Diễn biến phức tạp, uy hiếp tính mạng con người
Thời gian qua, tình trạng hoạt động “tín dụng đen” – cho vay nặng lãi trên địa bàn cả nước ngày một nhức nhối, phức tạp. Chúng càn quét khắp mọi nơi, gieo rắc nhiều hệ lụy cho xã hội. Đây chính là một trong những nguyên nhân đẩy tình hình tội phạm tăng cao khiến Thủ tướng phải yêu cầu cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý triệt để.
Là địa bàn có vị trí đặc biệt, giáp ranh với một số tỉnh thành có tội phạm hoạt động phức tạp như Hải Phòng, Quảng Ninh nên tình hình hoạt động tín dụng đen ở Hải Dương cũng rất nhức nhối. Các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính mọc lên “như nấm”, tấp nập.
Thống kê từ Công an tỉnh Hải Dương cho thấy, toàn tỉnh hiện có khoảng 600 cơ sở dịch vụ cầm đồ, cho vay bát họ với hàng loạt cơ sở hoạt động không có giấy phép kinh doanh. Tình trạng này hiện còn biến tướng, hoạt động rất tinh vi, núp bóng dưới dạng tư vấn, hỗ trợ tài chính. Khắp các cột điện, tường rào, mọi ngõ ngách ở Hải Dương đều xuất hiện các loại tờ rơi quảng cáo về hoạt động vay vốn, hỗ trợ tài chính, trong đó đưa ra những thủ tục vay rất đơn giản, nhanh gọn như: không cần tài sản thế chấp, chỉ cần một chứng minh nhân dân, thẻ căn cước, giấy phép lái xe, thậm chí tài sản đó không thuộc sở hữu của người vay.
Mặc dù thủ tục vay đơn giản, người vay có thể vay được số tiền gần như “không hạn chế” nhưng đổi lại lãi xuất thì rất cao. Trung bình lãi suất mỗi triệu sẽ từ 3.000 – 5.000 đồng/ngày, thậm chí có những nơi cho vay tới 7.000 đồng/ngày.
Đại tá Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương |
Do phải vay với lãi xuất “cắt cổ”, người vay vì thế nhanh chóng lún sâu vào vòng xoáy lãi mẹ đẻ lãi con nên chẳng mấy lúc tiền lãi bằng hoặc cao hơn cả tiền gốc. Nhiều người đã phải bán hết tài sản, nhà cửa hoặc phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, cướp giật… để có tiền trả nợ.
Đáng nói, khi người dân không trả được nợ đúng hạn, các đối tượng cho vay còn sử dụng những “đàn em xã hội, chân tay” để xử lý con nợ bằng các hình thức như ném chất bẩn vào nhà, chửi bới, đập phá đồ đạc, đe dọa tính mạng của con nợ và người thân. Những hành động khủng bố tinh thần này không chỉ gây ảnh hưởng đến chính gia đình con nợ mà cả những người xung quanh, gây bức xúc trong dư luận.
Điển hình vào tháng 10/2018, một người dân ở xã Long Xuyên, huyện Bình Giang (Hải Dương) đã bị Nguyễn Văn Hiếu (trú tại xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang) cùng ba đối tượng khác nhiều lần ném chất bẩn, bom xăng, xịt sơn và đe dọa cả gia đình để ép phải trả số tiền 200 triệu đồng. Gần đây nhất, trong các ngày 1 và 14/12/2018, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã kiểm tra đồng loạt 7 cơ sở cầm đồ của 3 nhóm đối tượng trong tỉnh. Qúa trình kiểm tra, công an phát hiện, thu giữ được nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan cho vay nặng lãi, trong đó có nhóm cho hàng chục người vay với lãi suất 180% cùng số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Không có “vùng cấm” trong việc xử lý
Liên quan vấn nạn này, Đại tá Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cho biết, việc triển khai kế hoạch phòng, chống các loại tội phạm về tín dụng đen, cho vay nặng lãi, bảo kê, đòi nợ thuê đã được lực lượng Công an tỉnh Hải Dương tập trung tổ chức rà soát, kiểm tra toàn bộ các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động này trên địa bàn tỉnh.
Ở Hải Dương, hoạt động này có thời kỳ bùng phát dữ dội, đặc biệt vào tháng 9, 10, 11/2018. Trong thời gian này, lực lượng công an nhận được rất nhiều đơn thư, phán ánh của người dân. Nhưng khoảng 2 tháng nay, tình hình hoạt động của các đối tượng có xu hướng giảm dần. Một số địa bàn như TP. Hải Dương, huyện Cẩm Giàng vốn được coi là “điểm nóng” thì nay đã có những chuyển biến rõ rệt. Công an TP. Hải Dương đã ngăn chặn, chấm dứt hoạt động của 33 điểm có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, hạ biển kinh doanh tài chính một số điểm.
