"Hai cô 19 tuổi cưới" có phải "lối mở" cho người đồng giới?

Tỷ lệ ủng hộ và phản đối từ các lời bình của cư dân mạng về đám cưới của hai cô gái 19 tuổi ở Hà Nội mới đây gần như ngang nhau. Vấn đề kết hôn đồng giới cũng được các chuyên gia pháp lý mổ xẻ, phân tích...

Nếu như vài năm trước đây, chuyện tình cảm của người đồng giới vẫn còn là chuyện khiến người nghe... nổi da gà vì dị ứng, thì giờ đây, những vấn đề liên quan đến người đồng giới đã được nhìn nhận với thái độ hiểu biết, cảm thông hơn.

Và, có lẽ cũng từ sự cảm thông này mà ở Hà Nội mới đây đã có một cặp đôi đồng tính nữ công khai làm đám cưới. Nhân sự kiện này, một làn sóng tranh luận pháp lý đã nổ ra và trong đó ý kiến “nên nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều” đang rất được các chuyên gia pháp lý quan tâm.

Đám cưới của đôi bạn Quang Minh và Thùy Linh đã gây xôn xao dư luận

Không phải sự ngông cuồng nhất thời

Ngày 16/12, cư dân mạng xôn xao vì đoạn phim đám cưới của cặp đôi Quang Minh và Thùy Linh diễn ra vào ngày 14/12 ở Hà Nội. Nó trở thành tâm điểm chú ý vì đây là đám cưới đồng tính nữ đầu tiên ở Việt Nam.

Trong đoạn phim, “chú rể” Quang Minh có mái tóc đỏ rực, còn cô dâu Thùy Linh sở hữu mái tóc vàng. Đám cưới diễn ra hoành tráng trước gần 100 bạn bè, người thân với hoa hồng, thiệp mừng cùng đầy đủ nghi lễ long trọng. Cô dâu Thùy Linh sinh năm 1991, là sinh viên năm thứ nhất một trường Quốc tế. Còn “chú rể” Quang Minh là giám đốc của một công ty truyền thông quảng cáo ở Hà Nội. Họ từng là bạn học của nhau.

Sau một khoảng thời gian dài thân thiết, tình yêu giữa hai cô gái nảy nở và họ quyết định tổ chức đám cưới. Cặp “vợ chồng” này cũng cho biết tình yêu của họ không phải là ý nghĩ ngông cuồng nhất thời vì họ đã trải qua một thời gian dài trải nghiệm tình cảm của mình đủ để biết rằng cả hai rất hiểu nhau, luôn có cảm giác hạnh phúc, an toàn khi ở cạnh nhau và thật sự đã thuộc về nhau. Tình yêu của họ đã gặp rất nhiều sự phản đối từ bạn bè và gia đình hai bên. Tuy nhiên, cả hai đã kiên trì thuyết phục và dần dần được gia đình chấp nhận.

Điều đáng nói là tỷ lệ ủng hộ và phản đối hoặc lo ngại từ các comments (lời bình) của cư dân mạng là ngang bằng nhau về đám cưới kỳ lạ nhất Việt Nam này. Thậm chí có bạn trẻ đã thẳng thắn bày tỏ: “Bấy lâu nay mình yêu người cùng phái, muốn là vợ là chồng thật sự của nhau nhưng không dám. Qua đám cưới này, mình đã tự tin và mạnh dạn hơn nhiều, trong tương lai sẽ thực hiện theo”. 

 

Không những thế, họ còn gửi một thông điệp tới xã hội rằng qua đám cưới “mọi người, quý phụ huynh và những bạn trẻ hãy có cái nhìn thoáng hơn, thiện cảm hơn đối với những người như chúng mình, chấp nhận những tình yêu như vậy”.

Kỳ thị và ủng hộ

Cần phải nói rằng, chuyện kết hôn đồng giới có thể mới mẻ ở Việt Nam nhưng lại không còn là câu chuyện mới trên thế giới. Nhưng, tất nhiên không phải ở quốc gia nào nó cũng được ủng hộ. Còn nhớ, cách đây ít lâu dư luận Mỹ đã từng bị cuốn vào việc Tòa án California xem xét lại quyết định của chính quyền bang cấm những người cùng giới tính cưới nhau. 

Có thể thừa nhận, nếu...

Theo quan điểm của chuyên gia pháp lý Nguyễn Việt Hùng thuộc Văn phòng Luật sư Nguyễn Việt Hùng thì: “Hôn nhân giữa người đồng tính hiện tại pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận, cho dù họ có tổ chức hôn nhân thực tế theo hình thức gì đi nữa. Quan điểm của tôi là trong giai đoạn hiện nay ở nước ta chưa nên thừa nhận.

Tuy nhiên, xu thế trong tương lai, khi những điều kiện về kinh tế, xã hội phát triển đến một mức độ nhất định và các quan niệm xã hội có sự chuyển biến khác đối với quan niệm truyền thống về gia đình có cởi mở hơn, nhận thức của số đông có sự thay đổi về hôn nhân gia đình, thì có thể công nhận hôn nhân đồng giới”.

