Trong các đại sứ trẻ đến từ 13 quốc gia, có hai đại sứ của Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Trẻ về Hổ do Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tổ chức tại Vladivostok, Nga, ngày 18-24/11. Hai người này đã thay mặt thế hệ trẻ Việt Nam nói không với nạn săn bắn hổ trái phép và kêu gọi bảo vệ loài vật quý hiếm này.
Con đường trở thành đại sứ trẻ
Sinh năm 1989, đại sứ trẻ Lê Minh Quốc hiện là sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Minh Quốc tự nhận mình là một người cởi mở, thân thiện với nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt. Trước khi trở thành đại sứ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trẻ về Hổ, Quốc từng góp mặt trong rất nhiều hoạt động trao đổi văn hóa và tình nguyện như: Chương trình Trao đổi sinh viên 2009, Mùa hè Xanh, Chạy đua thế giới (World Race), Giờ Trái đất 2010...
|
Hai đại sứ trẻ của Việt Nam. |
Đến từ Hà Nội, đại sứ Đoàn Hoàng An (SN 1985) đã tốt nghiệp ĐH Saint Benedict, Mỹ với chuyên ngành Nhân văn học. Trong vòng lựa chọn cuối cùng, những quan điểm và cái nhìn sâu sắc về bảo tồn và các vấn đề môi trường cũng như sự năng động sáng tạo trong giải quyết các vấn đề của An đã hoàn toàn thuyết phục Ban giám khảo để lựa chọn An trở thành đại sứ trẻ.
Du lịch là niềm đam mê của cô gái này bởi những chuyến đi giúp cô có nhiều trải nghiệm và cái nhìn trong cuộc sống. Và tất nhiên, những hoạt động bảo vệ ngôi nhà chung của con người, Trái đất, là một trong những mục tiêu An đặt ra trong hành trình sống của mình. An đã từng tham gia các diễn đàn trẻ quốc tế như Hình mẫu Liên hợp quốc tại Boston, Mỹ và Phụ nữ với vai trò lãnh đạo toàn cầu tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập.
Dù đang rất bận rộn với các chương trình của Hội nghị thượng đỉnh trẻ về Hổ nhưng Lê Minh Quốc và Đoàn Hoàng An đã cố gắng thu xếp dành cho PLVN những phút giây trải lòng về công cuộc bảo tồn loài hổ, dù rằng chỉ qua những cánh thư điện tử.
Hai bạn cho biết, khi trở về từ Hội nghị này, họ ấp ủ dự định cùng với WWF và cơ quan môi trường Việt Nam tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng đặc biệt là giới trẻ về tầm quan trọng của việc bảo tồn Hổ nói riêng và động vật hoang dã nói chung. Vì là những người trẻ, nên kế hoạch của hai đại sứ trẻ đặc biệt chú trọng đến sự giáo dục trong nhà trường và các hoạt động ngoại khóa thông qua việc liên kết với các nhóm bạn trẻ yêu môi trường và hợp tác.
Trả lời cho câu hỏi, trong khi phần đông thanh niên Việt Nam hiện nay quan tâm tới việc làm giàu, thì bạn lại chọn con đường đi riêng khác hẳn, đó là lên tiếng để bảo vệ cho sự tồn vong của loài hổ, có bao giờ bạn “lăn tăn” về chọn lựa của mình không?
Minh Quốc và Hoàng An không hẹn mà đã cùng cho biết rằng: “Sau khi được chọn làm đại sứ trẻ của Việt Nam, tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ từ phía gia đình, nhà trường, đặc biệt là bạn bè”. Chính bạn bè đã giúp đỡ hai đại sứ rất nhiều trong việc chia sẻ thông tin qua các mạng cộng đồng như Facebook. Điều này cho biết họ đã chọn đúng đường.
Minh Quốc còn cho biết thêm, ngay sau khi chính thức trở thành đại sứ Hổ, Minh Quốc đã thường xuyên chia sẻ với bạn bè về thông tin hội nghị cũng như về bảo tồn hổ tại Việt Nam và trên thế giới và chưa phải đối diện với bất kỳ sự phản đối nào.
Thông điệp gửi tới cộng đồng
Bản báo cáo “Khi Hổ chỉ còn là da và xương” của WWF cho thấy trong một thập kỷ qua, đã có hơn 1.000 cá thể hổ bị giết để lấy các bộ phận, nói cách khác trung bình mỗi năm có 104-119 cá thể hổ bị diệt vong.
Hội nghị Thượng đỉnh trẻ về Hổ là một trong những hoạt động bổ trợ cho Diễn đàn Quốc tế cấp cao về Hổ diễn ra tại TP.St Petersburg (Nga) từ ngày 21-24/11. Đây là hội nghị cấp nguyên thủ đầu tiên tập trung vào một loài vật đơn lẻ, đánh dấu một bước chuyển trong hoạt động bảo tồn thiên nhiên của nhân loại. Trong tuần lễ diễn ra hội nghị, các đại sứ trẻ - là sinh viên và cán bộ nhân viên trẻ tuổi của 13 quốc gia đã đi thăm khu vực hổ sinh sống và nơi có dấu vết của hổ Amua, thu lượm thông tin từ kinh nghiệm của bản thân về tình trạng của quần thể hổ sống ngoài tự nhiên cũng như các biện pháp cần thiết để bảo tồn hổ. |
Ông Mike Baltzer, người đứng đầu Sáng kiến Sự sống Loài hổ của WWF nhấn mạnh: “Rõ ràng là công tác thực thi pháp luật hiện hành chưa hiệu quả và còn thiếu kiên quyết. Và, không đơn thuần là chỉ tăng cường bắt giữ mà sau mỗi vụ bắt giữ cần triển khai hoạt động khởi kiện và buộc tội thích đáng để phản ánh tính chất nghiêm trọng của tội phạm săn bắn và buôn bán hổ”.
Trong vai trò là đại sứ của loài hổ, hai bạn trẻ Lê Minh Quốc và Đoàn Hoàng An rất chia sẻ với vấn đề này và theo họ nếu thực thi pháp luật tốt thôi thì sẽ không giải quyết được vấn đề. Để bảo vệ loài hổ sống ngoài tự nhiên, các quốc gia còn cần hoạt động phối hợp với nhau để giảm bớt các nhu cầu đối với các sản phẩm làm từ hổ. Ví dụ nhu cầu của nhiều người Á châu thích sử dụng các bộ phận lấy từ hổ để làm vật trang trí, đồ trang sức hoặc chế biến thuốc cổ truyền.
Mặc dù ngành nghề của cả hai bạn trẻ đều ít liên quan tới môi trường, nhưng họ luôn quan niệm rằng việc bảo vệ môi trường sống như là trách nhiệm của mỗi người trong cuộc sống.
“Cho dù chúng ta làm ngành nghề nào thì chúng ta cũng cần ý thức và trách nhiệm bảo vệ nơi chúng ta đang sinh sống” - đó cũng chính là lời kêu gọi mà 2 đại sứ trẻ Lê Minh Quốc và Đoàn Hoàng An muốn chúng tôi, những nhà báo, giúp họ chuyển tới cộng đồng trong bối cảnh số lượng cá thể hổ ngoài tự nhiên đang suy giảm nghiêm trọng.
Hồng Minh