Đi tìm công lý cho nạn nhân xâm hại tình dục: Hành trình đầy... hên xui?

(PLO) - Nếu gọi quấy rối tình dục là một “vết thương” trên người nạn nhân thì “vết thương” ấy luôn hở miệng và nhức nhối... Việt Nam đã có những thay đổi tích cực và dần hoàn thiện khung pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. 
Một nạn nhân của bạo lực tình dục được chăm sóc tại Ngôi nhà Bình yên. (Ảnh minh họa)
Một nạn nhân của bạo lực tình dục được chăm sóc tại Ngôi nhà Bình yên. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, việc tồn tại những rào cản về văn hóa, định kiến xã hội và khoảng trống chính sách vẫn khiến phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục đối diện với các nguy cơ không an toàn.  

“Tôi là một nạn nhân của rất nhiều vụ quấy rối tình dục...”

Một nạn nhân đã mở đầu câu chuyện của mình bằng một câu kể như vậy. Nhưng ẩn giấu sau câu kể lạnh lùng mang tính liệt kê ấy là rất nhiều nước mắt và nỗi đau khó vượt qua. 

Ở ngay Hà Nội, gia đình khá giả, chứ không phải đến từ miền quê nghèo khó, nhận thức hạn hẹp, vậy mà cô đã là nạn nhân của những vụ quấy rối tình dục khi còn là học sinh. “Tôi là một nạn nhân của rất nhiều vụ quấy rối tình dục từ khi còn chưa nhận thức được vấn đề cho tới khi đã có những nhận thức rõ ràng.

Nó đến cả từ những người xa lạ cho đến những người thân quen. Khi còn nhỏ, tôi từng bị những người họ hàng xâm hại mà không hề nhận thức được việc đó. Đó là người chú họ “ngoan ngoãn của họ hàng” lên Hà Nội thi đại học, người anh họ…, những kẻ chẳng ai ngờ đến sẽ làm những việc ghê tởm ấy.

Đến cả đi học thêm, tôi cũng bị xâm hại. Đối tượng chẳng phải ai xa lạ mà chính là người thầy mẫu mực ai cũng kính nể. Rồi trên đường đi học vắng vẻ, tôi bị những kẻ lạ mặt động chạm, dùng những lời nói quấy rối dơ bẩn, còn phơi bày cả bộ phận sinh dục…” – cô chia sẻ.

Đã trở thành phụ nữ trung niên, nhưng chị H.A ở quận Đống Đa vẫn nghẹn lời khi kể lại đời mình. Rằng lúc nhỏ chị bị chính những người bạn của bố quấy rối tình dục, khi đi học chị suýt bị cưỡng bức trong nhà vệ sinh của trường, để đến bây giờ sự sang chấn tâm lý vẫn còn đeo bám chị.

Lấy chồng, sinh con nhưng chị biết chồng chị rất buồn về một người vợ không có ham muốn tình dục, luôn có hành vi cư xử thể hiện sự sợ hãi với đàn ông. Những đứa con của chị nghẹt thở vì nỗi lo lắng của mẹ luôn bủa vây chúng. Chị lo con mình sẽ rơi vào tình trạng giống mình để rồi phải sống cuộc đời ám ảnh...

Chia sẻ về tình trạng phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị quấy rối tình dục, chị Nguyễn Thị Lan Anh – Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng – một người phụ nữ bị khuyết tật vận động ngồi xe lăn thẳng thắn cho biết chính chị cũng từng là nạn nhân.

“Có một thực tế đau đớn rằng bạo lực tình dục xảy ra nhiều hơn ở nhóm khuyết tật nặng. Họ là những người bị khuyết tật vận động, thần kinh, tâm thần, khuyết tật trí tuệ, thế nhưng tỷ lệ bị quấy rối, lạm dụng, bạo lực tình dục rất cao với con số 35%.

Có những người bị hành vi bạo lực tình dục lặp đi lặp lại nhiều lần (trên 10 lần), bao gồm cả hành vi bắt ép quan hệ tình dục mà họ không dám nói với ai. Phụ nữ khuyết tật bị bạo lực tình dục có thể ở lứa tuổi rất nhỏ 9 tuổi và cao nhất là trên 50 tuổi” – chị Lan Anh cho biết. 

Hên xui trong hành trình đi tìm công lý?

Đó là chữ dùng của Luật sư Nguyễn Văn Tú từ góc nhìn của đơn vị hành nghề luật về hành trình đi tìm công lý của nạn nhân bạo lực tình dục. “Một cuộc xâm hại tình dục chỉ xảy ra trong vài phút, nghiêm trọng lắm cũng không quá vài ngày. Nhưng có được ánh sáng công lý cho vụ này thì rất nhiều người, rất nhiều cơ quan phải mất từ vài tháng đến vài năm mới hên xui có được một chút le lói của công lý.

