Hai năm, gần 2 triệu thuê bao chuyển mạng giữ số thành công

(PLVN) - Sau 2 năm thực hiện chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao (MNP), có 1.957.040 thuê bao chuyển mạng giữ số thành công, mang lại sự tự do lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng.

Ngày 24/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao (dịch vụ MNP). 

Theo báo cáo kết quả sau hai năm triển khai dịch vụ MNP, từ năm 2018 đến ngày 07/12/2020, số thuê bao đăng ký chuyển mạng từ 6.814 thuê bao lên 2.777.582 thuê bao. Số lượng thuê bao chuyển mạng thành công 1.808 thuê bao lên 1.957.040 thuê bao. Theo đó, tỉ lệ chuyển mạng thành công là 92,9%. Tỉ lệ từ chối sai (Thống kê từ 06/2019) từ 3,80% lên  4,49%.

Thống kê kết quả hai năm triển khai dịch vụ MNP.
Thống kê kết quả hai năm triển khai dịch vụ MNP. 

Hai năm triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số đã mang lại cho người tiêu dùng sự tự do lựa chọn doanh nghiệp di động cung cấp dịch vụ trên cơ sở chất lượng, dịch vụ, loại bỏ rào cản mất số điện thoại hiện có khi chuyển mạng (chuyển nhà cung cấp dịch vụ). Việc thực hiện dịch vụ MNP cũng khiến cho các nhà mạng phải nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá cước, cung cấp thêm nhiều tiện ích và đa dạng hệ sinh thái dịch vụ, từ đó mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dùng.

Đối với các doanh nghiệp di động, việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số đã tạo nên sân chơi cạnh tranh công bằng. Các doanh nghiệp có thể trực tiếp cạnh tranh thu hút khách hàng (từ nhà mạng khác do thị trường gần bão hòa) trên cơ sở tạo ra những lợi thế về chất lượng dịch vụ, giá cước, chăm sóc khách hàng. Từ đó, cũng góp phần loại bỏ rào cản gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp di động mới do có thêm cơ hội thu hút thuê bao từ nhà mạng khác chứ không phải chỉ phát triển thuê bao mới (như khi chưa có dịch vụ MNP).

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, việc triển khai thành công dịch vụ MNP đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho chính cơ quan quản lý nhà nước. Việc triển khai MNP có thêm công cụ thúc đẩy cạnh tranh, để chính xác hoá thông tin thuê bao. Qua quá trình triển khai dịch vụ MNP, cơ quan quản lý nhà nước tích luỹ thêm được nhiều kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, điều phối, dẫn dắt các doanh nghiệp viễn thông trong việc triển khai các đề án lớn mang lại lợi ích cho xã hội. 

Bộ TT&TT trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích điển hình trong việc triển khai dịch vụ MNP.
 Bộ TT&TT trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích điển hình trong việc triển khai dịch vụ MNP.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng đề nghị Cục Viễn thông kịp thời xử lý khó khăn vướng mắc phát sinh và chấn chỉnh các vi phạm, xem xét đánh giá việc triển khai thực hiện Thông tư 35/2017/TT-BTTTT và đề xuất sửa đổi bổ sung các nội dung cần thiết và tổng hợp đề xuất dựa trên kiến nghị của các doanh nghiệp. Cục Viễn thông phải đảm bảo Trung tâm chuyển mạng vận hành trơn tru, không bị gián đoạn, cũng như tiếp tục chuẩn bị các phương án dự phòng cho các tình huống bất khả kháng.

Thứ trưởng cũng chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông tiếp tục tin học hoá, chuyển đổi số để tự động hoá 100% quy trình nghiệp vụ, cho phép các thuê bao đăng ký chuyển mạng thuê bao; Xem xét phối hợp với Cục Viễn thông để xử lý nghiêm các hành vi sai phạm cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ và thực hiện mục tiêu dịch vụ MNP.

Việt Nam hiện đã có mặt trong số 100 quốc gia trên thế giới triển khai dịch vụ MNP, là nước thứ 4 trong ASEAN triển khai MNP, cũng không quá chậm sau Singapore, Thái Lan, Malaysia.

Đọc thêm