Hai mặt đồng tiền

Hãy cảnh giác với đồng tiền, vì nó là con dao hai lưỡi, có thể giúp ích cho con người hoặc giết chết con người.

Hãy dạy trẻ biết quý trọng đồng tiền
Hãy dạy trẻ biết quý trọng đồng tiền
Hãy cảnh giác với đồng tiền, vì nó là con dao hai lưỡi, có thể giúp ích cho con người hoặc giết chết con người.

Đồng tiền cứu người

Tôi gọi chung đó là những đồng tiền lương thiện. Nó giúp một người nghèo trở nên có cái ăn, giúp người bệnh được cứu sống, cho yếu đuối trở nên mạnh mẽ, cho đói khát can qua chóng khỏi. Chính gia đình tôi đã được tiền cứu sống. Nhưng đồng tiền đó do bố mẹ tôi chăm chỉ làm cật lực trên cánh đồng đầy nắng mưa mà thành, do tôi sớm khuya đi chợ mà có. Đồng tiền đó thấm mồ hôi, nhưng sung sướng lắm.

Các bạn tôi ngày đó có đứa bĩu mỏ: “Vừa học vừa làm, sao hiệu quả. Cứ đi đá bóng xong về nhà học, sảng khoái hơn nhiều”. Kết quả hoàn toàn ngược lại, tôi đỗ đại học còn bạn tôi thì không. Thế cái vất vả đã ủng hộ ai. Sau nhiều năm tháng vất vả như thế, gia đình tôi xây được nhà, lo cho tôi theo đại học, lo các em tôi tử tế đến trường, nhưng vẫn phải lao động, phải vãi mồ hôi. Bố mẹ tôi không ngày nào nghỉ ngơi, nhưng vui vẻ, hạnh phúc, thấy yêu đời, yêu đất đai và những mảnh vườn.

Bố tôi vẫn thường dạy con cái: “Đồng tiền lành hay dữ là tuỳ cách sử dụng của mỗi người. Biết thì nó có ích, không biết thì nó làm hại. Chung quy con người ta thất bại là ở cái không biết”. Sau này tôi thấm thía, làm điều gì cũng thận trọng, nhất là khi đối mặt với đồng tiền, cũng thấy tự hào vì cái triết lý của một người nông dân, cả đời sống với sình lầy, ruộng đồng. Rộng ra là làng tôi, cái làng thuần nông không có nghề phụ, quanh năm làm lụng quần quật mà vẫn không có của ăn của để. Năm 2006, nạn sâu bọ phá hoại rau màu.

Làm cả vụ mà không thu được đồng nào, nhiều gia đình còn không có tiền mà mua muối. Sau đó họ phân nhau ra, người thì ở lại trồng rau tiếp, người đi làm thuê, gánh gạch, phu hồ, cửu vạn... họ làm tất tật những vịêc gì để ra tiền. Rất lương thiện. Cuối cùng cũng tai qua nạn khỏi. Dịch sâu bọ bị đẩy lui, cụôc sống người dân đi vào ổn định.

Tôi đố ai bây giờ ốm nặng không có tiền mà đòi cứu chữa. Không có tiền chữa chạy thuốc thang thì làm sao bệnh tật lui đi. Lúc này, đồng tiền quan trọng biết bao nhiêu. Những gia đình nghèo thì càng quan trọng, càng quý. Được ai ủng hộ một đồng thì nghẹn ngào cảm động. Họ lại phải “phong bao” để được chữa trị với những mũi tiêm không đau, với sự chữa chạy tốt hơn. Cũng có những trường hợp nhờ... tiền mà thoát tội. Lúc này, đồng tiền đóng vài trò là cứu người biếu, nhưng có nguy cơ đối với người nhận. Đồng tiền nào cứu người? Câu hỏi đã được trả lời.

Đồng tiền không phải là tất cả - Ảnh minh họa
Đồng tiền không phải là tất cả - Ảnh minh họa
Cười vì tiền, khóc vì tiền và muôn nỗi đau thương


Nhiều người không có tiền thì nghèo kiết xác, ba đời đi ăn xin không ngóc đầu lên được, con cái chẳng được học hành. Mâu thuẫn gia đình, vợ chồng đánh nhau cũng từ đây. Đã nghèo khó, không có đồng tiền trong nhà thì xảy ra nhiều chuyện mếu máo, khóc lóc, dằn vặt. Có anh nọ cày cục vất vả cả đời để kiếm tiền mà đồng tiền mãi ở phía xa không đến với anh ta. Anh khác mải mê đầu tư kiếm tiền nhưng thất bại đau đớn uất quá tự tử, sau khi đã tự hành hạ mình bằng khóc, say, chửi, hận. Còn chuyện vì có nhiều tiền mà sinh hư hỏng, trác táng ở các vùng quê, thị tứ ngày nay thì nhiều vô kể. Có phải đồng tiền vừa giúp vừa giết con người?