Qua tâm sự với nạn nhân, chúng tôi thấy rằng, trong tâm lý phản kháng của nạn nhân thì mong muốn đầu tiên là tố cáo kẻ bạo hành ra pháp luật. Nhưng nạn nhân đến với bác sĩ, nhà tâm lý dễ dàng và dễ đạt mục đích bao nhiêu thì đến với công lý khó khăn và khó đạt được mục đích bấy nhiêu. Thậm chí họ còn mất niềm tin và cảm giác thất bại thật rõ ràng” – Luật sư Nguyễn Văn Tú nhấn mạnh.

Nạn nhân bạo lực tình dục khó được trợ giúp pháp lý vì luật chưa quy định rõ - quan điểm này cũng được Ths. Vũ Thị Hường – Cục Trợ giúp pháp lý nêu ra. Bà Vũ Thị Hường đưa ra con số từ năm 2016-6/2018 Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước đã thực hiện TGPL cho gần 700 nạn nhân bạo lực gia đình và gần 800 nạn nhân bạo lực tình dục.

Tuy nhiên, trong công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực tình dục nói riêng vẫn còn khó khăn vì Luật TGPL quy định 14 nhóm đối tượng được TGPL trong đó có nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình khó khăn về tài chính.

“Như vậy, về thể chế chưa có chế tài cho hành vi quấy rối tình dục, Luật TGPL cũng không quy định rõ nạn nhân bạo lực tình dục được TGPL. Bên cạnh đó là những khó khăn khác về mặt thi hành pháp luật như cơ quan, tổ chức, cá nhân, người thân, gia đình, nạn nhân chưa tích cực phối hợp, nhận thức đầy đủ... ”, theo bà Vũ Thị Hường.

Bổ sung thông tin của bà Vũ Thị Hường, Luật sư Nguyễn Văn Tú cho biết các khái niệm cơ bản như “giao cấu”, “quấy rối tình dục” không được định nghĩa là khó khăn gốc của mảng hệ thống pháp luật này. Bộ luật Hình sự quy định về cuộc bạo lực tình dục nghiêm trọng (hiếp, cưỡng bức, giao cấu, khiêu dâm, dâm ô) nhưng còn hàng trăm loại hành vi tấn công tình dục khác (quấy rối tình dục) không được quy định.

Mảng xử lý hành chính cũng gần như không có quy định. Chế tài hành chính chỉ có phạt tiền mà chưa có hình thức phạt khác, thậm chí phạt tiền chỉ từ 100-300 nghìn đồng. Chế tài hình sự thì nghiêm khắc (phạt tiền, tù, tử hình) nhưng chế tài dân sự thì không thỏa đáng và khó tính toán (bù đắp tinh thần, sức khỏe).

Chế tài kỷ luật (cảnh cáo, cách chức, khiển trách, khai trừ, bãi miễn nhiệm) có phát huy tác dụng nhưng thủ phạm của hành vi bạo lực tình dục có quá nhiều cách tránh né các chế tài kỷ luật này... 

Cảnh sát thường không xem người vợ là nạn nhân trong các vụ hiếp dâm trong gia đình

Tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân bạo lực giới là vấn đề phổ biến tại Việt Nam. Theo kết quả một nghiên cứu gần đây (Krause và cộng sự, 2015), trên 90% phụ nữ Việt Nam và ít hơn 70% nam giới Việt Nam khi được hỏi đều thống nhất rằng, bạo hành trong đời sống vợ chồng đối với phụ nữ có thể được bào chữa trong rất nhiều trường hợp.

Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS) ở Việt Nam năm 2014 cho thấy, tỉ lệ chấp nhận bạo lực giới tiếp tục xuất hiện ở thế hệ trẻ hơn, với 45% em gái tuổi từ 15-19 cho rằng đàn ông có quyền đánh đập vợ.  

Theo Rydstrom (2003), các quan niệm truyền thống về giới tại Việt Nam như nam giới thường “nóng” và phụ nữ phải “lạnh”, hành vi bạo hành phụ nữ của nam giới là “một phần tính cách của họ” và phụ nữ có trách nhiệm phải “làm hòa” với nam giới để giữ gìn yên ấm trong gia đình.

Kết quả là, phụ nữ bị đổ lỗi gây ra tình trạng bạo lực gia đình và do đó cần phải chịu đựng bạo hành.  Một thực tế khác, mặc dù cưỡng ép tình dục giữa vợ chồng là bất hợp pháp, nhưng chưa có ghi nhận nào cho thấy những trường hợp như vậy bị điều tra hoặc truy tố. Cảnh sát thường không xem vợ là nạn nhân trong các vụ hiếp dâm trong gia đình. 

Đọc thêm