Hãi hùng cơm bụi, bún phở bình dân

Đi vào phía trong, tôi mới thấy hãi hùng bát bún vừa ăn: nước phở, nước chan bún đựng trong những chiếc xô nhựa như đựng nước lau nhà vang váng mỡ, đang để "tơ hơ" không che đậy ở góc nhà vệ sinh.

Đi vào phía trong, tôi mới thấy hãi hùng bát bún vừa ăn: nước phở, nước chan bún đựng trong những chiếc xô nhựa như đựng nước lau nhà vang váng mỡ, đang để "tơ hơ" không che đậy ở góc nhà vệ sinh.

Vừa rẻ, vừa ngon, lại tiện nên những quán cơm bụi, thức ăn đường phố không khi nào vắng khách. Nhưng có tận mắt chứng kiến công nghệ chế biến của nó mới thấy thật ám ảnh kinh hoàng.

Công nghệ chế biến cơm bụi "siêu bẩn"...

Tầm 11h trưa, chúng tôi (PV) ghé một quán cơm bụi có tên “Cơm Ngon” trên phố Khương Hạ, Thanh Xuân. Quán cơm nhỏ, sâu hun hút vào phía trong hơn 30m có hơn chục bàn ăn nhưng đã chật kín người. Len lỏi chen chúc trong đám sinh viên và dân lao động, tôi cũng gọi được một suất với giá 15.000 đồng.
Mô tả ảnh.
Khu bếp đa di năng của quán "Cơm ngon" tại phố Khương Hạ.

Bà chủ tầm ngũ tuần, dáng người đẫy đà, tay vừa thoăn thoắt gắp thức ăn vào các phần cơm, vừa thục tay vào túi cái tạp dề cũ kĩ nhàu nát đầy những vết bẩn ngang dọc để thu và trả lại tiền. Phía bên ngoài chiếc tủ kính đựng thức ăn trông có vẻ sạch sẽ, đám sinh viên nhao nhao tranh nhau gọi cơm, vẻ mặt người nào cũng nóng lòng vì đói, mệt.

Chọn cho mình chiếc bàn trong cùng gần khu vực chế biến thức ăn, tôi dễ dàng quan sát nhất cử nhất động của đám nhân viên đang hì hụi nấu nướng.

Trong khu vực bếp kiêm luôn nhiều chức năng: vừa chế biến, vừa rửa bát, cách đó chừng 4m là cửa nhà vệ sinh còn bỏ ngỏ, dưới cái nền đất nhầy nhụa nước bẩn, có 3 nhân viên nam đang làm việc. Khi một cậu nhóc tầm 15 tuổi có vẻ như mới vào làm đang chăm chú, tỉ mẩn rửa bát thì tiếng bà chủ the thé vọng vào: “Hết bát, mang ra đây”, ngay lập tức một người thanh niên đứng cạnh đó quát tháo: “Mày ngoắng nhanh cái tay lên”, rồi chỉ mất có 2 phút, bàn tay điệu nghệ của anh ta khoắng vài cái vào chậu nước đầy bọt xà phòng, nhúng thêm qua một chậu nước vẩn đục đã có cả chồng bát. Tiếp đó, không biết có phải do vô tình hay thói quen mà anh ta vớ ngay chiếc giẻ màu cháo lòng vừa lau bàn để...lau bát cho khô rồi khệ nệ mang ra chỗ bà chủ.

Chừng mươi phút sau, một nhân viên khác cuống cuồng chạy vào thông báo: “Hưng, luộc rau muống luôn nhé”. Cậu bé 15 tuổi đang rửa bát đứng phắt dậy, như đã “quen việc” hơn, cậu cho cả bàn tay vẫn còn dính bọt xà phòng bốc rau muống cho vào chảo nước đang sôi, chiếc chảo luộc rau cũng đã đen xì cáu bẩn dầu mỡ.

Liếc nhìn vào một góc khuất của khu bếp đa di năng, tôi thấy dưới trần nhà đầy mạng nhện bám và một đống quần áo của nhân viên vắt ngang thanh tre, một nồi thịt kho đang mở vung đặt ngay dưới nền đất. Không nuốt được miếng nào từ xuất cơm đã gọi, tôi lẳng lặng rút lui.

