Hãi hùng “công nghệ” làm ngô cay

Từ lâu ngô cay đã trở thành món “khoái khẩu” của nhiều người. Tuy nhiên, nếu có dịp được “mục sở thị” mặt hàng này tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội, không ít người sẽ phải giật mình về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của nhiều cơ sở  sản xuất nơi đây.

Từ lâu ngô cay đã trở thành món “khoái khẩu” của nhiều người. Tuy nhiên, nếu có dịp được “mục sở thị” mặt hàng này tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội, không ít người sẽ phải giật mình về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của nhiều cơ sở  sản xuất nơi đây.

Công đoạn cuối cùng làm trộn gia vị để thành sản phẩm hoàn chỉnh
Công đoạn cuối cùng làm trộn gia vị để thành sản phẩm hoàn chỉnh
Vệ sinh bị “bỏ quên”

Trong vai người đi đặt hàng, chúng tôi tìm tới cơ sở chuyên sản xuất ngô cay ĐH tại xóm Thống Nhất, xã La Phù.

Vừa bước chân tới cổng, mùi than đang âm ỉ trong lò bốc lên đặc quánh khó thở. Than ướt, than khô vương vãi khắp nơi, dường như mọi thứ xung quanh đều bị nhuộm một màu đen của than. Hàng chục tải ngô lấm lem vứt lăn lóc dưới mặt sân, cách đó không xa là một gian bếp rộng khoảng 10m2 để chuyên sản xuất ngô cay.

Bên cạnh lò than đang rực lửa chuẩn bị cho ra những mẻ sản phẩm là những chiếc thùng, chậu bám muội mỡ cáu bẩn, được vứt chỏng chơ trên sàn nhà lép nhép nước lẫn than đen ngòm.


Trong bếp những chậu ngô mới luộc, được gia chủ xếp thành hàng đợi nguội để tiếp tục đưa vào chế biến cho ra thành phẩm. Ông Đ, chủ cơ sở sản xuất ĐH nói, những bao tải ngô mua về, cứ thế đổ vào nồi luộc, không cần rửa sạch. Điều đó được chứng minh ngay khi tôi đứng xem ông Đ cùng mọi người vớt ngô luộc xong, dưới đáy nồi là nước luộc đặc quánh, màu nâu lẫn rác. Kế đó, các loại phụ gia, gia vị như muối, ớt, đường vứt bừa bãi khắp nơi, không có vải che đậy khiến bụi bặm, ruồi nhặng bu bám.

Ngô sau khi luộc chín, chiên, xào gia vị xong sẽ được để nguội, đóng vào các túi nilon và bao tải để các đại lý đến lấy. Ông Đ phân bua: “Mỗi ngày gia đình tôi chỉ làm được khoảng 3 đến 4 tấn. Thế là ít đấy, nhiều nhà họ thuê người, còn làm được nhiều hơn ấy chứ. Giáp Tết các đại lý thu mua nhiều, làm không kịp bán”.

Rời bếp của ông Đ chúng tôi đến cơ sở sản xuất nhà anh H cách đó không xa. Mải mê đảo ngô bên chảo mỡ, thấy khách tới anh H tranh thủ vừa làm vừa tư vấn hàng cho “khách”. Lại gần chảo mỡ to đang sôi mà tôi thấy có màu đen kịt, không còn mùi thơm của ngô, mỡ, mà bốc lên mùi khét lẹt, Anh H cho biết: “Mỡ lợn đấy, rẻ lắm, có hơn chục nghìn một kilôgam, người ta chở đến tận nhà, mỗi chảo mỡ như thế này chiên được nhiều ngô lắm”.

Hỏi về nguồn gốc xuất xứ của loại mỡ “đặc biệt” này anh H trả lời không rõ, anh nói: “Thường là mỡ lợn, người ta thu mua ở các lò giết mổ về ép rồi bán cho chúng tôi, cũng có thể là dầu mỡ thừa họ thu mua từ các nhà hàng, nói chung vẫn dùng tốt. Phải dùng loại mỡ này chứ dùng dầu mỡ tốt đắt lắm, lấy đâu ra lãi”. Anh H trấn an: “Sản phẩm của gia đình tớ thuộc loại có uy tín nhất nhì trong làng cho nên không phải băn khoăn về vấn đề nhãn mác, chất lượng sản phẩm đâu”.

Các cơ quan chức năng thờ ơ

Thời điểm giáp Tết cũng là lúc các “lò” ngô cay ở La Phù hoạt động nhộn nhịp. Các đại lý bánh kẹo có nhu cầu thu mua với số lượng lớn hơn ngày thường, chủ yếu là xuất đi các tỉnh. Hẩu hết các sản phẩm đều không có nhãn mác rõ ràng, có chăng chỉ in cái tên rất kêu “Đặc sản Nha Trang”, ông Đ, chủ cơ sở sản xuất ĐH, cho biết lý do làm nhãn mác như thế là vì ngô cay có nguồn gốc xuất xứ từ Nha Trang!

Giật mình với làng nghề
Giật mình với làng nghề

Trước thực trạng vi phạm quy định, quy trình về ATVSTP, quy chế nhãn mác, chất lượng sản phẩm… tại các cơ cở sản xuất ngô cay ở La Phù, vẫn diễn ra phổ biến nhưng dường như các lực lượng chức năng trên địa bàn chưa thực sự vào cuộc nhằm chấn chỉnh, kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa trước khi đưa ra thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Tạ Công Khuê, cán bộ văn hóa - xã hội xã La Phù cho biết, hiện toàn xã có khoảng 20 cơ sở sản xuất ngô cay, để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm năm nào huyện, xã cũng thông báo, tuyên truyền các quy định về ATVSTP để người dân biết và thực hiện đúng các quy định, nên các cơ sở đã làm tốt hơn trước. Còn dầu, mỡ dùng chiên ngô được vận chuyển từ Nam ra, do các công ty chở đến tận nơi bán cho dân. Từ trước tới nay cũng chưa có đợt kiểm tra nào về chất lượng an toàn của các loại dầu, mỡ này.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Công Thành - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), không nên sử dụng mỡ động vật không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, như bị ôi thối sẽ gây bệnh. Đặc biệt, dầu hoặc mỡ mà được chiên rán nhiều lần càng làm tăng mức độ nguy hại.

Khi đó, acid mỡ bị phân giải oxy hóa khiến vi khuẩn độc sinh sôi, nảy nở nhanh chóng gây nên tình trạng trúng độc (tim đập nhanh, tức thở, nôn mửa, tiêu chảy, trụy mạch cấp), nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong. Về lâu dài, mỡ động vật hỏng có thể gây nên các bệnh về tiêu hóa và nguy hiểm nhất là gây ung thư gan.

Theo
Phương Hà
An ninh thủ đô

Đọc thêm