Tỷ trọng chăn nuôi của Hà Nội chiếm tới 46% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi do bệnh dịch tả lợn châu Phi, tái đàn khó khăn nên phải giảm công suất, gần đây lại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu thực tế: Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đang nhập khẩu khoảng 70% nguyên liệu từ nước ngoài.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, ông Chung thông tin, Hà Nội đã khống chế được các ổ dịch, nhiều ngày nay không có ca mắc mới. Tuy vậy, nguy cơ dịch lây nhiễm vẫn còn cao và nhiều khả năng, Chính phủ vẫn hạn chế giao thương với một số nước nên sẽ còn ảnh hưởng đến việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Trước kiến nghị của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP giao UBND các huyện, thị xã (nơi các doanh nghiệp đóng trên địa bàn) hỗ trợ doanh nghiệp kiểm soát, phòng ngừa dịch cho công nhân tại các nhà máy để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Ông Chung còn cho biết, Hà Nội sẽ kiến nghị Chính phủ tháo gỡ về thuế nhập khẩu ngô, khô đậu và chỉ đạo cảng Hải Phòng tạo điều kiện trong thông thương hàng hóa cho doanh nghiệp, trong đó có thức ăn chăn nuôi.
Hà Nội cũng sẽ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối giúp doanh nghiệp với các đơn vị có nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn như Nga (thay vì Bắc Mỹ) để đa dạng thị trường.
Về phía TP, trước kiến nghị của doanh nghiệp về hỗ trợ lợn giống (lợn con và lợn nái), UBND TP giao Sở Nông nghiệp tính toán cụ thể để hỗ trợ; đồng thời, cam kết không thiếu điện, nước, nhu yếu phẩm... cho người dân và doanh nghiệp.
Theo báo cáo, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã và đang đối diện với nhiều khó khăn. Thống kê đến tháng 3/2020, toàn TP có 31 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm 20,5% so với năm 2019 (năm 2019 có 39 cơ sở); số cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi hiện có 1.096 cơ sở, giảm 5,5% so với năm 2019.