Hà Nội: Xúc tiến xã hội hóa để đổi mới chất lượng hoạt động giám định tư pháp

Sáng qua (11/1), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, Trưởng Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (Đề án 258) đã có buổi làm việc với TP.Hà Nội.

Sáng qua (11/1), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, Trưởng Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (Đề án 258) đã có buổi làm việc với TP.Hà Nội.

Đánh giá của Đoàn kiểm tra về kết quả thực hiện Đề án 258 hai năm qua cho thấy, hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) của thành phố trong kỹ thuật hình sự, pháp y và pháp y tâm thần đã đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn Thủ đô.

Tuy nhiên, việc giám định theo vụ việc thuộc các lĩnh vực xây dựng, văn hóa, môi trường… còn rất hạn chế so với công tác giám định trong các lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cho lĩnh vực này vẫn hạn chế…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP trên địa bàn thành phố, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh, Hà Nội cần tiếp tục tập trung tháo gỡ dần những khó khăn đang hạn chế hiệu quả của hoạt động GĐTP trên địa bàn, cũng như tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan tư pháp và y tế thành phố trong lĩnh vực này. Với quyết tâm “để hoạt động GĐTP tốt hơn lên”, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, Hà Nội sẽ xúc tiến thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực GĐTP, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và nhận thức của các cấp, ngành về công tác GĐTP…

Hiện Hà Nội có 3 tổ chức GĐTP: Trung tâm Pháp y Hà Nội, Phòng Kỹ thuật hình sự, CA TP Hà Nội và Trung tâm Giám định pháp y tâm thần Hà Nội, với 94 giám định viên./.

Huy Anh

Đọc thêm