Hà Nội xây thêm bệnh viện, người dân mừng, nhà quản lý lo

Theo quy hoạch phát triển hệ thống y tế thời gian tới, Hà Nội sẽ tiến hành xây mới, cải tạo, nâng cấp rất nhiều bệnh viện (BV). Thông tin trên khiến nhiều người dân khấp khởi vui mừng. Tuy nhiên, sẽ có không ít mối lo và trở ngại đặt ra với các nhà quản lý...
 
Theo quy hoạch phát triển hệ thống y tế thời gian tới, Hà Nội sẽ tiến hành xây mới, cải tạo, nâng cấp rất nhiều bệnh viện (BV). Thông tin trên khiến nhiều người dân khấp khởi vui mừng. Tuy nhiên, sẽ có không ít mối lo và trở ngại đặt ra với các nhà quản lý...
Khánh thành bệnh viện Đa khoa Gia Lâm
Khánh thành bệnh viện Đa khoa Gia Lâm

 Ào ạt nâng cấp và xây mới BV…

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, GĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết, tới đây, Sở sẽ tăng cường bổ sung giường bệnh ở tất cả các tuyến, đảm bảo bố trí đủ giường bệnh điều trị nội trú theo kế hoạch và khuyến khích mở rộng giường thực kê, giường bệnh xã hội hóa đảm bảo yêu cầu điều trị, chăm sóc người bệnh.
Cụ thể, trong năm 2011, TP đã đầu tư 800 tỷ đồng cho công tác mua sắm trang thiết bị, xây dựng cải tạo các BV tuyến dưới. Đầu năm 2012, bước đầu đã bổ sung trên 600 tỷ đồng, trong đó sẽ ưu tiên nâng cấp các BV như: BVĐK Hà Đông, BVĐK Sóc Sơn, BVĐK Đông Anh; xây dựng và cải tạo BVĐK Sơn Tây, BVĐK Ba Vì.
Riêng BV Thanh Nhàn sẽ triển khai xây dựng 2 tòa nhà mới, cải tạo, mở rộng, nâng cấp phòng thanh toán viện phí ngoại trú tại khoa Khám bệnh, cải tạo và chuyển khoa Cấp cứu về tầng 1 nhà B, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám và điều trị.
BV Ung bướu ngoài việc bố trí lại các khoa phòng, kê thêm giường bệnh ở những phòng còn diện tích, sẽ phối hợp với Cty Cổ phần đầu tư Forincons xin phép TP cho xây dựng khu nhà 4 -5 tầng trên nền khu xạ trị kỹ thuật cao làm khu nội trú theo yêu cầu. 
Không chỉ có vậy, từ nay đến 2015, ông Hiền cho hay, Hà Nội sẽ xây dựng các BV tại 5 cửa ngõ Thủ đô. Hiện 4 dự án trọng điểm đã được HĐND phê duyệt là: BV Đức Giang, BV 1.000 giường Mê Linh, BV Nhi Hà Nội và BV Xanh Pôn cơ sở 2, sau đó xây một BV ở cửa ô (dự kiến ở huyện Thạch Thất).  Còn theo qui hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế TP Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ trở thành một trung tâm y tế tầm cỡ quốc tế. 
Ngoài ra, thành phố khuyến khích các BV tư nhân phát triển, đến thời điểm này đã khởi công 4 dự án BV và đang triển khai xây dựng theo tiến độ được duyệt: BV đa khoa An Sinh Từ Liêm, BV đa khoa Yên Phúc tại Hà Đông, BV Y học cổ truyền Tường Lâm tại Long Biên, riêng BV đa khoa Vinmec 600 phòng bệnh và phòng khám, khánh thành vào tháng 1/2012 và đã đi vào sử dụng.
Chất lượng khám chữa bệnh có tăng?
Xây mới BV, nhưng làm thế nào để có được nguồn nhân lực tốt phục vụ tại đó và hút được bệnh nhân đến đó khám chữa bệnh, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh lại là một vấn đề vô cùng nan giải. 
Thực tế, nguồn nhân lực của chúng ta hiện thiếu ở hầu hết tất cả các tuyến và ở các BV. Gay go nhất vẫn là những BV thuộc chuyên khoa Tâm thần, lao, HIV… Đơn cử BV Tâm thần Hà Nội có 650 giường bệnh nhưng mỗi năm phải quản lý 20.000 lượt bệnh nhân, số thầy thuốc hiện có chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu.
“5 năm vừa rồi chúng tôi không xin được bác sỹ nào, năm vừa qua có 3 hồ sơ nộp xin việc, chưa kịp mừng thì hai người đã ra đi. Chúng tôi gặp khó khăn nhất là thiếu BS” - bác sĩ Lý Trần Tình, Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội buồn bã cho hay.
BV 09, nơi chuyên điều trị cho bệnh nhân AIDS trong hoàn cảnh tương tự. “Xin được người đã khó, giữ được người càng khó hơn. 5 năm qua, năm nào BV cũng đi "xin người", nhưng mãi đến mới đây, mới tiếp nhận được một BS về làm việc”, BS Trần Quốc Tuấn, Giám đốc BV 09 chia sẻ. 

