Hai nghịch lý của tuyển sinh cao đẳng

Với phương thức thi “3 chung”, các trường CĐ giảm được nhiều gánh nặng, nhất là khâu ra đề thi. Tuy nhiên, sự tồn tại của hình thức thi này cũng khiến nhiều trường CĐ "long đong" ngay cả trong khâu xét tuyển lẫn trong khâu gọi thí sinh nhập học.

Với phương thức thi “3 chung”, các trường CĐ giảm được nhiều gánh nặng, nhất là khâu ra đề thi. Tuy nhiên, sự tồn tại của hình thức thi này cũng khiến nhiều trường CĐ "long đong" ngay cả trong khâu xét tuyển lẫn trong khâu gọi thí sinh nhập học.
Khó tuyển nhưng vẫn “kiêu”

Bắt đầu từ năm 2008, Bộ GD-ĐT đã chính thức áp dụng “3 chung” đối với kì thi CĐ. Với phương thức này thí sinh sẽ có thêm cơ hội khi được xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, 3 vào các trường CĐ khác.
Cụ thể, thí sinh dự thi cao đẳng theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển NV1 đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ mức điểm quy định trở lên (không có môn nào bị điểm 0), được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi ngay năm đó để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng còn chỉ tiêu xét tuyển, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.
Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc môn thi (Ảnh: Nguyễn Hùng).
Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc môn thi (Ảnh: Nguyễn Hùng).
Mặc dù quy định là vậy nhưng trên thực tế số các trường CĐ (kể cả trường tổ chức thi và không tổ chức thi) thông báo công khai trong cuốn “Những điều cần biết…”là xét tuyển NV2, NV3 từ kết quả từ những thi sinh tham dự kì thi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Sở dĩ các trường không dám mạo hiểm đưa ra thông báo sớm là vì mỗi năm có hàng trăm nghìn thí sinh trượt hệ ĐH và một trong những giải pháp của họ là tìm đến các trường CĐ. Chính vì thế mà nguồn tuyển của các trường CĐ luôn ở mức dồi dào. Bên cạnh đó, để chứng tỏ mình, các trường CĐ không tổ chức thi vẫn muốn đảm bảo chất lượng đầu vào nên sự lựa chọn đầu tiên của họ vẫn là thí sinh tham dự kì thi tuyển sinh ĐH. Thậm chí có những trường CĐ “tốp dưới” vẫn cố gắng tổ chức thi để nâng cao chất lượng đầu vào, nhưng nếu thiếu chỉ tiêu thì trường cũng “thờ ơ” với phương án xét tuyển từ những thí sinh tham dự vào các trường CĐ khác. Còn các trường CĐ “tốp trên” tổ chức thi thì lại muốn chứng tỏ “tầm” của mình nên dường như chưa bao giờ nghĩ đến chuyện xét tuyển những thí sinh tham dự thi ở các trường CĐ khác. Nếu chúng ta nhìn lại mùa tuyển sinh năm 2009 sẽ thấy một thực tế là hàng loạt trường CĐ thông báo xét tuyển NV2 nhưng hầu hết đều xét từ kết quả kì thi ĐH. Một số ít các trường có thông báo xét tuyển từ kết quả kì thi CĐ thì lại làm “khó” thí sinh bằng cách đưa ra mức điểm chuẩn “vênh” khá lớn so với những thí sinh sử dụng kết quả dự thi ĐH. Theo lãnh đạo của một trường CĐ ở Hà Nội thì không dại gì tiếp nhận đầu vào không đảm bảo sẽ ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng và quy mô đào tạo khi mà sự cạnh tranh giữa các trường đang khá gay gắt. “Một khi các thí sinh đã đầu đơn nộp hồ sơ vào trường thì đồng nghĩa với việc các em tâm