Hai hiện vật về một mùa xuân

LTS. Lịch sử, văn hóa của một vùng đất, một dân tộc có sức thẩm thấu đến đâu, chuyển tải ý nghĩa như thế nào vào đời sống nhân sinh là tùy thuộc vào cách con người lưu giữ và truyền bá chúng. Trên tinh thần đó, kể từ số báo này, Đà Nẵng Cuối tuần mở chuyên mục “Mỗi tuần một hiện vật”, qua đó giới thiệu những hiện vật ở các bảo tàng, các nhà truyền thống, các nhà sưu tập... trên địa bàn thành phố.
Ngày 17-1 vừa qua, ông Nguyễn Đình An, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh QN-ĐN, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, đã tặng Bảo tàng Đà Nẵng 2 hiện vật liên quan đến mùa xuân 41 năm trước.

Đó là tờ báo Cờ Giải phóng – Cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng thành phố Đà Nẵng, 4 trang, khổ 38,5x27,5cm, số Xuân Canh Tuất 1970; và Lá thư xuân của Hội Liên hiệp Thanh niên, học sinh, sinh viên Giải phóng QN-ĐN gửi các bạn trẻ Đà Nẵng – Hội An nhân dịp xuân 1970. Thư do chính ông An viết, kêu gọi các bạn trẻ hăng hái tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc với đoạn kết đanh thép: Bão táp cách mạng sẽ làm tuổi xuân chúng ta rực lửa anh hùng. Chúng ta nhất định thắng. Thư được in thành tờ gấp cỡ 9,3x6,4cm có thể bỏ gọn trong túi áo và trích đăng trên tờ báo xuân nói trên.

Báo Cờ Giải phóng xuân Canh Tuất 1970 (trái) và Lá thư xuân gửi bạn trẻ Đà Nẵng – Hội An. (Ảnh: L.H)
Báo Cờ Giải phóng số Xuân Canh Tuất 1970, ngay trang 1 có đăng xã luận “Đi tới một mùa xuân của độc lập, tự do”, có đoạn nhấn mạnh: “Cả Đà Nẵng với một niềm tin bất tận đang giang tay đón một mùa xuân đầy những chiến công chói lọi của dân tộc và cả Đà Nẵng nguyện bằng xương, bằng máu của mình quyết điểm tô cho mùa xuân ấy thêm huy hoàng, tráng lệ”. Trang 3 có bài thơ “Xuân nhớ Bác Hồ”, có đoạn: “Đà Nẵng lòng son trải tháng năm/ Kết hoa mừng đón Bác vào thăm/ Bác ơi, hoa vẫn còn tươi mãi/ Thắm máu anh hùng đất Quảng Nam”.

Ông Nguyễn Đình An chia sẻ: “Tôi là người không lưu giữ được nhiều hiện vật thời chiến tranh. Đây là hai hiện vật, “của tin còn một chút này”, tôi đã giữ chúng nhiều năm nay, giờ tặng lại cho Bảo tàng. Hơn 40 năm rồi, giờ đọc lại các bài viết xưa vẫn thấy xúc động, vì lòng dân Đà Nẵng lúc đó mà tôi cảm nhận được. Càng xúc động hơn, khi thấy mùa xuân Đà Nẵng giờ đây ngày càng thêm huy hoàng, tráng lệ”.

LÊ HUỲNH

Đọc thêm