Hai người cùng quê trên mặt trận đối ngoại

 Thật là một sự tình cờ hiếm có, bác sĩ Lê Đình Thám và bà Nguyễn Thị Bình, hai chiến sĩ hoạt động đối ngoại nhân dân đều cùng một quê ở thôn La Kham, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, ngày 19-11-1950 đã diễn ra Đại hội thành lập Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam. Người nhận nhiệm vụ làm Chủ tịch đầu tiên là bác sĩ Lê Đình Thám. Thật là một sự tình cờ hiếm có, bác sĩ Lê Đình Thám và bà Nguyễn Thị Bình, hai chiến sĩ hoạt động đối ngoại nhân dân đều cùng một quê ở thôn La Kham, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Bác Tâm Minh Lê Đình Thám tại Văn phòng Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới tại Việt Nam năm 1956. (Ảnh tư liệu)
Gò Nổi có 3 xã. Điện Quang là xã ở phía tây. Đây là quê hương của Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Lê Đình Dương, Phan Thanh, Phan Bôi và Trần Thị Lý, Trần Thị Vân, Lê Đình Thám, Nguyễn Thị Bình, Phan Diễn…

Bác sĩ Lê Đình Thám là con của Thượng thư Lê Đình Đĩnh. Ông từng là Tổng đốc Hà Nội sau khi Hoàng Diệu tuẫn tiết. Lê Đình Đĩnh là một bậc túc nho, một ông quan thanh liêm, ông đã tham gia nhiều sứ bộ của triều Tự Đức công cán ở Hồng Kông, Singapore. Qua những điều tai nghe mắt thấy với tư duy thông tuệ, ông đã có nhiều kiến nghị yêu cầu triều đình phải canh tân để đất nước giàu mạnh, đặng đối phó với ngoại xâm, nhưng đã bị khước từ.

Ông từ quan về quê nhà, phụng dưỡng cha mẹ và dạy học giảng sách. Chính ông đã dạy chữ nho cho các con nhưng rồi thức thời ông đã cho các con ông học chữ Quốc ngữ, theo Tây học. 3 trong các con ông đều học Trường Quốc học Huế và sau đó học Cao đẳng Y khoa ở Hà Nội.

Ở Trường Quốc học, Lê Đình Thám và anh ruột là Lê Đình Dương học cùng một lớp với Nguyễn Tất Thành và anh ruột là Nguyễn Tất Đạt. Là những chàng trai trẻ giàu lòng yêu nước, luôn nuôi chí cứu nước, họ kết thân với nhau và hòa mình vào đông đảo nông dân nghèo Thừa Thiên-Huế xuống đường đấu tranh chống sưu cao thuế nặng năm 1908.

Khi đi học, Lê Đình Thám nổi tiếng thông minh, đặc biệt ông rất giỏi toán. Ông đỗ thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y khoa Hà Nội (1916).

Trở thành thầy thuốc, Lê Đình Thám mau chóng nổi tiếng về chuyên môn và y đức, ông từng cộng tác với bác sĩ người Pháp Normet chế tạo ra Sérum Normet được y giới đương thời đánh giá cao. Ông luôn đau đáu nỗi niềm ưu dân, ái quốc. Sau khi tham gia tổ chức truy điệu Phan Châu Trinh ông bị đuổi khỏi Hội An, thực dân sợ sự gắn bó của ông với mảnh đất quê hương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Phải chăng vì thấy sự bất lực của cha trong canh tân, sự thất bại của anh trong khởi nghĩa, cảm nhận chưa có đường ra cho công cuộc cứu nước, Lê Đình Thám đã chọn cho mình một lối đi riêng.

Cuối những năm 1920, Lê Đình Thám phát tâm tu học theo Phật giáo rồi trở thành một cư sĩ, một nhà nghiên cứu Phật học, một người có công đầu trong chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam.

