Để qua sông Hàn, trước đây người ta chủ yếu đi đò qua bến Hà Thân. Ngày nay, bến đò Hà Thân không còn nhưng chuyện về hai nghĩa sĩ của Nghĩa hội Quảng Nam trên bến đò này vẫn được người dân địa phương kể mãi.
“Trảm nhứt khuyển ưng”
|
Bia di tích lịch sử cách mạng trước đình ghi nhớ công ơn nghĩa quân Nghĩa hội Quảng Nam ... |
Một sáng cuối thu năm 1885, một nông dân làng Hóa Khuê Đông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) tên là Nguyễn Diêu vác cuốc thăm đồng thì thấy một tên lính Pháp đang chạy xuồng máy trên sông Cổ Cò. Y tìm hiểu đoạn sông này để chuẩn bị cho tàu Pháp tiến quân vào chiếmVĩnh Điện, Thanh Chiêm, nơi quân của Nghĩa hội Quảng Nam đang hoạt động.
Nguyễn Diêu ẩn mình dưới nước, lấy cỏ lác phủ lên. Khi chiếc xuồng chầm chậm đi qua, chỉ bằng một nhát cuốc chớp nhoáng, ông đã đập vỡ đầu tên lính Pháp. Xong ông mang đầu tên lính cùng với khẩu súng và lưỡi lê đến nạp cho quân thứ Giang Châu (vùng Cẩm Lệ - Đò Xu) do ông Huỳnh Bá Chánh, người làng Quán Khái chỉ huy. Mười ngày sau, Nguyễn Diêu được Nghĩa hội phong chức Chánh Chưởng cơ hương binh, kèm theo một chiếc khăn nhiễu bịt đầu màu đỏ có thêu 4 chữ “Trảm nhứt khuyển ưng”, nghĩa là “đã giết một loài cầm thú”. (Khuyển ưng: Chó săn và chim cắt, hai thứ cầm thú hay hại đồng loại để đắc lực với chủ nuôi – ĐNCT).
Từ đó, Nguyễn Diêu luôn bịt chiếc khăn điều trên đầu, nên đồng bào trong vùng gọi ông là “Quản Điều”. Quản Điều đã tổ chức nhiều đoàn đội hương binh ở vùng Hóa Khuê, Quán Khái để làm đội quân chiến đấu vòng ngoài cho quân thứ Giang Châu của Nghĩa hội đóng bản doanh tại khu vực nằm giữa Đò Xu và Cẩm Lệ. Quản Điều đã chỉ huy nhiều trận đánh trên sông làm cho giặc Pháp phải thất điên bát đảo, đặc biệt là những trận đánh bằng thảo long - dùng rơm quấn vào những cọc tre đóng trên sông để đốt cháy tàu giặc.
Khoảng tháng 3 năm 1887, giặc dồn lực lượng vây làng Hóa Khuê Đông. Quản Điều trốn về làng Quán Khái, giặc đốt phá làng suốt ngày. Chiều tối, khi thấy tình hình tạm yên, ông về lại làng cũ để tìm hiểu tình hình, trên đầu vẫn vấn chiếc khăn điều nên bị giặc phát giác, vây bắt. Giặc Pháp đem chém và bêu đầu ông trên cột cờ ở chợ Hà Thân bên bến đò. Đó là ngày 7 tháng 3 năm Đinh Dậu (31-3-1887). Ba ngày sau, buổi tối, giặc bớt cảnh giác, đồng đội của ông mới lấy được đầu ông về ráp với xác, táng ở Hóa Khuê Đông, mộ ngày nay vẫn còn. Chiếc khăn điều “Trảm nhứt khuyển ưng” được con cháu ông thờ cho mãi đến năm 1947 mới bị cháy sau một trận càn của giặc Pháp khi mặt trận Đò Xu bị vỡ.
Xả thân cứu Hội chủ
|
… và đình An Hải thờ cúng Phan Văn Đạo và Nguyễn Diêu như những “nhân thần nghĩa sĩ”. (Ảnh: V.T.L) |
Cũng khoảng mùa thu năm 1887, trước sự truy đuổi của giặc Pháp và Nam triều, Hội chủ Nghĩa hội là Nguyễn Duy Hiệu phải đem thân cho giặc bắt, nhận hết trách nhiệm về mình để tránh cho đồng đội khỏi bị sát hại theo tinh thần “Tồn ngô đảng, tha nhật hữu thành ngô chí dã, ngô sanh giả” (Đảng ta còn, một ngày nào đó có người nối được chí của ta, đó là ta sống vậy).
Chuyện kể, chứng kiến xong cái chết của người đồng sự tâm phúc là Phan Bá Phiến, Nguyễn Duy Hiệu theo sông Trường Giang từ An Hòa về lại quê nhà Thanh Hà. Sau khi viếng bàn thờ mẹ, ông ra ngồi xếp bằng tự tại trước bàn thờ Quan Vân Trường trong ngôi miếu thờ ở bãi cát Thanh Hà và cho người đi báo cho Nguyễn Thân đến bắt.
Khi chiếc cũi giải cha con Nguyễn Duy Hiệu ra Huế đi ngang qua bến đò Hà Thân thì trời đã tối nên Nguyễn Thân cho dừng lại chờ sáng hôm sau sẽ đi đò qua sông Hàn. Chiếc cũi được đặt dưới tán cây cổ thụ, được canh gác nghiêm mật, còn Nguyễn Thân và bọn tùy tướng thì vào ngủ trong đình làng An Hải. Nửa khuya, một thân binh của Thân đã cầm gươm đột nhập vào cửa hông đình với ý định giết Thân. Lúc cánh cửa bị đẩy qua một bên thì viên lãnh binh của Thân phát hiện, từ bên trong đưa gươm ra chém. Người thân binh bị thương ở vai nên phải bỏ trốn.
Quân Nguyễn Thân đốt đuốc soi tìm và bắt được người thân binh. Bị tra hỏi, người này khai tên là Phan Văn Đạo quê gốc ở Quảng Nam, tuy là thân binh của Nguyễn Thân nhưng lòng luôn hướng về các phong trào yêu nước. Thấy vẻ ung dung khí khái của lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu, Phan Văn Đạo đem lòng cảm phục nên nảy ra ý định giết Thân để giải cứu cho Nguyễn Duy Hiệu. Lập tức Nguyễn Thân ra lệnh đem Phan Văn Đạo ra chém tại bến đò Hà Thân, bêu đầu để răn đe dân chúng. Hôm đó là ngày 10 tháng 8 năm Đinh Hợi (26-9-1887).
Từ sau cái chết của hai nghĩa sĩ của phong trào Nghĩa hội, làng An Hải mỗi năm đến kỳ tế âm linh và tế kỳ yên vào tháng 8 âm lịch, các cụ bô lão đều thiết hương án trước tiền đình để lấy cớ là thờ các nhân thần nhưng thâm ý thực sự là để cúng Phan Văn Đạo và Nguyễn Diêu, những nghĩa sĩ đã hy sinh cho Nghĩa hội mà dân chúng của làng xem là những “nhân thần nghĩa sĩ”. Lệ đó ngày nay vẫn còn.
LÊ THÍ