nguyện học đến cùng. Còn nếu xét tuyển thì tình trạng sinh viên “trú chân” hoặc “bất mãn” với việc học hành là điều dễ xảy ra. Chính vì thế việc chọn lựa nguồn xét tuyển đầu vào rất quan trọng để tránh những lãng phí về công tác đào tạo”, lãnh đạo này chia sẻ.Long đong vì trúng tuyển “ảo” Năm 2010, lần đầu tiên các trường CĐ cảm thấy phấn khởi bởi thí sinh đến dự thi tăng tương đối so với năm 2009. Nhiều trường lạc quan cho rằng đây là một tín hiệu tốt về chất lượng đào tạo. Theo các chuyên gia tuyển sinh thì năm nay có khá nhiều nguyên nhân để đẩy đến việc thí sinh đến dự thi tăng. Theo ông Ngô Kim Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ ĐH thì hiện nay do các em đã được tư vấn kỹ càng, biết cách chọn trường vừa sức. Bên cạnh đó việc thu gộp luôn hai khoản lệ phí tuyển sinh (lệ phí ĐKDT và lệ phí thi) đã làm cho thí sinh cân nhắc hơn. Chính vì thế mà ít có hồ sơ “ảo” hơn. Tuy nhiên cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ tỷ lệ dự thi CĐ tăng còn có nguyên nhân khá lớn là do thí sinh đỗ kì thi tốt nghiệp THPT năm 2010 ở mức cao. Ngoài ra với mực độ khó của đề thi ĐH đã khiến một bộ phận thí sinh quyết định dự thi CĐ để “vớt vát” nếu chẳng may trượt ĐH. Theo ông Chu Khắc Huy, Trưởng phòng đào tạo trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội thì việc thí sinh dự thi tăng là tín hiệu tốt nhưng cũng là nỗi lo sợ của nhiều trường bởi việc xây dựng điểm chuẩn và gọi thí sinh nhập học lại phức tạp hơn trong khi Bộ GD-ĐT không chế ở mức không quá 10%. “Thực tế các năm tuyển sinh cho thấy không ít thí sinh thuộc diện trúng tuyển vào trường sau đó không đến nhập học vì đã đỗ ĐH. Chính vì thế gọi như thế nào để đủ chỉ tiêu nhưng không sai quy chế của Bộ là bài toán rất khó của các trường CĐ”, ông Huy bộc bạch. Lo lắng của ông Huy không phải là thiếu cơ sở khi năm 2009 có trường “vượt mặt” Bộ GD-ĐT gọi trúng tuyển gấp 1,5-2 lần chỉ tiêu nhưng rồi đến phút chót số thí sinh đến nhập học vẫn chỉ đạt được 70-80%. Thậm chí nhiều trường đành phải ngậm ngùi xét tuyển tiếp NV2, NV3 do không thể hạ điểm chuẩn để gọi những thí sinh dự thi có điểm thấp hơn một chút. Cùng chung quan điểm đó, ông Triệu Văn Cường - Hiệu trưởng Trường CĐ Nội vụ chia sẻ thêm: “Thí sinh thì lúc nào cũng mơ tưởng đến giảng đường ĐH cho dù đó là trường công hay tư. Chính vì thế kể cả các em dự thi ĐH với điểm thi không cao nhưng cũng chưa yên tâm nhập học CĐ cho dù đã có giấy báo nhập học mà đợi cơ hội từ xét tuyển NV2 hay NV3. Với tâm lý như vậy thì việc các trường CĐ trúng tuyển “ảo” nhiều là điều dễ hiểu. Tâm lý muốn học ĐH không chỉ dừng lại ở lúc xét tuyển mà ngay cả trong quá trình đã nhập học. Vì thế hàng năm không ít sinh viên các trường CĐ vẫn “âm thầm” làm hồ sơ để dự thi ĐH lại”. Mặc dù luôn gặp khó khăn như vậy nhưng khi đề cập đến việc bỏ kì thi CĐ mà thay vào đó xét tuyển bằng kết quả kì thi ĐH thì các trường đều chung quan điểm: “Dù có có khăn đến đâu cũng vẫn phải tổ chức thi. Có như vậy thì nhà trường mới tuyển được chất lượng đầu vào đảm bảo và quan nhất là sẽ tìm được những thí sinh thực sự có nguyện vọng muốn học”.
Theo Dân trí

Đọc thêm