Bác sĩ Lê Đình Thám - Cư sĩ Tâm Minh - với sự hiểu biết sâu sắc văn hóa đông tây, với đầu óc khoa học đã nghiên cứu biên dịch kinh sách, chỉnh đốn nâng cao việc đào tạo tăng tài, mở ra những trung tâm đào tạo chính quy cao cấp, xây dựng tổ chức giáo hội, cải tiến sinh hoạt của các hội đoàn Phật giáo. Đặc biệt đã xây dựng một tổ chức phù hợp với giới trẻ: Gia đình Phật tử. Có thể nói, với những đóng góp của bác sĩ Lê Đình Thám, Phật giáo đã có một gương mặt mới tươi trẻ sôi động, hấp dẫn nhiều thanh niên trí thức, họ có thể đến với Phật giáo như tìm về dân tộc, xa thoát những cám dỗ cạm bẫy của thực dân. Họ chưa trở thành những người cách mạng nhưng với nhân cách đẹp đẽ, sự gắn bó với cộng đồng và trách nhiệm xã hội, khi được kêu gọi, có môi trường họ sẽ dấn thân và trở thành những lực lượng tích cực.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bác sĩ Lê Đình Thám về quê nhà tham gia công tác quân dân y phục vụ kháng chiến. Ông được giao những trọng trách Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu V, làm việc bên cạnh đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Đảng và Chính phủ tại Nam Trung Bộ.

Năm 1949, bác sĩ Lê Đình Thám được Hồ Chủ tịch và Trung ương mời ra Việt Bắc và năm 1950 được giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, chuyên trách hoạt động đối ngoại nhân dân vì hòa bình và hữu nghị.

Hồ Chủ tịch với con mắt tinh đời và tài dùng người cùng với sự tin cậy từ tình thân thuở thiếu thời, hiểu biết rõ tài năng, đức độ, từ tâm của bác sĩ Lê Đình Thám, đã ủy thác cho ông một công việc phù hợp, không thể có một sự bố trí nào đẹp hơn.

Bác sĩ Lê Đình Thám đã xuất hiện trên các diễn đàn quốc tế, nêu cao tinh thần yêu nước quật cường và khát vọng hòa bình của dân tộc, đã tranh thủ được sự ủng hộ của bè bạn năm châu với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

Ông đã rời quê hương yêu dấu từ năm 1949 và thật là không trọn vẹn, cho đến ngày về cõi Phật, ông chưa được một lần đặt chân trên đất quê mẹ. Nhưng ở Đà Nẵng có một con đường mang tên ông, nhiều ngôi chùa ở Đà Nẵng-Quảng Nam tôn trí di ảnh của ông như một sự tri ân người có công đầu trong chấn hưng Phật giáo, sự chấn hưng đã làm cho Phật giáo càng ngày càng gắn bó, đồng hành với dân tộc.


Nhà ông nội bà Nguyễn Thị Bình chỉ cách nhà ông Thượng La Kham Lê Đình Đĩnh khoảng vài ba trăm mét. Ông nội bà Bình - ông Đội Hoành là người chỉ huy một đội nghĩa quân dưới cờ Cần Vương chống Pháp của Nguyễn Duy Hiệu lãnh tụ Nghĩa hội.

Cũng như nhiều người dân ở La Kham, Gò Nổi, các con ông Đội Hoành sống ở khắp nơi, học hành mưu sinh lập thân lập nghiệp. Cha bà Bình học về cầu đường và trở thành một công chức. Ông kết hôn với con gái nhà yêu nước Phan Châu Trinh và bà Bình sinh ở Châu Đốc.

Mồ côi mẹ khi mới 15 tuổi, bà Bình là chị cả, thay mẹ chăm sóc 5 người em và theo lộ trình của cha, một viên chức, bà sống học tập ở nhiều nơi. Bà giác ngộ cách mạng và tham gia phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của học sinh, sinh viên ở Sài Gòn rồi bị bắt giam. Bà đã được luật sư Nguyễn Hữu Thọ bào chữa. Tháng 7-1954, bà tiếp tục hoạt động trong phong trào đấu tranh đòi hòa bình thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ. Bà ra miền Bắc hoạt động trong Hội Phụ nữ rồi được giao nhiệm vụ là cán bộ đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN).

Với những hoạt động đầy ấn tượng khi là Bộ trưởng Ngoại giao-Trưởng đoàn Chính phủ CMLTCHMNVN tham gia Hội nghị bốn bên ở Paris, bà tỏ ra là người có tầm văn hóa, có tư duy tươi mới, lịch lãm, nhân hậu và sắc sảo, giành được tình cảm mến mộ của bạn bè quốc tế và khiến các đối thủ cũng phải nể trọng.

Những ngày ấy, lúc rúc bói ngủ hầm, quần nhau với giặc, khi về núi học tập hội họp, chúng tôi luôn được nhắc nhở “đàm phán ở Paris là một mặt trận... Thắng lợi trên bàn đàm phán được định đoạt chủ yếu bởi thắng lợi ở chiến trường”. Bà con Điện Quang và tất cả luôn thấy cuộc trụ bám đánh Mỹ ở đây và hòa đàm ở Paris là chung một bóng cờ. Họ luôn thấy bà Nguyễn Thị Bình gần gũi, thân thiết. Như họ ở đây, trụ bám đánh Mỹ, bà nói tiếng nói của họ, đấu tranh vì độc lập tự do, vì hòa bình hạnh phúc.