Tại phiên tòa, những người đứng đầu phe ủng hộ lệnh cấm hôn nhân đồng giới được triệu đến tòa như những nhân chứng. Tòa buộc họ trả lời những câu hỏi liên quan nhiều vấn đề, bao gồm việc các cặp cha mẹ cùng giới ảnh hưởng như thế nào đối với con cái và liệu hôn nhân đồng giới có làm xói mòn hình thức hôn nhân truyền thống giữa nam và nữ hay không?.

Đối lại, bên ủng hộ hôn nhân đồng giới cũng đưa ra những lập luận thuyết phục rằng hôn nhân đồng giới là một thử nghiệm xã hội, vì thế đây là vấn đề cần phải có thái độ hết sức thận trọng.

Trước đó, ngày 4/11/2008, đồng thời với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ Barack Obama, dân bang California còn bỏ phiếu trưng cầu ý dân để thông qua dự luật Proposition 8 về lệnh cấm kết hôn đồng tính.

Niềm hy vọng của dân đồng tính rằng uy tín của Barack Obama - người ủng hộ hôn nhân đồng giới - có thể thay đổi định kiến của xã hội Mỹ, đã bị dập tắt. Gần 53% cử tri California bỏ phiếu thuận cho luật sửa đổi với quy định: Hôn nhân chỉ được công nhận hợp pháp là giữa một phụ nữ và một nam giới.

Hà Lan là quốc gia đầu tiên cho phép hôn nhân đồng giới năm 2001. Sau đó chín quốc gia khác (Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nam Phi, Na Uy , Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Iceland và Argentina) và năm tiểu bang ở Hoa Kỳ (Massachusetts, Iowa, Connecticut, Vermont, New Hampshire) cùng với thủ đô Mexico cũng cho phép hôn nhân đồng giới.

Ở 16 quốc gia khác, những người cùng giới có thể kết hợp dân sự với nhau. Còn ở Việt Nam, như đã nói trên thay vì thái độ dị ứng như trước đây, thì vấn đề người đồng giới ngày nay đã được nhìn nhận với con mắt cảm thông hơn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mọi điều đều được phép...

Tiếp cận đa chiều

Chưa thừa nhận - đó là điều có thể khẳng định ngay khi nói về quan điểm của pháp luật Việt Nam đối với vấn đề kết hôn đồng giới. Cụ thể, Khoản 2, Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình đã quy định rõ: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”.

Như vậy, với quy định trên đây, pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa nam với nữ và không thừa nhận hôn nhân giữa những người đồng tính. Không những thế, Luật Hôn nhân và Gia đình còn có cả điều luật dứt khoát nghiêm cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính (Khoản 5 - Điều 10), do vậy tất cả những đám cưới của những người đồng tính hiện nay là không hợp pháp.

Trong các buổi hội thảo, diễn đàn về pháp luật hôn nhân gia đình, vấn đề kết hôn đồng giới thay vì bị né tránh thì đã được các chuyên gia pháp lý đưa ra mổ xẻ, phân tích rất nhiều.

Bên cạnh những ý kiến nên cấm tuyệt đối vì nhưng lý do như: trái với thuần phong mỹ tục, làm phát sinh nhiều định nghĩa mới dẫn đến cách nhìn nhận về gia đình, hôn nhân trước đây sẽ phải sửa đổi tương ứng..., có không ít quan điểm cho rằng cần phải nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ của tự nhiên để thấy những con người này sinh ra vốn dĩ đã như vậy, họ không thể tự quyết định được giới tính của họ mà tạo hóa đã quyết định cho họ.

Do đó, về lâu dài, cần có sự tìm hiểu, thống kê và nghiên cứu đầy đủ với thái độ tôn trọng và cảm thông để áp dụng những giải pháp, pháp luật thỏa đáng hơn cho vấn đề hôn nhân đồng giới. Nói cách khác đây là cách tiếp cận đa chiều về cùng một vấn đề hôn nhân, gia đình và nếu được thực hiện thì cách tiếp cận này sẽ  giúp những người đồng tính tự tin sống, hưởng cuộc sống hạnh phúc thực sự.

Vì sao hôn nhân đồng giới bị phản đối?

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “hôn nhân đồng giới hay hôn nhân đồng tính là hôn nhân của hai người có cùng giới tính sinh học hoặc giới tính xã hội được chấp nhận về mặt luật pháp hay xã hội. Ở nhiều quốc gia phương Tây, kết hôn đồng giới là một vấn đề về quyền công dân và là vấn đề chính trị, xã hội, đạo đức và tôn giáo.

Những người phản đối thường dựa vào các lý do tác động trực tiếp và gián tiếp của hôn nhân đồng giới, vấn đề con cái, nền tảng tôn giáo, truyền thống và chủ nghĩa dị tính luyến ái. Nhiều người ủng hộ hôn nhân đồng giới cho rằng sự phản đối hôn nhân đồng giới là do chứng ghê sợ đồng tính luyến ái”.

Hồng Minh

Đọc thêm