Đánh chết vợ rồi về quê tự tử
Nạn nhân trong vụ việc đau lòng này là cặp vợ chồng Phạm Văn Tức (SN 1982, ngụ xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) và chị Phạm Thị Tuyết Phượng (SN 1992, ngụ xã An Thành, huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai).
Khoảng 15h30 chiều 16/10, vợ chồng bà Hương (SN 1969, mẹ chị Phượng) đi làm về thì thấy nhà khóa cửa nhưng không thấy vợ chồng con gái đâu. “Vừa nước vào phòng, vợ chồng tôi thấy Phượng đang ngồi bất động nơi góc phòng. Trên cổ nó bị quấn bằng chiếc quần treo trên khung cửa sổ, người đã tắt thở từ lúc nào. Tôi cứ nghĩ là con gái đi chơi bên ngoài, ai ngờ con gái chết trong nhà mà không hề hay biết. Con gái tôi bị đánh đập tàn nhẫn quá”, bà Hương đau đớn kể lại.
Điều tra ban đầu cho thấy, vợ chồng chị Phượng có 2 con nhưng thường hay mâu thuẫn xích mích nên gần hai tháng nay chị về sống nhà mẹ đẻ. Tối 15/10, anh Tức từ Bình Định đột ngột đến nhà tìm vợ. Khi chị Phượng đi chơi về thì hai người vừa gặp nhau đã xảy ra mâu thuẫn lời qua tiếng lại. Suốt đêm hôm đó đôi vợ chồng trẻ cứ hằn học, cãi vã nhau mặc cho cha mẹ vợ hết lời khuyên can.
“Trong đêm đó có lần tôi nghe Phượng la lớn: “Cứu con má ơi”. Tôi đến hỏi thì Phượng chỉ tay vào cổ rồi nói bị chồng bóp cổ. Còn Tức thì chối: “Không có bóp cổ, con định ôm một chút nhưng vợ không cho”. Tôi nghe vậy cũng chỉ nghĩ Tức nóng giận nên làm vậy để dọa vợ thôi. Đến sáng hôm sau vợ chồng tôi cũng chỉ nhắc nhở hai con rồi đi làm chứ không nghĩ ngợi gì. Lúc phát hiện sự việc, một người hàng xóm nói là lúc 8h sáng có nhìn thấy Tức đi ra khỏi nhà. Nghe vậy gia đình đoán biết được chính Tức đã đánh chết vợ chứ không phải ai khác...”, bà Hương đau khổ kể lại.
Công an tiến hành làm việc với gia đình nghi phạm thì được biết Tức rời nhà từ sáng 15 đến tối 16/10 vẫn chưa về nhà, gia đình không biết bất cứ tin tức gì về con trai.
Ông Phạm Thảo (SN 1956, cha ruột Tức) kể lại: “Sáng 15/10, Tức nói rằng lên Gia Lai để gặp vợ. Chúng tôi nghe vậy thì cũng an tâm vì cho rằng Tức đi thuyết phục vợ về. Đến chiều ngày hôm sau, gia đình vợ Tức điện thoại xuống báo tin rằng Phượng đã mất và muốn chúng tôi đưa hai cháu đến gặp mẹ lần cuối. Sáng hôm sau chúng tôi đưa cháu lên Gia Lai dự tang lễ của con dâu xong vẫn không hề có tin tức gì của Tức”.
Trong khi việc truy bắt thủ phạm chưa có kết quả thì sáng 18/10, người dân phát hiện có người đàn ông chết trong tư thế treo cổ tại bờ hồ Suối Chay (thuộc thôn An Đức). Vào cuộc điều tra, cơ quan công an xác định được người tự tử này chính là Tức. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, thời điểm Tức tử vong là vào chiều ngày 16/10.
Con trẻ bơ vơ sau thảm án
Được biết vợ chồng bà Hương có 4 người con, trong đó chị Phượng là con gái đầu. Hoàn cảnh khốn khó, Phượng học lớp 9 rồi nghỉ học ở nhà theo mẹ đi làm rẫy. Năm 17 tuổi, trong lần đi chặt mía thuê, Phượng gặp được Tức rồi trái tim cô rung động dù biết đối phương hơn mình 10 tuổi. Quen nhau được vài tháng, Phượng dẫn người yêu về nhà gặp gia đình, tính chuyện trăm năm.
