Trong năm 2018, Trung tâm đã tổ chức thực hiện thành công 103 cuộc TGPL lưu động tại thôn, xã nghèo, đặc biệt khó khăn trên địa bàn các huyện Thạch Hà; Can Lộc; Hương Khê; Kỳ Anh... thu hút hơn 10.000 lượt người tham dự. Thực hiện tư vấn, hướng dẫn 1.559 vụ việc (tăng 170% so với cùng kỳ năm 2017), giới thiệu phổ biến nhiều nội dung pháp luật cơ bản, thiết yếu đến người dân như: Luật TGPL, Luật dân sự, hình sự, đất đai, hôn nhân và gia đình…
Có thể nói công tác tư vấn pháp luật, TGPL tại cơ sở ngày càng có hiệu quả cao thể hiện rõ qua việc số lượng người được TGPL ngày càng tăng trên các lĩnh vực. Hoạt động TGPL gần hơn với từng đối tượng TGPL, thông qua những vụ việc cụ thể đã giúp bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, giảm bớt các thủ tục khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp.
Qua đó, công tác TGPL đã góp phần làm tăng lòng tin của người dân vào chính quyền, giảm bớt những chi phí không đáng có về thời gian, tiền bạc của nhân dân và chính quyền cơ sở. Đồng thời, công tác này đã hỗ trợ chính quyền cơ sở trong việc ổn định trật tự xã hội, tháo gỡ những vướng mắc giữa người dân với các cơ quan công quyền, làm lành mạnh hóa các mối quan hệ ở địa phương.
Thông qua việc áp dụng các biện pháp hợp lý, cách tiếp cận hài hòa đã làm cho người dân hiểu và tin hơn vào chính quyền, quy định của pháp luật; làm tăng tính hợp tác trong mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân địa phương. Năm 2018, ngay tại trụ sở Trung tâm đã thực hiện 445 vụ việc trợ gúp do có sự truyền thông mạnh mẽ về TGPL, hiệu quả trong công tác tiếp dân được người dân ghi nhận. Bên cạnh việc tư vấn, hướng dẫn, đối với những vụ việc phức tạp các trợ giúp viên đã đồng hành cùng bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng TGPL.
Xác định TGPL trong tố tụng là một trong những hoạt động trọng tâm và then chốt của công tác TGPL, với các việc làm thiết thực như cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng 174 vụ việc (tăng 58 vụ việc, tăng 42% so với năm 2017). Chất lượng vụ việc TGPL không ngừng được cải thiện, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
Sự tham gia của trợ giúp viên góp phần bảo đảm tính khách quan, toàn diện, đánh giá đúng bản chất của vụ việc và hành vi phạm tội của bị can, bị cáo để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng được TGPL. Tạo được sự lan tỏa tích cực, mãnh mẽ đến với người dân trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ các vụ việc thành công của các trợ giúp viên pháp lý đảm nhận cao hơn.
Quy chế phối hợp giữa Trung tâm và Đoàn luật sư tỉnh được chú trọng và đạt được nhiều kết quả tốt, đặc biệt là trong công tác phối hợp tham gia tố tụng, truyền thông trợ giúp pháp lý về cơ sở. Nhiều vụ án có sự tham gia bào chữa, bảo vệ của luật sự cộng tác viên đã đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng được TGPL được các cấp, các ngành, nhân dân ghi nhận.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn – Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, để nâng cao chất lượng, số lượng vụ việc TGPL, đảm bảo đáp ứng yêu cầu trợ giúp của người dân trên địa bàn Trung tâm đã phối hợp với Đoàn luật sư tỉnh kiện toàn, tuyển chọn được 8 luật sư có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực thực hiện trợ giúp làm cộng tác viên. Đồng thời tiến hành tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ thực hiện TGPL.
Trong hoạt động tố tụng, Trung tâm đã tăng cường sự phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, chú trọng đẩy mạnh, nâng cao kỹ năng tham gia tố tụng của trợ giúp viên, luật sư, cộng tác viên gắn với hiệu quả của từng vụ việc, từng đối tượng được trợ giúp...
Ông Nguyễn Quốc Tuấn hồ hởi cho biết, trong hai phiên tòa đầu năm 2019 (Dương lịch) niềm vui của trợ giúp viên tham gia bào chữa cho các đối tượng đã giảm khung từ 3-10 năm tù thành án treo 15 tháng cho một trẻ vị thành niên. Ngoài ra yêu cầu dân sự được toà chấp nhận 100% cho một người dân tộc thiểu số. Đây là niềm vui, là khởi đầu tốt đẹp cho những người làm TGPL ở Hà Tĩnh khi một năm mới bắt đầu.