Đáng nói, chủ trương dừng hoạt động các lò gạch thủ công, trong đó “đánh đồng” lò gạch công nghệ liên tục kiểu đứng của Hải Dương đã đi “ngược” với lộ trình của Chính phủ khi lộ trình phải dừng của Chính phủ là đến năm 2018.
Bắt đầu từ khóa lò gạch trái phép…
Huyện Nam Sách là địa phương ra quân đầu tiên, lực lượng cán bộ xã, công an xã đã tiến hành cưỡng chế, giật cầu dao điện và khóa trái tất cả các lò đang hoạt động trên địa bàn chỉ sau hơn 1 tháng ra thông báo 274. Chị Lê Thị Hiến, vợ của chủ lò Lương Hữu Đông nhớ lại: Hôm ấy tất cả lực lượng chính quyền xã tiến vào, không có bất kỳ giấy tờ gì, xông vào ép các công nhân dừng hoạt động. Đích thân chủ tịch xã chỉ đạo dựng lán, lều tạm ngay tại địa phận lò gạch để… trông chủ lò và công nhân.
“Những ngày hôm ấy chúng tôi như “ngồi trên đống lửa”, cứ mỗi sáng ngủ dậy, nhìn 150 vạn gạch mộc bị phơi nắng mà nước mắt cứ ròng ròng. Bao nhiêu tiền của đổ vào sau khi có thông báo của UBND tỉnh cho phép hoạt động theo lộ trình Chính phủ lại trở thành đống đất, nợ ngân hàng vài tỉ… ức lắm mà chỉ biết khóc ròng thôi nhà báo ạ” - chị Hiến tâm sự.
Tương tự tình trạng như vợ chồng chủ lò Lương Hữu Đông là vợ chồng chủ lò Phùng Thị Anh. Chồng chị Anh cho biết, kể từ khi lò gạch bị đóng cửa, công nhân dạt đi hết, vợ anh cũng phải đi Trung Quốc lao động để có tiền trả nợ ngân hàng, bởi hàng ngày, mở mắt ra là nghĩ đến tiền phải trả lãi và gốc.
Sau hơn một tháng tiến hành riết ráo đóng cửa, hiện nay, các lò gạch ở Nam Sách đã được hoạt động trở lại nhưng lại khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân. Vì sau nhiều lần đóng mở, công nhân đã chán nản, bỏ đi. Bây giờ, công nhân lại ra điều kiện với chủ lò “trả trước một số tiền lương cố định họ mới quay lại làm”. “Cũng bởi họ quá sợ kiểu làm thất thường của mình chị ạ, em hiểu mà nhưng vì đang tận dụng từng ngày đốt lò nên không thể không đáp ứng yêu cầu của họ” - chị Hiến cho biết.
Hố sâu do chính quyền cho máy xúc đào đất để cấm các phương tiện qua lại. |
… đến lập barie, trưng biển cấm để “đè” ra xử phạt
Tại TP Hải Dương cũng có những biện pháp ráo riết không kém gì Nam Sách. Văn bản của TP Hải Dương một mặt vẫn chủ trương tuyên truyền, vận động, loa vẫn phát hàng ngày, đề nghị các chủ lò dừng hoạt động nhưng thực tế, lực lượng cán bộ chính quyền đã ra tay “ngay và luôn”.
Một chủ lò cho biết, chính quyền địa phương đưa máy xúc vào địa phận lò gạch, xúc đất, đào đường để tránh xe vận chuyển gạch ra vào, lập barie chặn đường ra vào địa phận lò gạch. Ngoài việc lập barie, chính quyền còn đặt một biển báo với nội dung: “Cấm các loại máy móc, phương tiện, ô tô vận tải, chuyên chở vật tư vật liệu, các hoạt động khác và người lao động vào làm việc tại các cơ sở sản xuất gạch”.
Thị xã Chí Linh tiến hành đóng cửa lò gạch trình tự hơn, dù vẫn bị chủ lò gạch tố cáo chính quyền “báo cáo không đúng sự thật khi cho rằng, trên dịa bàn thị xã chỉ còn 1 lò hoạt động” - ông Vũ Văn Chiều, Chủ nhiệm HTX công nghiệp 19/8 bức xúc nói.
Trình tự được TX Chí Linh tiến hành như sau: UBND phường lập các biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính và thông báo sẽ cưỡng chế vào các ngày từ 21-24/12. Tuy nhiên, theo quyết định xử phạt hành chính, HTX công nghiệp 19/8 bị xử phạt vì “Đã có hành vi vi phạm hành chính:
Không chấp hành Quyết định số 2519 ngày 1/11/2012 của UBND tỉnh Hải Dương, Công văn số 602 ngày 17/8/2016 của UBND TX Chí Linh về việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch thủ công”.
Đây có lẽ đây là một quyết định xử hành chính lạ đời nhất vì không chỉ ra được các điều luật mà đối tượng bị phạt đã vi phạm. Bởi điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định”.
Cần một cuộc đối thoại để lắng nghe dân
Các chủ lò gạch bày tỏ ý kiến: “Chúng tôi cần đối thoại với chính quyền tỉnh để đảm bảo quyền lợi của các chủ lò và vài ngàn lao động. Nhưng kêu cả năm trời rồi vẫn chưa có một cuộc làm việc chính thức nào cả, trong khi họ luôn “lập lờ đánh lận” giữa công nghệ lò đứng với lò thủ công, đó là một sự bất công lớn đối với chúng tôi”.
Các chủ lò gạch cũng cho rằng, các quyết sách của tỉnh Hải Dương không thể đứng cao hơn quyết định của Chính phủ. Do vậy, khi Chính phủ quy định “Các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương… chấm dứt hoạt động các lò gạch kiểu lò đứng liên tục trước năm 2018, miền núi chấm dứt hoạt động các lò liên tục kiểu đứng trước năm 2020” (trích Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014) thì Hải Dương nên tuân thủ lộ trình Chính phủ đã cho phép.
“Nếu tỉnh cho rằng, do Hải Dương có đặc thù nên cần phải chấm dứt sớm hơn lộ trình Chính phủ cho phép thì tỉnh cũng phải cho cho chúng tôi biết đặc thù ấy là gì để chúng tôi tâm phục, khẩu phục. Bởi trong thông báo của Tỉnh ủy Hải Dương, vấn đề duy nhất khiến Tỉnh ủy ban hành thông báo dừng hoạt động lò gạch thủ công, bao gồm cả lò kiểu đứng là do ảnh hưởng môi trường” - một chủ lò gạch phát biểu.
Những người làm lò gạch liên tục kiểu đứng Hải Dương khẳng định lò gạch của họ đang vận hành vẫn phù hợp trong tình hình hiện nay, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường. “Với các công nghệ hiện nay, công nghệ lò đứng đang là loại công nghệ ít ảnh hưởng đến môi trường nhất vì chúng tôi sử dụng xỉ than để đốt gạch, không sử dụng than như lò tuynen. Chúng tôi dám chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường trước các đồng chí lãnh đạo tỉnh và bà con nhân dân”.
Thông điệp mạnh mẽ đã được gửi đi từ Hiệp hội Gạch công nghệ lò đứng tỉnh Hải Dương. Hy vọng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương chấp nhận tổ chức một cuộc đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó không thể cố tình “đánh lận” lò gạch công nghệ kiểu đứng là lò thủ công và quan trọng nhất là quyết sách của tỉnh liên quan đến hàng mấy trăm hộ gia đình, hàng ngàn người lao động thì phải hợp lòng dân, phù hợp với lộ trình của Chính phủ.