Tôi bải hoải nhức nhối khi thấy ngoài đời, đồng loại mình chết bởi đồng tiền nhiều quá. Vì quá tham và vì quá vô minh. Con người có thể bay lên mặt trăng, chinh phục các con tàu vũ trụ, dò bụng biển để phát hiện ra mỏ quý và ngọc trai, nhưng chẳng thể nào biết cách làm cho đồng tiền biết hiền. Ai là người từng trải nhất, xin chỉ cho đồng loại mình với.

Sinh ra, bản chất của đồng tiền là hiền. Chỉ dùng làm vật ngang giá. Không như con người sinh ra, ở một trường phái nào đó là nhân chi sơ tính bản thiện, trường phái kia là nhân chi sơ tính bản ác. Nhưng con người điều khiển đồng tiền, sử dụng đồng tiền và dùng nó làm công cụ, vật cần thiết cho cuộc sống. Vô hình chung, chính họ đã “khai sinh” tính bản ác cho đồng tiền. sử dụng đồng tiền vào những ý đồ không minh bạch.

Nói cho cùng, vào thời nào người ta cũng cần tiền. Và người ta luôn luôn thiếu tiền. Đó là một nhu cầu chính đáng, nhưng cần như thế nào là đủ. Đồng tiền không phải là tất cả. Ngày xưa, ông bà tôi cũng như ông bà các bạn quen dùng những đồng tiền xu. Nhà giàu có, họ tích trữ  cả chum và chôn xuống đất. Đời sau đào được, những đồng tiền xu đó trừ phi là tiền cổ giá trị, không thì cũng chỉ đáng bán cho đồng nát. Hoá ra, tiền nay phủ định tiền xưa, xưa là tiền thì nay không là tiền.

Từ đó càng khẳng định, đồng tiền ở mỗi thời đại, là vật ngang giá mỗi thời đại, chẳng có giá trị lưu truyền. Có lẽ, chẳng ai có thể nói cho tôi biết được bao giờ đồng tiền biết hiền, như tôi đã mang đi hỏi biết bao nhiêu người. Chắc chắn không bao giờ đồng tiền chịu nép vế, nằm im và chỉ đơn thuần chuyển từ túi người này sang túi người khác, mà nó sẵn sàng hoành hành xã hội.

Như trên đã nói, nhiều người khóc vì tiền, người khác cười vì tiền. Anh ta khóc là bị đồng tiền “phản bội”, tiền bỏ anh ra ra đi, khiến cho anh ta tay trắng, trở thành con nợ. Nó cho anh ta sự hèn hạ, đau khổ, tự ti, nhục nhã. Người kia cười vì anh ta đã kiếm được tiền, lời lãi cao lợi nhuận cao cho một cụôc đầu tư. Đồng tiền “trở về” với anh ta, “yêu quý” anh ta. Nó cho anh tư đỉnh cao danh vọng, vinh quang, sự kính trọng, lòng tự tin. Còn  muôn nỗi đau thương từ tiền nữa. Nhiều quan chức, những đại gia đã bị đồng tiền phản bội mà vào tù. Đúng hơn họ bị đồng tiền cám dỗ, che mắt, thành ra làm những việc sai trái. Nó cố tình “ám” người ta, gây cho họ cái ham hố, thế là đâm bổ vào đồng tiền.

Như giám đốc Tô Tô Thắm, ngài Thanh Thanh Thuận, “míttờ” Chu Chu Pháo... chẳng hạn. Họ đang ngồi tù bóc lịch vì tiền, ân hận về những hành vi tham ô của mình. Trước thanh thiên bạch nhật, không thể nào gột rửa cho hết những hành vi “cướp ngày là quan” ấy. Họ không làm mà hưởng lợi, kém cởi mà ngồi chỗ cao. Cái giá đã rõ ràng. Dã man và tàn bạo. Ôi, đố ai cắt nghĩa được đồng tiền? Là tiên là phật, là cái khỉ gió gì mà con người cứ phải lao đầu vào nó, đâm bổ vào nó ghê ghớm thế không biết. Cũng xin nói thêm vào mục “muôn nỗi đau thương vì tiền” một chuyện nhỏ rằng: tôi cũng kiếm được mấy đồng tiền nhuận bút từ viết báo. Nhưng tôi lại rất lo sợ, lo sợ các bạn mình vay rồi ngại trả. Nó là của tôi, do tôi kiếm được bằng mồ hôi và trí tụê, thế mà tôi phải “lăn tăn”.

Chúng ta làm người trần mắt thịt, cần đồng tiền để sống.  Nhưng sống làm sao để khỏi phải cúi mình trước đồng tiền, cũng như bị đồng tiền xỏ mũi. Chúng ta phải là chúng ta. Tôi là tôi, các bạn là các bạn, để cho xã hội dẫu có biến cố gì, thì chúng ta vẫn bước đi đường hoàng trên đường. Và tôi chắc chắn rằng, khi nào chúng ta còn quá bị phụ thuộc vào đồng tiền thì đồng tiền vẫn mang bản tính ác!

Diên Khánh


Đọc thêm