Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin về vụ bé 9 tháng tuổi Nguyễn Thị Như Ý (ở ấp Long Thành A, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) bị người nhà hành hạ dã man, khiến dư luận đang rất bức xúc. Ngày 21/9/2010, Công an huyện Lai Vung ra quyết định khởi tố vụ án và đang củng cố hồ sơ để khởi tố các bị can.
Đánh con để tránh họa?
Đến nay, cơ quan chức năng đã xác định bốn người tham gia hành hạ bé Như Ý gồm: Nguyễn Thị Xuân Lan (mẹ bé Như Ý), Lê Thành Tám (người đang sống với Xuân Lan như vợ chồng) và ông bà ngoại của bé Như Ý. Ngoài ra, Công an huyện đang xác minh nội dung các video clip, hình ảnh nghi là liên quan đến việc hành hạ bé Như Ý trong chiếc điện thoại di động của Tám.
|
Các vết thương trên người bé Như Ý |
Có nguồn tin cho rằng nguồn cơn khiến những người lớn trên tạo ra những vết sẹo loang khắp cơ thể bé Như Ý là vì họ tin rằng bé gái này là mầm họa cho gia đình. Các cơ quan báo chí đã tìm hiểu về tính xác thực của thông tin này.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Bảy (cô ruột của Xuân Lan) cho biết, cuộc sống của gia đình Xuân Lan đã thay đổi chóng mặt và trở nên bí hiểm từ khi bố của Xuân Lan là ông Nguyễn Văn Kiết quen biết với Lê Thành Tám. Thậm chí, từ đó ông Kiết còn sao nhãng mọi việc của gia đình, dòng tộc.
Cứ chiều chiều, tại nhà ông Kiết lại có một nhóm đông người tụ tập, bàn tán về một câu chuyện gì đó. Bà con có nghe loáng thoáng rằng họ bàn tán về vạn vật tự nhiên, trong đó ông Kiết và con gái rất tin rằng Tám có khả năng siêu nhiên nên nhất nhất nghe theo lời đối tượng này.
Theo bà Bảy, chính vì bị Tám thu hút mà Xuân Lan đã từng theo về nhà Tám ăn ở dù người đàn ông này đã có vợ ở nhà. Biết chuyện, bà Bảy khuyên răn Xuân Lan nhưng vô hiệu và Lan còn nói rằng rất thương vợ Tám.
Có thể vì niềm tin mù quáng vào Tám - người đàn ông mà Xuân Lan cùng cha, mẹ tin rằng có “siêu năng lực” - nên nhóm người này đã nhẫn tâm hành hạ cháu Như Ý để tránh gặp tai họa.
Hậu quả của mê tín dị đoan
Nguồn cơn của vụ việc bé Như Ý bị hành hạ đang được cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ. Nhưng nếu quả thật những thương tích của bé Như Ý có nguồn gốc từ sự mê tín dị đoan thì đây là một hồi chuông cảnh báo hậu quả nghiêm trọng của nạn này.
Trước bé Như Ý, đã từng xảy ra không ít vụ việc đáng tiếc tương tự. Chẳng hạn như trường hợp bà Nguyễn Thị X (SN 1949, ở Long An) bị bệnh tâm thần. Sau khi chạy chữa nhiều nơi không khỏi, gia đình bà X nghe nói có “thầy” Tuấn (Võ Anh Tuấn, SN 1954, ở thị xã Tân An, tỉnh Long An) có biệt tài chữa bách bệnh nên đã đưa bệnh nhân X đến vái “thầy”.
Trỏ tay vào bà X, “thầy” Tuấn cho rằng bà bị “mắc bệnh tà ma, quỷ nhập nên mới tâm thần”. Và để “đuổi con quỷ” ra khỏi người bà X, Tuấn bảo người nhà trói bà vào cột nhà ở tư thế ngồi, lấy vải trùm kín người bà rồi dùng lửa để xông. Hậu quả là bà X bị bỏng nặng, tử vong tại chỗ. Trả giá cho hành vi buôn thần bán thánh của mình, Tuấn đã bị TAND tỉnh Long An tuyên phạt 4 năm tù về tội hành nghề mê tín dị đoan, gây hậu quả nghiêm trọng.
Hay như chuyện một thiếu nữ 18 tuổi đã bị cướp đi đời con gái vì gia đình mê tín dị đoan. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị L ở Hà Tĩnh. Thấy L bị đau các khớp xương, mất ngủ và thường mơ thấy những điều rùng rợn, gia đình cho rằng cháu bị ma ám.
Nghe tin có “thầy” Lượng (Trần Hữu Lượng, SN 1975, ở xã Thạch Quý, thị xã Hà Tĩnh - nay là TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) “tuổi trẻ tài cao”, mẹ của L đã đưa con gái đến nhờ “thầy” chạy chữa. Vì sự u mê và cả tin của người mẹ, ngày 13/4/2005, cô thôn nữ L đã bị “thầy” làm nhục. Sự việc được tố cáo với cơ quan chức năng và Trần Hữu Lượng đã phải trá giá đích đáng cho tội ác của mình, nhưng cái giá mà gia đình L phải trả cho sự mê tín là quá lớn...
Những ví dụ trên chỉ khắc họa được một vài nét rất nhỏ về hậu quả của mê tín dị đoan khi vấn nạn này từ cuộc sống thường ngày len lỏi được vào các cá thể gia đình. Từ đây cho thấy vai trò quan trọng của công tác giáo dục, tuyên truyền phòng, chống mê tín dị đoan trong công cuộc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa./.
Triệu Hà (tổng hợp)