Lãnh đạo các huyện của Hải Dương nhận trách nhiệm về vấn nạn lò gạch

(PLO) - Ngày 8/12, ngày thứ 2 của kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVI được hâm nóng với các chất vấn của cử tri về sự tồn tại của các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường khiến cử tri hết sức bất bình.
Lãnh đạo các huyện của Hải Dương nhận trách nhiệm về vấn nạn lò gạch

Mở đầu phiên chất vấn, ông Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến cuối tháng 11/2016, trên địa tỉnh còn 91 trong tổng số 172 lò gạch thủ công vẫn hoạt động.

Một số địa phương thực hiện tốt chỉ đạo của tỉnh về việc chấm dứt sản xuất gạch thủ công như huyện Nam Sách đã chấm dứt hoàn toàn 32 lò; huyện Kim Thành chấm dứt 6 trong số 7 lò; huyện Chí Linh chấm dứt 21 trong số 22 lò, Bình Giang (2/2 lò), Gia Lộc (1/1 lò). Một số địa phương chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của tỉnh như huyện Tứ Kỳ còn nguyên 23 lò vẫn hoạt động, huyện Thanh Hà, TP Hải Dương, huyện Kinh Môn và huyện Cẩm Giàng đều nằm trong danh sách này.

Là một trong số ít địa phương còn để tồn tại toàn bộ số lò gạch hoạt động, ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà nhận trách nhiệm cá nhân về việc vẫn còn để cả 10 lò gạch hoạt động.

Ông Lực cho biết sau khi nhận được công văn của Thường trực HĐND tỉnh ngày 2/12 vừa qua, UBND huyện yêu cầu các chủ lò gạch phải chấm dứt hoạt động ngay, từng bước tháo dỡ. Ông Lực tin tưởng với sự phối hợp của các sở, ngành, huyện sẽ thực hiện hiệu quả chỉ đạo của tỉnh. Ông Lực cũng đề nghị các sở, ngành giúp đỡ các chủ lò sau khi dừng hoạt động chuyển đổi sang sản xuất gạch theo công tuynen hoặc công nghệ hiện đại khác. 

Việc chưa chấm dứt hoạt động được lò gạch nào trong tổng số 23 lò hoạt động trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cũng nhận trách nhiệm cá nhân đồng thời mong muốn tỉnh giúp đỡ huyện dừng và dỡ bỏ các lò gạch này. Ông Sẫm đề nghị làm rõ tính pháp lý của Hiệp hội lò gạch tỉnh và việc phối hợp giữa ngành điện và ubnd huyện trong việc cắt điện cung cấp cho các lò gạch vi phạm. 

Chủ tịch UBND các huyện Kinh Môn, Cẩm Giàng cùng nhận trách nhiệm về việc để còn nhiều lò gạch trên địa bàn hoạt động đồng thời cam kết sẽ thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của UBND tỉnh chấm dứt hoạt động của lò gạch thủ công, cam kết chất dứt toàn bộ lò gạch chậm nhất vào ngày 31/12/2016. Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn Nguyễn Thị Liễu đề nghị tỉnh quan tâm tạo việc làm cho các chủ lò, công nhân làm việc ở các lò sau khi dừng hoạt động.

Về việc vì sao không cắt điện đối với các chủ lò gạch vi phạm sau khi có đề nghị của UBND huyện Tứ Kỳ, ông Phạm Tuấn Ngọc, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (Điện lực Hải Dương) thừa nhận đã nhận được đề nghị cắt điện với lò gạch thủ công của một số huyện.

Tuy nhiên, ông Ngọc cho biết căn cứ vào văn bản của Bộ Công thương hướng dẫn việc ngừng cấp điện của Bộ Xây dựng, các đơn vị điện lực không có quyền ngừng cấp điện đối với những khách hàng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. Theo ông Ngọc, đơn vị chỉ ngừng cung cấp điện khi khách hàng vi phạm hợp đồng hoặc có quyết định cưỡng chế của cơ quan liên quan. 

Lò gạch làm "nóng" nghị trường HĐND tỉnh Hải Dương
Lò gạch làm "nóng" nghị trường HĐND tỉnh Hải Dương

Làm rõ thêm về việc này, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và quyết định của UBND tỉnh chấm dứt hoạt động của lò gạch thủ công hoàn toàn phù hợp với lộ trình của Chính phủ và Bộ Xây dựng. Trước đó đã có, quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 15/3/2011 của UBND tỉnh Hải Dương về việc chất dứt hoạt động của lò gạch thủ công. Cũng theo ông Cương, "Mỗi năm, các lò gạch trên địa bàn tỉnh sản xuất 2 tỷ viên gạch tương đương mất 200 ha đất. Mất mát này rất lớn mà không thu được đồng thuế nào”.

Lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường là vấn đề nhiều năm qua đã được bàn trong nghị trường của tỉnh Hải Dương và cũng là vấn đề mà cử tri nằm nào cũng kiến nghị. Mặc dù việc kết thúc vấn đề lò gạch thủ công theo lộ trình cũng đã được nêu ra từ năm 2004 nhưng kết quả nhiều địa phương vẫn giậm chân tại chỗ.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển giao UBND tỉnh chỉ đạo đến 31/12/2016 không còn lò gạch nào nhả khói và việc nhận trách nhiệm của các lãnh đạo cấp huyện đang có lò gạch nhả khói nghi ngút liệu có trở thành một lời cam kết có đảm bao hay những lò gạch sẽ vẫn tiếp tục "thi gan" nhả khói?.

Đọc thêm