“Khi biết con gái và Tức có tình cảm với nhau gia đình không đồng ý vì Phượng lúc đó còn nhỏ tuổi. Nhưng Tức van xin quá, nói rằng bà nội sắp mất nên phải cưới vợ, gia đình Tức cũng nài nỉ, bản thân Phượng cũng ưng bụng nên cuối cùng chúng tôi chiều theo”, bà Hương kể.
Những ngày đầu về nhà chồng, Phượng và mẹ chồng sớm xảy ra bất hòa. Đã là phận gái có chồng nhưng Phượng còn quá trẻ để có thể làm tròn bổn phận một nàng dâu. Trong khi đó, người mẹ chồng lại cho rằng con dâu không “biết phận” nên luôn rầy la, trách mắng.
Bà Hương tâm sự: “Đơn giản như việc Phượng dùng kem dưỡng da cũng bị mẹ chồng cấm cản. Dùng điện thoại di động thì cũng bị dò xét. Mẹ chồng nàng dâu không thuận nhau. Có lần Phượng bị mẹ chồng đánh đến suýt xảy thai. Mẹ hắt hủi vợ nhưng Tức không bênh vực mà còn hùa theo. Con gái tôi không chịu đựng được nên cứ lâu lâu lại bỏ về nhà mẹ đẻ. Cách đây 2 tháng Phượng lại bỏ về, nhất quyết ly hôn. Có lẽ vì không chịu trở về mà con tôi bị chồng đánh chết”.
Trước ngày mẹ mất vài hôm, 2 cháu nhỏ (cháu lớn 6 tuổi, cháu nhỏ 3 tuổi) được Tức đưa về nhà nội. Ngày chúng tôi đến nhà, hai đứa trẻ hồn nhiên cười đùa trước bàn thờ cha. Cháu lớn là Phạm Đức Vĩ nay học mẫu giáo đã biết được cha chết nhưng nghĩ rằng “chết” cũng giống là đi xa, ít hôm lại về. Đứa em nay mới 3 tuổi thì tuyệt nhiên không biết chuyện gì.
Khi được hỏi có nhớ cha mẹ không, cháu bé nói “nhớ cha, nhớ mẹ” rồi lại chạy đi chơi với anh. Ông Thảo nhìn hai cháu nội hồn nhiên đùa nghịch mà không kìm được nước mắt: “Mất mẹ lại mất cha nhưng hai cháu nhỏ không biết gì hết. Tội nghiệp!”.
Trong khi đó người vợ ông Thảo ngồi bên cạnh ánh mắt buồn rầu, không giấu được nỗi ân hận. Bởi trong vụ việc này, nếu không phải do mẹ chồng hắt hủi, hạch sách khiến con dâu bỏ nhà đi thì chuyện đã không đến nỗi.
Bà cho biết, từ ngày con trai và con dâu mất, vợ chồng chỉ quanh quẩn ở nhà để trông nom hai cháu. Bà vừa phải làm mẹ, làm bà, chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho chúng, mong bù đắp lại thiệt thòi con trẻ. Nhưng hai đứa bé dù được ông bà yêu thương thế nào thì cũng vẫn cần cha cần mẹ. Trong cuộc đời này, tình thương ấy ai có thể bù đắp cho các em. Nhìn vào ánh mắt thơ dại hai cháu nội, có lẽ người bà này thấm thía được những lỗi lầm của bản thân.
Ông Nguyễn Văn Hổ (Trưởng thôn An Đức) tâm sự: “Cuộc sống của vợ chồng anh Tức chị Phượng từ nhiều năm nay đã không còn thuận hòa. Vì mẹ chồng và con dâu thường hay mâu thuẫn nên cách đây 2 năm hai vợ chồng cất ngôi nhà bên cạnh để ở riêng, dẫu vậy cuộc sống cũng không mấy êm ấm. Chị Phượng không chịu đựng được nên bỏ về nhà mẹ ruột, anh Tức nhiều lần thuyết phục vẫn không chịu về. Khi biết chị Phượng nhất quyết ly hôn mà mình níu kéo không được nên Tức mới mù quáng mà làm chuyện như vậy. Lỗi lầm là ở người lớn nhưng giờ người gánh chịu lại là hai đứa trẻ”./.