Hà Tĩnh sẽ là cực phát triển của Bắc Trung Bộ

(PLVN) - Một trong những mục tiêu lớn trong nhiệm kỳ 2021-2025 của Đảng bộ Hà Tĩnh quyết tâm thực hiện là tập trung xây dựng địa phương này sớm trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ, phấn đấu năm 2030 trở thành “top” 20 địa phương dẫn đầu của cả nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm bà con nhân dân ở khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Điểm nhấn Khu Kinh tế Vũng Áng

Kết quả đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững, cùng với vị trí nằm trên trục giao thông chiến lược Bắc - Nam, liên kết vùng, kết nối kinh tế khu vực… Hà Tĩnh được đánh giá là đang đứng trước thời cơ phát triển lớn.

Tuy vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển còn hạn chế… đang đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển của địa phương này.

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII trình Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX khẳng định, sẽ tập trung các giải pháp đồng bộ chuyển dần từ tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư, lao động phổ thông sang tăng trưởng dựa vào năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, tập trung tăng năng suất, sức cạnh tranh của các ngành, các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Trong công nghiệp, địa phương này sẽ tập trung thu hút đầu tư, tăng tỉ lệ lấp đầy tại các khu, cụm công nghiệp; xây dựng Khu Kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng.

Ưu tiên và đa dạng hóa các nguồn lực, hoàn thiện cơ chế chính sách, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững với 3 trụ cột: Công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; trung tâm logistic và dịch vụ cảng biển; phát triển dịch vụ, thương mại; Ưu tiên phát triển sản xuất các ngành công nghiệp hỗ trợ sau thép, các ngành công nghiệp tiềm năng. Phấn đấu đến năm 2025 khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm trên 55% Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). 

“Phát triển cụm ngành thép giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp. Tạo điều kiện triển khai giai đoạn 2 Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh trên cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nguyên liệu cho chế biến, chế tạo, đảm bảo nghiêm ngặt về môi trường. Tiếp tục phát triển sản xuất các sản phẩm chế tạo từ thép, các ngành dịch vụ sửa chữa, cơ khí”- Báo cáo Chính trị nêu.

Nhiệm kỳ tới, Hà Tĩnh cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, hiện đại. Cơ cấu lại sản xuất từng ngành, từng lĩnh vực, gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương, vùng sinh thái...

 Khu kinh tế Vũng Áng sẽ là động lực phát triển cho Hà Tĩnh.

Tập trung khai thác tối đa tiềm năng, phát triển các sản phẩm đặc sản, riêng có của vùng miền, địa phương thành sản phẩm lợi thế, sản phẩm OCOP của tỉnh trong chuỗi giá trị nông sản quốc gia. 

Ở lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch, tỉnh sẽ phát triển dịch vụ cảng biển và hậu cần (logistics) trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng Vũng Áng; đưa cảng Vũng Áng, cảng Sơn Dương trở thành cảng vận chuyển quốc tế lớn của vùng Bắc Trung Bộ; hình thành và phát triển cảng container.

Kêu gọi đầu tư hoàn thành trung tâm logistics tại Khu Kinh tế Vũng Áng và huyện Đức Thọ. Phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trở thành trung tâm logistics trên giao điểm giữa trục đường Hồ Chí Minh và hành lang kinh tế Đông - Tây, là điểm trung chuyển hàng hóa giữa nội địa với Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS). 

7 nhiệm vụ trọng tâm 

Một trong những phương hướng mà Hà Tĩnh đưa ra là nhất quán thực hiện quan điểm phát triển bền vững; lấy con người làm trung tâm, khoa học - công nghệ là nền tảng, động lực; khơi dậy khát vọng, ý chí, đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị bản sắc văn hoá, con người Hà Tĩnh. Xác định “Bốn trụ cột - Ba nền tảng” và “Ba đô thị - Một trung tâm - Ba hành lang” làm trọng điểm phát triển cho giai đoạn ‎2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của địa phương này. 

Và để đạt được các mục tiêu đề ra, Hà Tĩnh đưa ra 7 nhiệm vụ trọng tâm cho nhiệm kỳ tới. 

Thứ nhất, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tiếp tục sắp xếp bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp và các tổ chức trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhất là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, góp phần xây dựng Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững.

Thứ hai, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Phát huy rõ hơn vai trò các đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, cán bộ, đảng viên và nhân dân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nền kinh tế số, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ sau thép, dịch vụ cảng biển và logistics, thu hút đầu tư các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động.

Thứ tư, huy động mọi nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông trọng yếu tạo sự liên kết vùng từ miền núi đến ven biển, Khu Kinh tế Vũng Áng, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng số, hình thành các trục phát triển, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, xây dựng tỉnh nông thôn mới kết nối với đô thị. Đẩy mạnh huy động xã hội hóa nguồn lực đầu tư hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế.

Thứ năm, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, nguồn lực con người. Chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với người có công, công tác giảm nghèo, đặc biệt chú trọng các xã khó khăn; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. 

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công của các cơ quan, đơn vị; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. 

Thứ bảy, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững với ba trụ cột “kinh tế - xã hội - môi trường”. Tăng cường và nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực.

Để hoàn thành các nhiệm vụ nêu trên, một trong ba đột phá chiến lược cho nhiệm kỳ tới là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhất là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự phát triển của tỉnh.

Một số chỉ tiêu đặt ra cho nhiệm kỳ 2021-2025

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 10%; Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp dưới 9%, công nghiệp - xây dựng gần 57% (trong đó công nghiệp chiếm gần 49%); dịch vụ trên 34%. Thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt trên 28 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa trên 16 nghìn tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 220 nghìn tỷ đồng; Thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng; Kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người trên 110 triệu đồng; Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm trên 1,5%;  Giải quyết việc làm mới cho trên 20 nghìn người/năm; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 95%; Có 11,5 bác sỹ/1 vạn dân; trên 28 giường bệnh/1 vạn dân. 

Đọc thêm