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức: 

“Có BV khang trang, hiện đại chỉ cần có đất và tiền, nhưng có thứ tiền cũng không mua được, đó là nhân lực.

Theo tôi, lo nhất hiện nay ở các BV nói chung vẫn là nguồn nhân lực. Việc Hà Nội xây thêm nhiều BV, phải tính kỹ đến nguồn nhân lực.

Nói thế là bởi, nhân lực ngành y là một vấn đề rất cấp thiết hiện nay. Trong khi nhu cầu cần rất lớn, mà đào tạo được bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ giỏi không đơn giản chút nào.

Để có  một bác sĩ mất 6 năm, nhưng một bác sĩ làm được việc phải mất 10 năm, một bác sĩ phẫu thuật phải mất đến 14, 15 năm. Vì vậy, nếu không tính toán kỹ, khi BV xây xong, lấy nhân lực ở đâu mà đắp vào. Mà BV không đủ nhân lực, không tạo dựng được thương hiệu thì mong gì thu hút bệnh nhân và giảm tải.

Vì vậy, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, cần phải có một chiến lược bài bản để đào tạo nguồn nhân lực y tế”.

Ông Nguyễn Khắc Hiền tỏ ý lo ngại khi khẳng định: Vấn đề nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở y tế rất quan trọng, nếu không có kế hoạch đào tạo kịp thời, nguy cơ các BV xây dựng xong sẽ thiếu nhân lực và bệnh nhân lại vẫn tiếp tục dồn về các BV tuyến trên là khó tránh khỏi.

Để khắc phục tình trạng này, ông Hiền cho hay, Sở Y tế đã xin TP cho phép  tuyển dụng, đào tạo theo kiểu “ngắt ngọn”. Những sinh viên nào có nhu cầu công tác tại các đơn vị y tế Hà Nội sẽ được ưu tiên. Nếu về các BV nội thành phải thi tuyển ngặt nghèo, còn về ngoại thành sẽ được hỗ trợ đặc biệt trong quá trình học tập.

Hà Nội sẽ đề nghị đào tạo theo nhu cầu chuyên khoa mà các đơn vị đang cần. Với kế hoạch đào tạo và tuyển dụng này, “sẽ giải quyết được phần nào nhu cầu về nhân lực. Còn để đáp ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu thực tiễn, vẫn là một bài toán khó”, ông Hiền nhấn mạnh. 

Cùng với vấn đề thiếu nhân lực, thương hiệu của BV cũng là vấn đề đáng bàn. Trước quá nhiều đề án xây dựng cơ sở 2 của các BV Hà Nội cũng như BV tuyến T.Ư, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, nếu cơ sở 2 không đảm bảo chất lượng như cơ sở 1 thì dù BV được xây khang trang cũng chẳng người dân nào đến khám, bởi các sản phụ đi đẻ vẫn thích đổ xô về Phụ sản Hà Nội, Phụ sản T.Ư; ngoại khoa thì đổ về Việt Đức,  dù có phải nằm ghép 3 - 4 người/giường...
“Vậy nên, nếu xây dựng thêm BV, BV đó vẫn phải đạt tiêu chuẩn, có BS trình độ giỏi, có phương tiện máy móc tốt... ”, TS Lương Ngọc Khuê nói.
Đề cập đến vấn đề quá tải và xây mới BV trên địa bàn Thủ đô, đã không ít lần, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến  thừa nhận: Hiện nay, bên cạnh sự quá tải thật, còn có tình trạng quá tải “ảo”, đó là tình trạng người dân bệnh nhẹ cũng “thích” lên tuyến T.Ư khám, tập trung vào những BV có thương hiệu.
Xem ra, việc xây mới ồ ạt một loạt các BV trên địa bàn Thủ đô là một vấn đề cần cân nhắc, nghiên cứu và xem xét cho thật kỹ lưỡng. Nếu không, sẽ rơi vào tình trạng, đầu tư nhiều, tốn kém lắm mà chẳng giải quyết được vấn đề gì…
Trà Long 

Đọc thêm