Hai học sinh tử vong sau tiêm tại Hà Nội và Bắc Giang không liên quan đến vaccine

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Hội đồng chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng xác định nguyên nhân tử vong của 2 trường hợp này liên quan đến phản ứng phản vệ độ IV, không liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng.

Hai học sinh tử vong sau tiêm tại Hà Nội và Bắc Giang không liên quan đến vaccine

Thông tin về chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi, đại diện Bộ Y tế hôm nay, 30/11, cho biết, công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cấp phép cho vaccine Comirnaty (Công ty Pfizer sản xuất) và chỉ định tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi dựa theo khuyến cáo của WHO và nhà sản xuất. Sử dụng tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21 - 28 ngày).

Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cho thấy tính an toàn và hiệu quả của vaccine Pfizer với trẻ 12 – 17 tuổi. Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi ở Việt Nam thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ mắc COVID-19 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc. Dự kiến, Chiến dịch sẽ tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này với dự kiến số liều vaccine sử dụng khoảng 18 triệu liều.

Ghi nhận 0,3% trường hợp trẻ từ 12-17 tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19 phản ứng thông thường sau tiêm chủng

Tính đến ngày 28/11/2021, trên toàn quốc đã có 34/63 tỉnh/thành phố triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, với 3.512.874 mũi tiêm đã được thực hiện, trong đó tiêm mũi 1 là 2.828.743 liều (tỷ lệ tiêm mũi 1 ước tính là 31,1%) và mũi 2 là 684.131 liều (tỷ lệ tiêm mũi 2 ước tính là 7,5%).

Một số tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 đạt trên 60% tổng số đối tượng 12-17 tuổi như: Hà Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP HCM, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, ghi nhận có 10.573 (chiếm 0,3%) trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng, chủ yếu là phản ứng tại chỗ, đau tại chỗ tiêm. Có 3 trường hợp tai biến nặng sau tiêm đã ghi nhận tại Hà Nội, Bắc Giang, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Do đó hội đồng chuyên môn về biến cố sau tiêm chủng xác định nguyên nhân tử vong của 2 trường hợp này liên quan đến phản ứng phản vệ độ IV, không liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng.

Có thể có tỷ lệ phản ứng tăng hơn so người lớn là viêm cơ tim

Chia sẻ về các phản ứng sau tiêm của trẻ em, TS.BS. Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho rằng, hiện nay các phản ứng thông thường của trẻ nhỏ không khác gì người lớn, có thể có tỷ lệ phản ứng tăng hơn so với người lớn đó là viêm cơ tim, nhưng tỷ lệ vẫn ở mức rất thấp, rất hiếm, tương ứng 1/20.000, tức là 20.000 người tiêm thì mới có 1 người gặp tình trạng viêm cơ tim.

"Đây là ghi nhận tại nước ngoài, còn tại Việt Nam chưa biết. Giống như trước đây chúng ta nói về tỷ lệ đông máu xuất hiện là 1/100.000, tức là cứ tiêm 1.000.000 liều thì có 10 người bị. Nhưng ở Việt Nam thì tiêm đến bao nhiêu triệu rồi mới gặp một vài trường hợp. Tức là tỷ lệ đông máu ở Việt Nam "thấp hơn vô cùng nhiều" so với thế giới. Vì vậy nếu nói tỷ lệ viêm cơ tim ở Việt Nam như thế giới thì chắc chắn là không được, và không đủ cơ sở để nói. Vì vậy, tỷ lệ viêm cơ tim là có, nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam thấp hơn hay cao hơn so với thế giới thì thời điểm này chưa đủ căn cứ để khẳng định. Bên cạnh đó, trẻ em đáp ứng rất tốt đối với thuốc điều trị viêm cơ tim nên nếu bị phản ứng sẽ không có vấn đề gì", ông Thái nêu rõ.

Cũng theo TS.BS. Phạm Quang Thái, chống chỉ định tiêm ở trẻ em như người lớn. Nếu có tình trạng bệnh lý như: phản vệ với liều tiêm trước hoặc những trường hợp như hướng dẫn của nhà sản xuất, có những đứa bị tiền sử bệnh tim hoặc vừa trải qua viêm cơ tim thì sẽ thuộc về chống chỉ định của nhà sản xuất. Sẽ không tiêm cho những đối tượng như vậy. Phản ứng viêm cơ tim thường ở mũi 2, nếu ở mũi 1 đã có phản ứng viêm cơ tìm thì mũi 2 phải dừng lại, chuyển sang vaccine khác.

“Khi triển khai tiêm vaccine ở Việt Nam, không riêng COVID-19 mà tất cả các vaccine nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hệ thống y tế luôn đặt ở mức độ cảnh báo rất cao, sẵn sàng cho mọi tình huống. Nếu có vấn đề gì phát sinh thì giải quyết ngay”, ông Thái nhấn mạnh.

Đọc thêm