Chặng đường 25 năm khẳng định vị thế
Cách đây 25 năm, với những thành tựu nổi bật, Hà Nội vượt qua 70 ứng cử viên, trong đó riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 10 ứng cử, để được đề chọn là 1 trong 5 thành phố đại diện cho 5 châu lục được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu trong quá trình đổi mới cũng như truyền thống yêu nước, khát vọng tự do, độc lập, hòa bình của toàn thể Nhân dân Việt Nam.
Trên thế giới, việc sở hữu danh hiệu của UNESCO không chỉ là sự công nhận về giá trị văn hóa, lịch sử và tự nhiên của một địa phương hay quốc gia, mà còn là cấu phần quan trọng hình thành nên thương hiệu mỗi quốc gia, địa phương. Danh hiệu này có sự đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.
Do đó, ở thời điểm năm 1999, danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” đã nâng cao vị trí, uy tín của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ở khu vực và trên trường quốc tế, đồng thời quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Hà Nội với thế giới, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, dịch vụ,… Tuy nhiên, danh hiệu này cũng đặt ra thách thức lớn cho Hà Nội trong việc duy trì và phát huy giá trị danh hiệu hoà bình trong tương lai.
Nhận thấy rõ “gánh nặng” trên vai, để xứng đáng với danh hiệu, suốt những năm qua, Hà Nội luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, hệ thống chính trị các cấp, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thành phố cũng đã triển khai nhiều dự án về văn hóa, giáo dục truyền thống, bảo vệ môi trường... Nhiều mục tiêu, chương trình, công trình đã được hoàn thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Nhờ sự nỗ lực đó, nhìn lại chặng đường 25 năm, từ một thành phố có 2,5 triệu dân nay đã tăng lên khoảng 8,5 triệu dân, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều phương diện. Trong đó phải kể đến quyết định mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008 giúp nâng tầm Thủ đô với hàng loạt công trình tiêu biểu như: Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, đường Vành đai 3 và Vành đai 3 trên cao, đường Vành đai 2, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông… và mới nhất là đường sắt đô thị Nhổn - Cầu Giấy đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Thành phố Hà Nội cũng vinh dự được lựa chọn là nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn mang tầm cỡ thế giới và khu vực, khẳng định vai trò cầu nối hòa bình như: Hội nghị Cấp cao APEC, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 5, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132, Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 và Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên.
Việc Hà Nội trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng không chỉ chứng tỏ uy tín của thành phố trong cộng đồng quốc tế, mà còn thể hiện đóng góp tích cực của Hà Nội cho an ninh khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hội nghị lớn cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường giao lưu văn hóa giữa Hà Nội với các quốc gia khác và đặc biệt là đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Có lẽ vì thế mà lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng hằng năm, số người nước ngoài sống và làm việc tại Hà Nội cũng tăng đáng kể.
Trong 25 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã không ngừng phát triển trở nên văn minh và hiện đại hơn, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, đồng thời khẳng định vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của cả nước. Đáng nói, dù đã có sự thay đổi rõ rệt về diện mạo, hiện đại hơn, phát triển hơn nhưng Hà Nội vẫn giữ vững bản sắc văn hóa đặc trưng của một Thủ đô ngàn năm văn hiến. Thành phố vẫn giữ nguyên những giá trị riêng có, đó là kho tàng văn hoá đồ sộ, đó là những thực hành văn hóa, nghệ thuật sáng tạo được tiếp diễn liên tục qua các thế hệ, đó là các hoạt động bảo tồn di sản, phát huy vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên,… Sự tồn tại của những giá trị riêng vốn có này cho thấy Hà Nội là một thành phố vừa hiện đại, dân tộc, văn hiến nhưng cũng văn minh, từng bước xứng tầm một Thủ đô của một quốc gia với gần trăm triệu dân, có vị thế nhất định trên thế giới.
Niềm tự hào thành động lực lớn
|
Người dân Hà Nội không ngừng lan tỏa nét đẹp người Hà Nội thanh lịch - văn minh. (Hình minh họa - Nguồn: UBND TP Hà Nội) |
Hơn hai thập kỷ chưa phải là khoảng thời gian dài, song là khoảng thời gian quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Hà Nội. Để phát huy tốt những tiêu chí và sức ảnh hưởng của danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền, người dân Hà Nội là yếu tố then chốt, là đối tượng chính tham gia vào mọi hoạt động để Hà Nội xứng đáng với danh hiệu cao quý, cũng như phát huy tối đa giá trị của nó, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển Thủ đô trong thời kỳ hội nhập.
Đáng mừng, trước niềm phấn khởi và tự hào trước danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, những năm qua người dân Hà Nội đã không ngừng phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc của người Hà thành từ bao đời nay: hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Đây cũng chính là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong quá trình đổi mới của Thủ đô. Theo quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Hà Nội qua các thời kỳ, trong xây dựng văn hóa Thủ đô phải tập trung vào việc xây dựng con người, đề cao vai trò chủ thể sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của Nhân dân. Việc xây dựng con người còn là điều kiện để Thủ đô Hà Nội rút ngắn khoảng cách tụt hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và cũng là điều kiện để Hà Nội hội nhập kinh tế quốc tế.
Lấy niềm tự hào thành động lực to lớn, mỗi một ngày trôi qua, người dân đều phấn đấu, góp phần vào công cuộc đưa Hà Nội thành một thành phố văn minh, hiện đại, xanh, sạch và đẹp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, người dân Hà Nội cũng nỗ lực xây dựng, hoàn thiện và lan toả nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thông qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa con người với con người, đáp ứng niềm mong đợi của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, người dân Thủ đô còn nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội, đồng thời, quảng bá hình ảnh về một thành phố hòa bình, thân thiện, mến khách đến tất cả mọi người.
Trải qua chặng đường 25 năm, ngày ấy đến hôm nay, danh hiệu UNESCO - “Thành phố vì hòa bình” vẫn luôn là niềm tự hào của người dân Hà Nội, cổ vũ, động viên họ đóng góp vào việc xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Tin rằng, với tinh thần đó, trong tương lai, người dân Hà Nội sẽ tiếp tục chung tay xây dựng một thành phố hội tụ đầy đủ các giá trị, xứng đáng với danh hiệu cao quý mà UNESCO đã trao tặng.
Nằm trong chuỗi các sự kiện Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và Kỷ niệm 1014 năm Ngày Vua Lý Thái Tổ định đô tại Thăng Long, ngày 6/10/2024, chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” được tổ chức tại Hồ Hoàn Kiếm, nhằm biểu dương lực lượng gắn với quảng bá, giới thiệu về văn hóa Thủ đô Hà Nội, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch trên địa bàn Thành phố. “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” gồm 3 phần nội dung chính cùng với các màn trình diễn, diễu hành, giới thiệu những di sản văn hoá với quy mô khoảng 10.000 người tham gia. “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, thể hiện niềm tự hào về danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” mà UNESCO trao tặng, khẳng định sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những đóng góp tích cực của Thủ đô Hà Nội trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình, cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng một Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình - Thành phố sáng tạo, năng động trong hội nhập và phát triển nhưng vẫn giữ nét truyền thống Việt Nam.