Hà Nội: Tỷ lệ hòa giải thành tăng qua từng năm

(PLVN) - Sau 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở Hà Nội đã đi vào nền nếp, mạng lưới tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đều tăng... Đặc biệt, mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã phát huy hiệu quả tích cực.
Năm 2019, Hà Nội cũng sẽ tổ chức thi hòa giải viên giỏi bằng hình thức sân khấu hóa.  Ảnh minh họa.
Năm 2019, Hà Nội cũng sẽ tổ chức thi hòa giải viên giỏi bằng hình thức sân khấu hóa. Ảnh minh họa.

Hà Nội có gần 2.600 “tổ hòa giải 5 tốt” 

UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nay, TP Hà Nội có 5.444 tổ hòa giải với 35.053 hòa giải viên, trong đó số hòa giải viên có trình độ chuyên môn Luật là 3.117 người (chiếm khoảng 8%). Số tổ hòa giải và số lượng hòa giải viên từ năm 2014-2018 đều ổn định.

Trong 5 năm (2014-2018), tổng số vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh phải hòa giải ở cơ sở toàn TP: 42.642 vụ, số vụ việc đang giải quyết là 197 vụ, số vụ hòa giải thành là 34.295 vụ, đạt tỷ lệ 82%. Nhiều đơn vị đạt tỷ lệ hòa giải thành cao (trong 5 năm) trên 85% như Đống Đa, Long Biên, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai... 

Hà Nội cũng là một trong những địa phương đã dành nhiều quan tâm, đầu tư về nguồn lực tài chính cho công tác hòa giải. Từ năm 2014, UBND TP ban hành Quyết định số 92/2014/QĐ-UBND về việc áp dụng mức chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân và công tác hòa giải ở cơ sở TP Hà Nội, trong đó quy định mức chi hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở áp dụng trên địa bàn TP là mức chi tối đa theo quy định pháp luật hiện hành (mức chi thù lao cho hòa giải viên là 200.000đồng/vụ việc/tổ, chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải: 100.000đồng/tổ/tháng).

Trong 5 năm TP cấp khoảng trên 50 tỷ đồng chi cho công tác hòa giải. Theo báo cáo của 29/30 quận, huyện thì hiện toàn TP có 481/563 xã chi cho các công tác hòa giải ở cơ sở (đạt tỷ lệ 85,4%), cao hơn so với thời điểm sơ kết 3 năm (2014-2016): 383/584 xã, phường, thị trấn, đạt 65%.

Đáng chú ý, với 5 tiêu chí, đến nay Hà Nội đã có 2.591/5.444 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 47,6%). Nhiều đơn vị vẫn tích cực duy trì mô hình hoạt động “Tổ hòa giải 5 tốt” như các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng...

Bên cạnh mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” thì trên địa bàn TP, các cấp, các ngành tích cực phối hợp nhiều mô hình hay để tuyên truyền pháp luật cũng như đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở, các biện pháp hòa giải bạo lực gia đình như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP với mô hình “Nhóm nòng cốt”, Hội Nông dân TP mô hình “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”, Hội Liên hiệp Phụ nữ với mô hình “Câu lạc bộ hụ nữ với pháp luật”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”...

Đề nghị tặng Kỷ niệm chương cho hòa giải viên

Như vậy, sau 5 năm thực hiện Luật, công tác hòa giải ở Hà Nội đã đi vào nền nếp. Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư. Tỷ lệ hòa giải thành của TP hàng năm đều tăng, tỷ lệ hòa giải thành trong 5 năm đạt 82%, đặc biệt năm 2018 tỷ lệ hòa giải tăng cao: 86,3%.

Số vụ việc phát sinh hòa giải giảm. Công tác tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên được TP và các quận, huyện, thị xã quan tâm triển khai thực hiện hàng năm. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong đó có đối tượng hòa giải viên ở cơ sở ngày càng được chú trọng.

Tuy nhiên, UBND TP nhìn nhận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác hòa giải có lúc, có nơi chưa được thường xuyên. Nhiều địa phương chưa khuyến khích, huy động được các luật sư, luật gia, những người có kiến thức pháp luật đã nghỉ hưu, đủ tiêu chuẩn tham gia làm hòa giải viên tại địa bàn sinh sống hoặc hỗ trợ, giúp đỡ hòa giải viên thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Đa phần hoà giải viên tuổi cao, sức yếu, còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải ở cơ sở. Vẫn còn tình trạng hòa giải mang tính hình thức, sự việc xảy ra chưa phát hiện kịp thời hoặc giải quyết qua loa. Một số chính quyền địa phương chưa quan tâm, đầu tư kính phí hỗ trợ cho công tác hòa giải. Mức kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải còn thấp...

Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải thời gian tới, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể nguồn chi, hồ sơ và thủ tục thanh quyết toán việc chi thù lao cho hòa giải viên, sửa đổi nâng mức chi hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở; Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự tổ chức tiến hành hòa giải của hòa giải viên, giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành quy định tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở; Nghiên cứu quy định về việc hình thành tổ hòa giải theo số lượng dân cư, địa bàn, việc lựa chọn hòa giải viên theo hướng chỉ định trong một số trường hợp không nhất thiết phải thực hiện qua cơ chế bầu. UBND TP cũng đề nghị, cần có hình thức vinh danh đối với người hòa giải viên tham gia lâu công tác hòa giải (trên 10 năm) như Kỷ niệm chương.

Năm 2019, TP Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” dưới hình thức sân khấu hóa tới 30/30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, tạo diễn đàn giao lưu trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên, biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố, gắn cuộc thi với công tác phổ biến giáo dục pháp luật. 

Trong 05 năm qua, hàng năm TP đều tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật mới ban hành nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân trong đó có các hòa giải viên.

Đọc thêm