Khi đặt giả định, bão Megi hoặc một cơn bão mạnh cấp 16 - 17 đổ bộ vào Việt Nam, nước ta sẽ thiệt hại như thế nào, các chuyên gia chỉ biết thốt lên: "khủng khiếp" và "không thể tưởng tượng nổi".Bão vào Việt Nam: Sóng cao 14m GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, Giám đốc Trung tâm KHCN Khí tượng Thủy văn & Môi trường cho biết, có 3 yếu tố quan tâm khi có bão mạnh là gió, nước biển dâng và mưa lớn. Thực tế cho thấy, tháng 9/2009, khi bão Ketsana mạnh cấp 12 đổ bộ vào miền Trung đã gây ra những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Tương tự bão Xangsane (2006), riêng Đà Nẵng, nơi tâm bão đi qua, làm nhiều người chết, gần 10.000 nhà sập, 73.000 nhà khác tốc mái... "Đấy chỉ là bão mạnh cấp 12, nếu là cấp 16, cấp 17 thì không biết thiệt hại sẽ lớn thế nào".
|
Biểu đồ dự báo hướng đi của cơn bão Megi. (Ảnh: nchmf.gov.vn) |
GS.TS Đinh Văn Ưu phân tích, nếu bão ở cấp 12 sức gió sẽ đạt 33m/s (118km/h), nếu cấp 17 sức gió sẽ đạt 56,1 - 61,2m/s (tương đương 202 - 220km/h). Ngoài ra, nếu bão cấp 17 có thể còn gây ra sóng cao 14m, nước biển dâng 6 - 7m. "Với sức gió như thế, đấy là chưa tính mưa lớn thì không thể tưởng tượng nổi những thứ chúng ta sẽ phải gánh chịu là như thế nào", GS.TS Ưu nói. TS Nguyễn Lan Châu, nguyên phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho rằng, nếu bão mạnh cỡ cấp 15, cấp 16 đổ bộ vào Việt Nam, thì cây cối, nhà cửa, các công trình giao thông sẽ bị tàn phá nặng nề. "Tôi không biết khi xây dựng, người ta đã tính đến kháng chấn công trình cho bão cấp 16, cấp 17 hay chưa. Nhưng tôi e rằng, bão mạnh cấp 16, cấp 17 mà đổ bộ vào Việt Nam thì mức độ tàn phá sẽ rất khủng khiếp. Sau 2 trận lũ liên tiếp, miền Trung hiện đã no nước. Giả định, nếu bão Megi mà đổ bộ vào miền Trung thì tôi không thể tưởng tượng nổi điều gì sẽ xảy ra", TS Châu nói.Chỉ có 30% khả năng bão vào Việt Nam Theo dự báo, khoảng 70% bão Megi sẽ đi vào Trung Quốc, 30% vào nước ta. Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TW trả lời trong buổi giao ban trực tuyến về các phương án chuẩn bị đối phó với bão Megi ngày 18/10. Ông Tăng cho biết, từ ngày 20/10, do tác động của bão nên mưa ở đất liền sẽ giảm đáng kể. Sang ngày 21/10, toàn bộ miền Trung sẽ không có mưa, song cần đề phòng mưa trở lại vào cuối tuần. Còn theo bà Lê Thị Xuân Lan, Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, hôm nay, diễn tiến cơn bão Megi thuận lợi hơn cho nước ta. Bà Lan cho biết, chưa thể kết luận chính xác bão Megi sẽ đi theo hướng nào. Hiện, bão Megi còn ở ngoài biển với hoàn lưu 800- 1000km. Nếu bão đi vào phía Đông Hoàng Sa, chếch về phía Hồng Kông, ảnh hưởng của bão đến nước ta sẽ bớt nguy hiểm hơn. Tuy vậy, dưới tác động của hoàn lưu bão, miền Trung sẽ mưa nhiều hơn. Nếu bão đổ trực tiếp vào nước ta, các tỉnh miền Trung phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Không chỉ gây ra mưa lớn, cơn bão Megi còn kèm theo gió xoáy rất nguy hiểm.Quảng Ngãi: 2 tàu bị nạn trên biển Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi chiều 18/10, đến 16 giờ chiều nay, tỉnh Quảng Ngãi có 463 thuyền với 4.171 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa còn 12 thuyền, với 174 lao động (chủ yếu là ngư dân Lý Sơn), khu vực biển Trường Sa còn 85 thuyền/ 1.882 lao động. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo cho Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các Trạm kiểm soát biên phòng phối hợp với các đài canh Icom ven biển tập trung kêu gọi tàu thuyền chạy tìm nơi tránh bão, nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi vào thời điểm này. Trước đó, lúc 4 giờ sáng ngày 18/10, tại khu vực tọa độ 06o20’ Vĩ độ Bắc, 113o14’ Kinh độ Đông, tàu Hòa Hải-01, số hiệu QNg 0106-VT của ông Nguyễn Ngọc Sính, ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), hành nghề khai thác sắt ở vùng biển quần đảo Trường Sa thì bị phá nước. Trên thuyền có 16 lao động. Ngày 15/10, tàu QNg 94280, công suất 100 CV, của ông Phạm Sơn, quê ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) hành nghề lưới kéo ở vùng biển Đà Nẵng - Quảng Trị, trên tàu có 3 lao động cũng bị sóng đánh chìm. Rất may, 3 lao động trên đã được các tàu gần đó phát hiện cứu vớt an toàn.
Theo Hoa Na - Phan Tú - Sỹ Phượng
Khoa học Đời sống online
Khoa học Đời sống online