiều khóa trong một cửa". Ông đã từng thấy một người bạn của mình, chạy thủ tục để triển khai một dự án, mà từ lúc mái tóc còn xanh cho đến khi bạc trắng vẫn còn trục trặc. Cái mà Đại hội X đang thảo luận là trách nhiệm xử lý việc này ở đâu? Kêu ai và kêu ở đâu? Người nghe tiếng kêu có xử lý được hay không? Khi nói về việc ông sẽ rời ghế Bộ trưởng, ông từ tốn: Đảng sẽ chọn người thay thế tôi, nhưng, ông lại khiêm nhường: Tôi nghĩ ai cũng có thể thay tôi được cả!

Những ngày ĐH X diễn ra mới hơn 4 năm. Giờ đây, cả nước lại bắt đầu chuẩn bị cho một kỳ ĐH mới. Mỗi kỳ ĐH, mỗi PV sẽ phải là một con người khác. Ở đó, không còn là chuyện yêu hay tâm huyết với nghề, mà là một gánh nặng của trách nhiệm, của danh dự, và ý chí.

PHAN HOÀNG PHƯƠNG

Đọc thêm