Ông Trần Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường giám sát các vùng trồng rau an toàn trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cần xây dựng mô hình để so sánh về chi phí giá cả, ngày công và lợi ích của việc trồng rau an toàn và không an toàn, tăng cường kiểm tra, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vi phạm ở cơ sở.
Cùng với đó là tăng cường các tổ dịch vụ bảo vệ thực vật tại các vùng trồng rau, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giao cho các tổ, hạn chế việc mỗi hộ dùng một kiểu vừa lãng phí thuốc vừa khó quản lý.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, việc Chi cục Bảo vệ thực vật làm tốt công tác kiểm soát, lưu hành, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường sẽ góp phần bảo vệ môi trường, tăng năng suất cho cây trồng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đối với các vùng sản xuất rau an toàn.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Chi cục đã kiểm tra 320 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện 5 cửa hàng vi phạm, trong đó chủ yếu là vi phạm về bán thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, thuốc hết hạn sử dụng.
Để khắc phục tình trạng này, Chi cục bảo vệ thực vật thường xuyên cập nhật các loại thuốc bảo vệ thực vật, loại sâu bệnh hại... cho cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã để trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng hợp lý, hiệu quả.
Ngoài ra, Chi cục duy trì và mở rộng 38 cơ sở gắn nhãn hiệu nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rau an toàn bán buôn và bán lẻ; Phối hợp với sàn giao dịch duy trì phân phối rau an toàn tại các khu dân cư, cơ quan. Đăng ký nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Hà Nội đã được UBND thành phố cho phép sử dụng địa danh Hà Nội, hiện đang chờ Cục Sở Hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng xây dựng tổng đài tư vấn về rau an toàn ở tổng đài 1081. Chi cục cũng đang thực hiện thẩm định việc xây dựng bản đồ số hoá về an toàn thực phẩm trong sản xuất rau.