Đặc biệt, trong 6 tháng qua, lực lượng công an toàn tỉnh đã phát hiện, làm rõ, khởi tố 18 vụ với 60 bị can liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Xử lý hành chính 16 vụ với 28 đối tượng liên quan đến các hệ lụy như đe dọa, xâm phạm sức khỏe người khác, dùng các thủ đoạn ném chất bẩn, gây rối để đòi nợ. Nhưng chưa khởi tố được vụ nào đi thẳng vào vấn đề cho vay nặng lãi bởi các quy định của pháp luật về hành vi này còn chưa được thống nhất giữa các cơ quan nhà nước để xác định cách tính lãi suất cũng như xác định khoản thu nhập bất chính nên cơ quan điều tra các cấp còn lúng túng trong thu thập tài liệu chứng cứ, xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi. Đặc biệt, việc cho vay này lại là giao dịch dân sự nên các cơ quan chức năng khó phát hiện, ngăn ngừa.
Một nhóm đối tượng đòi nợ theo kiểu xã hội đen bị Công an TP. Hải Dương bắt giữ, xử lý |
Đại tá Chương cho biết, hiện nay ở Hải Dương, hoạt động về tín dụng đen, cho vay, cầm đồ, hỗ trợ tài chính còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong năm 2019 của Công an tỉnh Hải Dương.
Bởi với nhu cầu về tiền mặt phục vụ sinh hoạt, làm ăn của người dân ngày càng tăng trong khi việc tiếp cận với nguồn tiền từ ngân hàng, người thân gặp khó khăn, nên nhiều người đã chấp nhận tìm đến những “dịch vụ đen” này để được vay. Và chính từ đây, nảy sinh các vấn đề phức tạp, các vụ án bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, làm nhục, cưỡng đoạt tài sản, giết người.
Chưa hết, các đối tượng còn tìm cách mở rộng “khách hàng” bằng việc kết hợp với các cơ sở kinh doanh trò chơi mà bản chất là hình thức đánh bạc “trá hình” như bắn cá hay những trò chơi trực tuyến qua mạng. Tại đây, người chơi sẽ dễ dàng tiếp cận với loại hình tín dụng trên và được cho vay với số tiền không hạn chế…
Do hoạt động này đem lại lợi nhuận bất chính lớn nên xuất hiện cả tình trạng bảo kê, tranh giành khách, địa bàn dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các đối tượng cùng hoạt động trong lĩnh vực tín dụng đen. Một số đối tượng hình sự, ma túy còn liên kết với nhau gây thanh thế, tranh giành địa bàn hoạt động gây ra nhiều vụ ẩu đả, hỗn chiến theo kiểu giang hồ gây ra dư luận xấu, bức xúc trong nhân dân, xã hội.
Khi được hỏi liệu có tình trạng cán bộ bảo kê cho tín dụng đen hay không, Đại tá Chương cho biết chưa phát hiện hay chứng minh được cụ thể là trường hợp nào. Nếu trong lực lượng mà phát hiện ra trường hợp nào bảo kê, quan điểm của công an tỉnh Hải Dương là không có “vùng cấm” trong việc xử lý, không dung túng, bao che và sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Về biện pháp ngăn chặn, xử lý tín dụng đen, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cho rằng, hoạt động tín dụng đen diễn ra từ lâu, không phải mới nhưng thường diễn ra ngầm giữa các cá nhân với nhau mà không qua tổ chức hay thủ tục chính thức nào nên rất khó để cơ quan chức năng có thể can thiệp. Đây cũng là lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng hoạt động nên các ngành chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, tuyên truyền cho người dân và điều chỉnh các quy định của pháp luật cho phù hợp.
Mỗi người dân cần hết sức cảnh giác với những chiêu trò cho vay từ các loại hình dịch vụ hỗ trợ tài chính tránh tình trạng nợ nần, bị chủ nợ đe dọa. Các cơ quan làm tín dụng, ngành ngân hàng cũng cần cải cách hơn về thủ tục, tạo điều kiện hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay chính thống. Việc cấp phép cho các dịch vụ liên quan đến tài chính, cầm đồ, các cơ quan chuyên trách cần có những trao đổi, phối hợp với lực lượng công an để có thể thống nhất việc cấp phép đối với hoạt động này nhằm giảm tình trạng hoạt động trái phép của các đối tượng để giữ gìn an ninh trật tự của địa phương.