Sống ở thời hiện đại, thế nhưng, những nhục hình mà họ chịu đựng không khác gì ở thời Trung cổ. Họ là những người phụ nữ nạn nhân của nạn bạo dâm, mà thủ phạm chính là người đầu ấp tay gối.
Hãi hùng những gã chồng bệnh hoạn
Tháng 7/2013, dư luận một phen bàng hoàng bởi những gì mà người phụ nữ tên Lưu Huệ D, (SN 1968, ngụ tại khu phố 10, phường Bình Hưng Hòa A, Bình Tân, TP.HCM) phải chịu đựng: Vì ghen tuông, người chồng chung sống cùng chị mấy chục năm trời đã đánh đập, bắt chị thỏa mãn dục vọng của hắn bằng những cách kì quái nhất.
Đáng sợ hơn, trong cơn cuồng loạn, gã chồng bệnh hoạn còn lấy cây nhọn đâm vào chỗ kín của vợ liên tục khiến chị D. ngất lên ngất xuống nhiều lần. Bạn thân của chị D. kể lại, chị hay tâm sự rằng chồng chị thường xuyên đánh đập, bắt chị phải chiều chuộng theo ý hắn với những hành vi hết sức quái gở, bệnh hoạn, mà mỗi lần thực hiện chị đều cảm thấy đau đớn, tủi nhục và khóc hết nước mắt. Chuyện kéo dài hàng mười mấy năm trời mà chị chẳng dám hé răng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu, quê Châu Phú, An Giang, người mẹ của đứa trẻ bị chết oan chỉ vì chị từ chối “chiều” chồng trong vụ án mạng vào tháng 9/2011 tại Bến Cát, Bình Dương cũng là một nạn nhân của sự bạo dâm trong suốt thời gian làm vợ.
Kể từ ngày lấy Lương Văn Trọng, gã trai cùng quê vào lập nghiệp tại Bình Dương, đời chị chẳng có mấy ngày không nước mắt. Trọng không nghiện ngập, không rượu chè nhưng lại tệ hại ở cái chuyện “vợ chồng”. Là một người chồng có nhu cầu tình dục cao đến mức bệnh hoạn, từ sau khi lập gia đình, hắn chưa “tha” cho chị Hiếu ngày nào, cho dù chị có đồng ý hay không, kể cả những ngày chị đau ốm, bệnh tật thậm chí mang thai.
Những ngày chị Hiếu đang bụng mang dạ chửa, mệt mỏi nặng nề, gã chồng vẫn ép chị thực hiện những trò hết sức bỉ ổi mà gã sưu tập được trong những bộ phim đen. Mẹ ruột chị Hiếu kể, bà ngủ ở phòng ngoài, thường xuyên thấy con gái đêm đêm van xin, khóc lóc nhưng gã chồng vẫn cứ làm chuyện mình muốn mà chẳng đếm xỉa gì cảm giác của con bà.
Bạo dâm là một căn bệnh nằm trong chứng loạn dâm cùng với khổ dâm, ấu dâm, thị dâm… mà hiện tại người ta vẫn chưa thể chữa trị được. Người mắc bệnh bạo dâm thường bị lệch lạc về quan niệm tình dục, hoàn toàn không ý thức được hành động của mình và chỉ đạt được khoái cảm khi gây đau đớn khổ sở cho người khác bằng cách cấu véo, trói buộc, đánh đập hoặc văng ra những lời nói thô tục trong khi quan hệ với người bạn tình. Chính điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của riêng người đó mà còn gây tổn thương nghiêm trọng đến người xung quanh và đặc biệt là người bạn tình của họ. |
Sáng ra, bà chỉ biết vào an ủi con, rồi hai mẹ con ôm nhau mà khóc. Cho đến cái hôm sau khi chị Hiếu sinh đứa con gái đầu lòng mới được 18 ngày tuổi, Trọng lại tiếp tục đòi hỏi vợ. Mệt mỏi vì mới sinh, chị Hiếu từ chối quyết liệt. Nằn nì hoài không được, gã chồng hậm hực, tức tối rồi nổi cơn điên ném đứa con gái nhỏ thẳng vào tường khiến đứa trẻ đáng thương chết ngay tại chỗ. Kẻ thủ ác đã đền tội, nhưng ám ảnh của chị Hiếu về những ngày làm vợ tủi nhục và cái chết tức tưởi của con thơ con theo chị dai dẳng.
Chịu đựng hay giải thoát?
Cũng như chị D., chị Hiếu trong những vụ án nói là nạn nhân của bạo dâm, mà thủ phạm là chồng mình, các chị chỉ biết câm lặng và chịu đựng, chẳng dám hé răng chia sẻ nửa lời. Với tâm lý của người phụ nữ Á Đông, chuyện “ấy” là chuyện thầm kín, xấu chàng thì hổ ai, vì vậy họ chẳng thà mang đau đớn suốt nhiều năm trời, còn hơn công khai, tố cáo chồng để người ta nhìn ngó vào mang nhục. Cho đến khi sự việc đi quá xa, không thể cứu vãn được nữa, hậu quả nặng nề đã xảy ra.
Chỉ sau khi ly dị chồng một thời gian dài, mọi chuyện đã yên ổn, chị L. Th. B. (sinh năm 1962, quê Lâm Đồng) mới dám kể thật chuyện của mình: Chị lấy phải người chồng bệnh hoạn, không khác gì loại cầm thú. Lấy nhau được vài năm, khi chị có thai đứa con đầu tiên là hắn bắt đầu “trở chứng”.
Ban đầu là đi gái gú bên ngoài, sau đó dần dà hắn còn dẫn gái về nhà, làm những chuyện đồi bại trong căn phòng của vợ chồng chị, trong thời gian đó, đuổi chị và con ra sân. Hai đứa con lần lượt ra đời và lớn lên cũng là quãng thời gian khủng khiếp của cuộc đời chị B. khi chồng chị luôn đem hết nhân tình này đến nhân tình khác về nhà, bắt chị chứng kiến những “cảnh đen” của hắn, rồi có những lần đánh đập chị tàn nhẫn vì chị từ chối tham gia “cuộc chơi tay ba”.
Cho đến lúc hai con chị lớn lên và dần hiểu nỗi khổ của chị, nhờ sự kiên quyết phản ứng của các con, cuối cùng chị cũng ly hôn được người chồng dâm ô, độc ác. Chị cùng các con chuyển về TP.HCM sinh sống, thoát cảnh khổ. Giờ đây, yên ổn rồi, mỗi lần nhớ lại chị vẫn thấy rùng mình vì ngày đó như sống trong địa ngục mà không đủ dũng khí để giải thoát cho mình.
Đáng buồn là, trong cuộc sống hiện đại, vị thế và vai trò của người phụ nữ ngày một nâng cao như hiện nay, thì vẫn còn tồn tại không ít những bi kịch như thế. Một câu hỏi đau đáu được đặt ra: Làm thế nào để người phụ nữ mạnh mẽ hơn, biết yêu thương mình hơn, dám dũng cảm giải thoát mình khỏi địa ngục để làm lại cuộc đời?
Nguyên Thảo