Ghé thăm thêm vài quán cơm khác ở Tạ Quang Bửu, khu vực Bệnh viện 19/8... mới thẩy, ẩn đằng sau hàng dãy thức ăn phong phú, ngon mắt là cả một câu chuyện về VSATTP đáng phải bàn...

Nước phở để trong nhà vệ sinh

Sáng hôm sau, tôi tiếp tục tìm hiểu một vài quán bún phở ăn sáng. Trên đường Nguyễn Qúy Đức, một quán ăn sáng đề biển: “Bún mọc, bún bò, bún móng giò, kính mời”, quán này khá nhỏ, chỉ kê được 4 chiếc bàn nhưng người ra vào nườm nượp.
Mô tả ảnh.
Một quán cơm tại cổng bệnh viện 19/8 trên đường Trần Bình vẫn chế biến thức ăn từ nguồn nước như thế này. Ảnh: Như Biển
Thấy một chị dáng viên chức dắt một cháu nhỏ đang đi ra, tôi hỏi: “Quán này ăn được không chị?” chị không ngần ngại trả lời: “Ngon lắm, em vào mà ăn, nhà chị gần đây nên sáng nào cũng ăn ở đây cả”. Bước vào quán, tôi gọi một bán bún móng giò, ăn thử thấy khá vừa miệng. Ăn được gần nửa bát, tôi vờ hỏi một chị nhân viên là muốn đi vệ sinh, lúng túng một lúc có vẻ như không muốn cho tôi vào nhưng thấy tôi tỏ vẻ “gấp” lắm chị đành đồng ý dặn với theo: “nhanh em nhé”. Ngay ở lối ra vào giữa khu vực khách ăn và phía trong “hậu trường” được chặn ngang bằng tấm biển ghi dòng chữ: “Không phận sự miễn vào”. Đi vào phía trong, tôi mới hãi hùng bát bún vừa ăn: nước phở, nước chan bún đựng trong những chiếc xô nhựa như đựng nước lau nhà vang váng mỡ đang để tơ hơ không che đậy ở góc nhà vệ sinh. Kinh hoàng, tôi đi ra ngoài ngồi yên vị được chừng vài phút thì thấy một bác trai dáng người gầy gầy đi vào phía trong rồi xách chiếc xô nhựa màu xanh đựng nước phở ra khu vực chế biến. Không cần suy nghĩ, tôi bỏ bát bún móng giò thơm ngon, trả tiền rồi đi thẳng. Biết bẩn vẫn "xơi" Việc các quán cơm bụi, thức ăn đường phố “siêu bẩn” đến mức nào hẳn không ai không biết. Nhưng vì cái giá “bình dân” lại không mất thời gian nấu nướng nên hầu hết những người là khách quen của những hàng cơm bụi, mà chủ yếu là cánh sinh viên và dân lao động ngoại tỉnh đều “phớt lờ” để đánh cược với sự an toàn và sức khỏe của bản thân. Phạm Thế Dương, sinh viên ĐH Kiến trúc cho biết: “ Từ ngày xuống Hà Nội, em chỉ ăn cơm bụi vì ở một mình, ngại nấu nướng lắm, đi học về ra ăn cho xong, thấy đài báo cũng nói nhiều nhưng kệ vì ăn mãi cũng chưa thấy làm sao, chỉ vài lần thấy đau bụng qua loa thôi”. Chung tâm lý, bác Vũ Văn Kỷ, quê ở Phú Thọ xuống Hà Nội làm xây dựng đã 5 năm, cũng là khách hàng thường xuyên của một quán cơm tại ngõ 69 phố Hoàng Văn Thái. “Đi làm về mệt, chỗ trọ thì tạm bợ, thời gian đâu mà nấu hả cô, ra ăn cơm bụi cho tiện, cũng gần năm mươi tuổi đời rồi, người ta nấu mất vệ sinh thật đấy nhưng có chết được ngay đâu mà lo”, bác Kỷ nói. Điều đáng nói nhiều quán cơm bụi đã được cấp giấy chứng nhận VSATTP, luôn dán ở những chỗ dễ nhìn nhất trong quán, nhưng trên thực tế nếu mục sở thị các công đoạn chế biến của hầu hết các quán mới thấy chẳng “an toàn, vệ sinh “ chút nào.
Theo Như Biển
Đất Việt

Đọc thêm