Ở Gò Nổi, chúng tôi đều biết khi một phóng viên phương Tây hỏi bà “Chính phủ của bà đóng ở đâu, đâu là ranh giới vùng chính quyền của bà kiểm soát”, bà đã trả lời: “Ở miền Nam Việt Nam chỗ nào có dấu vết bom đạn của Mỹ, đó là vùng kiểm soát của chúng tôi”. Và Gò Nổi này, Điện Bàn này đích thực là đất của chính quyền cách mạng, bởi ở đây địch đã thực hiện một chính sách hủy diệt tàn khốc, tất cả là vùng tự do oanh kích.

Sau khi thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước, tuy tuổi cao bà vẫn không nghỉ ngơi. Mọi người vẫn thấy bà khi ở Ấn Độ, khi ở Pháp, khi ở Nhật trong những hoạt động đối ngoại nhân dân mà những người cùng đi luôn thấy sự có mặt của bà đã đem đến những nét đặc sắc và có hiệu quả. Bà cũng có mặt trong các hoạt động chăm sóc trẻ em, nhất là các nạn nhân chất độc da cam ở nhiều nơi khắp ba miền.

Đầu tháng 10 vừa rồi (2010), tôi có dịp tháp tùng bà về Điện Quang. Thật tình tôi có ấn tượng nhiều hơn trong chuyến về thăm quê đầu tiên sau ngày giải phóng Đà Nẵng, trước ngày quân ta tiến vào Sài Gòn. Không có đường xe về Điện Quang, chúng tôi đi thuyền theo sông Thu Bồn rồi đi bộ một quãng khá dài trên con đường nhỏ vừa phát quang tranh bói và tháo gỡ bom mìn. Một khẩu hiệu được treo ở nơi diễn ra cuộc gặp gỡ “Hoan nghênh Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình về thăm quê hương”. Những người trụ bám Gò Nổi cày cấy và đánh giặc, những người năm lần bảy lượt bị dồn xúc vào các trại tập trung, những người được xem là hạt gạo trên sàng qua đạn bom thử thách vui mừng đến rơi nước mắt. Những gương mặt đen đúa, đánh quánh quây quần bên bà như gặp người thân yêu nhất, những tưởng ở đâu xa vời vợi mà nay trong vòng tay thân thiết.

35 năm sau.

Hôm ấy, các đồng chí Điện Quang báo cáo với bà về những đổi thay mới của Điện Quang. Tuy chưa là nông thôn hiện đại, nhưng Điện Quang đã khác xa ngày bà Bình về thăm quê Xuân 1975 mừng vui trào nước mắt. Với người phụ nữ ngoài 80 tuổi từng đi khắp bốn phương lo toan việc lớn của quốc gia, những gì Điện Quang đã làm được có lẽ đã làm bà Bình trong chuyến về nguồn này vui vẻ, yên tâm.

Nụ cười duyên dáng được báo chí Paris ca ngợi ngày nào, hôm nay như rạng rỡ hơn khi bà đến thăm và trò chuyện với học sinh và các thầy cô giáo ở ngôi trường tiểu học mang tên Trần Thị Lý. Khi viếng mộ chí sĩ Lê Đình Dương, bà xúc động, chăm chú đọc câu ông trả lời câu hỏi của tên khâm sứ Pháp (được khắc vào một tấm bia lớn) “Tại sao anh lại phản bội nước Pháp. Nước đã nuôi anh ăn học, thành tài”. “Cũng như ngài và những người yêu nước khác, chúng tôi đặt danh dự và quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết. Mấy chục triệu người Pháp chỉ mất hai tỉnh Alsace và Lorene về tay người Đức mà còn thiết tha đau xót. Huống chi dân Việt Nam chúng tôi mất cả nước. Ngài bảo chúng tôi cúi đầu mà chịu thì chịu sao được”.

Bà dặn dò các đồng chí lãnh đạo địa phương câu nói của người trí thức 22 tuổi này rất hay. Các thầy, cô giáo dạy sử nêu nhắc, giảng cho học sinh biết điều này.

Tôi biết bà đang nung nấu những nghĩ suy về một cuộc cải cách chấn hưng giáo dục.

Nguyễn Đình An

Đọc thêm