Theo thông tin của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại trên địa bàn cả nước bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang xảy ra ở 19 tỉnh, thành phố. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã được kiểm soát từ cuối tháng 11/2019 đến nay. Tuy nhiên, đây là bệnh dịch truyền nhiễm chưa có vắc xin phòng bệnh nên nguy cơ dịch bệnh tái phát sinh, lây lan ra diện rộng là rất cao.
Nhằm chủ động phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi phát sinh và lây lan ra diện rộng trên địa bàn tỉnh, ngày 23/6, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản số 2188/UBND-VP về việc tập trung phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã; các Sở, ban ngành có liên quan tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn việc phát sinh và khống chế kịp thời khi có ổ dịch theo đúng quy định với phương châm “dập dịch như chống giặc”.
|
Ảnh minh họa. |
Các địa phương thành lập các đoàn công tác kiểm tra liên ngành kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến làm phát sinh, lây lan dịch bệnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương kiểm soát chặt chẽ các điểm giết mổ, các hoạt động mua bán, vận chuyển lợn thịt, lợn giống và việc bổ sung, tái đàn; Tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng dịch để ngăn ngừa dịch bệnh tái phát;
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh: phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND huyện, thành phố, thị xã tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán động vật và sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc lưu thông, vận chuyển ra, vào địa bàn; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường Hải Dương tăng cường quản lý thị trường, phối hợp với các ngành tổ chức kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không có nguồn gốc rõ ràng, nhập lậu lưu thông trên thị trường, đặc biệt là tại các chợ đầu mối, các tụ điểm thu gom động vật, sản phẩm động vật…