Hải Dương chỉ đạo chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) để không xảy ra tình trạng dịch chồng dịch

(PLVN) - Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra đang có nhiều diễn biến phức tạp, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm A (H5N1) bùng phát trên đàn gia cầm và nguy cơ lây sang người, không xảy ra dịch chồng dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã ra văn bản chỉ đạo về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người.
Dịch cúm gia cầm A (H5N1)

Mới đây, vào ngày 5/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 167/TTg-NN về việc chủ động phòng chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người. Theo công bố của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã phát hiện một ổ dịch cúm A (H5N1) gia cầm tại tỉnh Hồ Nam.

Tại Việt Nam, kết quả giám sát chủ động Ngành Thú y cho thấy virus A (H5N1) đang lưu hành trên đàn gia cầm và không có sự biến đổi về động lực gây bệnh. Tuy nhiên, do các điều kiện như thời tiết biến đổi bất lợi, tổng đàn vật nuôi lớn, việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật và con người gia tăng nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới và nguy cơ xâm nhập vào Hải Dương là rất cao.

Dịch cúm A (H5N1) đã xuất hiện ở Hồ Nam, Trung Quốc. 

Vì vậy, để chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm và ở người, tránh tình trạng dịch chồng dịch, ngày 6/2, UBND tỉnh Hải Dương đã ra văn bản chỉ đạo yêu cầu:

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp do nCoV gây ra; khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp chủ động phòng chống, ngăn chặn không cho dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của virus cúm A (H5N1) và các loại cúm gia cầm khác trên các đàn gia cầm; phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; thông báo kịp thời cho Sở Y tế để phối hợp triển khai các hoạt động phòng chống dịch lây lan sang người.

Sở Công thương tăng cường kiểm tra việc kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm; tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

 Việt Nam nói chung và Hải Dương đã tích cực phòng chống, tránh để dịch chồng dịch.

Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A (H5N1) và các loại cúm gia cầm khác trên người; phát hiện sớm trường hợp mắc trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của virus cúm gia cầm, các biện pháp phòng bệnh cúm trên gia cầm và phòng lây nhiễm sang người.

Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; kiên quyết xử lý, không để tồn tại việc buôn bán gia cầm sống tại các chợ, đường giao thông trong nội thị; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường thường xuyên tại những khu vực có nguy cơ cao, chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chế biến, chợ buôn bán gia cầm, nơi có ổ dịch cũ, hố chôn gia cầm bệnh…

Đọc thêm