Hai 'cựu tướng' đã cho thành lập công ty bình phong của C50 như thế nào?

(PLO) - Sáng nay (13/11). TAND Tỉnh Phú Thọ  tiếp tục phiên làm việc xét xử 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ Rikvip.

Trong cáo trạng được công bố tại phiên tòa, đã nêu rõ việc Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa đã cho thành lập công ty bình phong của C50 như thế nào. 

Cáo trạng nêu rõ:

Ngày 4/2/2010, Bộ Công an ban hành Quyết định số 4560/QĐ-BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục cảnh sát phòng chống, tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó quy định Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có nhiệm vụ quyền hạn được thành lập công ty bình phong để phục vụ yêu cầu nghiệp vụ.

Khoảng giữa năm 2011, tại thời điểm đó, Phan Văn Vĩnh là Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Tổng cục Cảnh sát - nghiên cứu lập tờ trình xin chủ trương thành lập công ty bình phong. Nguyễn Thanh Hóa giao Phòng tham mưu - Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao do ông Võ Tuấn Dũng - Trưởng phòng -  nghiên cứu,  xây dựng các thủ tục  thành lập công ty bình phong.

Ông Dũng đã tham mưu cho Nguyễn Thanh Hóa ký ban hành tờ trình về việc thành lập công ty bình phong - đơn vị kinh tế nghiệp vụ trong đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để gửi cho Phan Văn Vĩnh.

Được sự đồng ý của Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa chỉ đạo phòng tham mưu  xây dựng "Đề án thành lập công ty bình phong trực thuộc C50 phục vụ các hoạt động nghiệp vụ và công ích. ...

Trong thời gian xin chủ trương thành lập công ty bình phong, Phan Văn Vĩnh đã giới thiệu Nguyễn Văn Dương - sinh năm 1975 - gặp Nguyễn Thanh Hóa để thành lập công ty bình phong. Dương đã đến gặp ông Hóa và thống nhất để Dương Thành lập Công ty bình phong này.

Ngày 30/9/2011, Nguyễn Văn Dương đã thành lập công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (Công ty CNC) và làm Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Ngày 10/10/2011 Nguyễn Thanh Hóa đã ký hợp đồng, ủy quyền cho Dương : "Là người đại diện theo ủy quyền, thay mặt và nhân danh Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao liên hệ với Công ty NCN và các cá nhân có liên quan để đại diện cho phần vốn góp 20% vốn điều lệ của Công ty CNC, ủy quyền cho Nguyễn Văn Dương được lập và ký tên các giấy tờ, tài liệu tư trao đổi.... đảm bảo quyền lợi của Cục C50...Nguyễn Văn Dương không được sử dụng, chuyển nhượng, định đoạt, thụ hưởng phần vốn đại diện hay bất kỳ lợi ích nào từ nguồn vốn góp trên.

Điều đáng chú ý là Cục Cảnh sát  phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao không góp vốn và không cử cán bộ tham gia.

Theo cáo trạng, 2 lần liên tiếp sau khi tổng kết công tác năm 2012, 2013, Nguyễn Văn Dương đã gửi Nguyễn Thanh Hóa đề xuất về việc triển khai cổng thanh toán trực tuyến. Nhận thấy đề xuất của CNC là vi phạm pháp luật, nên sau khi nhận được văn bản chuyển xuống từ ông Hóa, ông Võ Tuấn Dũng chỉ lưu vào hồ sơ mà không có văn bản trả lời.

Đầu năm 2015, Phan Sào Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty VTC online - biết Công ty CNC của Dương là công ty bình phong của C50 nên đã đề nghị hợp tác, phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến bằng hình thức Game bài Rikvip. Và được Dương đồng ý.

Từ đây, bắt đầu hành trình cho sự phát triển của đường dây đánh bạc nghìn tỷ Rikvip....

Đọc thêm