Hai phim ngoại lấy ý tưởng từ câu chuyện có thật

(PLVN) - Nếu như “Cô bé cứu hỏa” dựa trên câu chuyện có thật trong ngành cứu hỏa nước Mỹ thì “Bật bảng” cũng là hành trình lịch sử của một đội bóng trung học tại Hàn Quốc.

Cô bé cứu hỏa

Bộ phim của đạo diễn Laurent Zeitoun và Theodore Ty mang đến những tình tiết tình cảm, hài hước kết hợp cùng nhiều pha hành động gay cấn, nghẹt thở.

“Cô bé cứu hỏa” xoay quanh Georgia Nolan - một cô bé thông minh, nhiệt huyết với ước mơ trở thành người lính cứu hỏa như cha của mình - ngài Shawn. Tuy nhiên, năm 1932 tại New York (Mỹ), phụ nữ không được phép làm công việc này. Nhưng cơ hội “vàng” đã đến khi Georgia nảy ra ý định cải trang thành Joe - chàng trai vụng về gia nhập đội cứu hoả do chính cha mình bất đắc dĩ thành lập theo yêu cầu của thị trưởng thành phố.

Đạo diễn Laurent Zeitoun hé lộ, ý tưởng thực hiện phim đã đến khi anh thử tìm hiểu về nữ lính cứu hỏa đầu tiên của New York, bởi sau khi tình cờ bắt gặp một đám cháy trên đường về nhà, anh nhận ra không có nhiều phụ nữ làm công việc này.

Hình tượng của Georgia Nolan trong phim dựa theo hành trình có thật của bà Brenda Berkman - người phụ nữ đầu tiên trở thành lính cứu hỏa tại thành phố New York vào năm 1982. Câu chuyện của bà Brenda Berkman đã đi vào lịch sử ngành cứu hỏa nước Mỹ, khi bà nuôi dưỡng đam mê cứu hỏa từ nhỏ và vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để hiện thực hóa ước mơ của mình.

Bà Brenda Berkman - nữ lính cứu hỏa đầu tiên của New York. Ảnh: CJ

Sự nghiệp của bà Brenda Berkman đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá như Susan B. Anthony từ Hội Phụ nữ Quốc gia Mỹ (1984), Giải thưởng Phụ nữ Can đảm của Hội Phụ nữ Quốc gia Mỹ (2002), Vinh danh bởi Hiệp hội Lịch sử Lao động New York (2005)...

Không chỉ trở thành cảm hứng cho “Cô bé cứu hỏa” mà cuộc đời của bà Brenda Berkman còn từng được tái hiện trong phim tài liệu “Taking The Heat” (2006) và cả cuốn sách “The Female Lead”. Những tác phẩm này thu hút một lượng khán giả lớn, truyền cảm hứng mãnh liệt cho thế hệ trẻ nói chung, cũng như những cô gái trẻ nói riêng tại nước Mỹ.

Ở “Cô bé cứu hỏa” có thể thấy nhân vật Georgia Nolan mang khá nhiều nét tương đồng với bà Brenda Berkman. Cô bé xuất hiện cùng mái tóc tém cá tính, luôn khát khao được trở thành lính cứu hỏa từ thuở thơ ấu và giữ tinh thần kiên định, ý chí vững vàng để được làm công việc mình yêu thích.

Đồng thời, bộ phim còn thể hiện tinh tế hình ảnh của những bậc phụ huynh trong nhân vật ngài Shawn - một người cha luôn trăn trở giữa việc mạo hiểm để con theo đuổi đam mê hay giữ con theo hướng đi an toàn, truyền thống.

Georgia Nolan - nhân vật chính trong phim“Cô bé cứu hỏa”. Ảnh: CJ

Bật bảng

Bộ phim xoay quanh Kang Yang Hyun (Ahn Jae Hong) và đội bóng rổ 6 thành viên tại trường trung học Busan Jungang. Yang Hyun từng là một cầu thủ bóng rổ tài năng khi anh còn ngồi ở trên ghế nhà trường. Cuộc đời đã đưa đẩy anh quay trở lại ngôi trường năm xưa và trở thành huấn luyện viên của đội bóng rổ đang đứng trên bờ vực giải thể. Dưới sự dẫn dắt của Yang Hyun, đội bóng rổ thiếu niên trường Busan Jungang đã cùng nhau tạo nên kỳ tích tại Giải bóng rổ vô địch quốc gia cấp trung học.

“Bật bảng” (tựa tiếng Anh: Rebound) tái hiện lại câu chuyện có thật của thầy trò huấn luyện viên Kim Yang Hyun tại trường trung học phổ thông Jungang ở Busan (Hàn Quốc). Vào năm 2012, trong trận chung kết của Giải bóng rổ vô địch quốc gia cấp trung học lần thứ 37, trường trung học phổ thông Yong San giành chiến thắng áp đảo với tỉ số 89-63, đội Jungang về nhì. Tuy nhiên, hạng nhì chính là “phép màu giữa đời thường” đối với trường Busan Jungang.

Trước khi tham gia giải bóng rổ danh giá năm đó, đội bóng rổ Jungang chỉ là một đội bóng vô danh với vỏn vẹn 6 thành viên nghiệp dư. Kim Yang Hyun - một cựu học sinh của trường - đã đưa đội bóng thiếu niên quay lại ánh hào quang đã mất. Câu chuyện này đã thu hút sự chú ý của truyền thông và cũng từ đó, ý tưởng tạo ra “Bật bảng” ra đời.

“Bật bảng” tái hiện lại câu chuyện có thật của thầy trò huấn luyện viên Kim Yang Hyun. Ảnh: Lotte

Sức hút của bộ phim nằm ở bầu không khí giàu năng lượng và lòng quyết tâm của huấn luyện viên Kim Yang Hyun và các học trò. Để Jungang có thể tiếp tục tham dự các giải đấu, Yang Hyun phải tự thân chiêu mộ thêm cầu thủ. Từng là một đối thủ mạnh trên sân nhưng nay đội bóng rổ Busan Jungang chỉ còn 6 thành viên, bao gồm những cậu thiếu niên tay ngang và chưa từng tham gia thi đấu. Dù vậy, điểm chung của cả đội là họ đều có niềm đam mê rực cháy dành cho bóng rổ.

Tác phẩm hứa hẹn mang đến cho khán giả những phút giây tràn đầy năng lượng tươi trẻ của tuổi học sinh, với nhiều hoài bão và ước mơ. Ngoài ra, phim là câu chuyện đầy xúc cảm về tình cảm thầy trò, tình cảm bạn bè.

Tác phẩm quy tụ dàn diễn viên trẻ thực lực. Ảnh: Lotte

Phim quy tụ một dàn diễn viên trẻ đầy tài năng. Trong đó, phải kể đến Ahn Jae Hong - người thủ vai Jung Bong trong “Reply 1988”- tác phẩm từng “làm mưa làm gió” khắp châu Á. Ngoài ra, bộ phim còn có sự góp mặt của diễn viên trẻ triển vọng Lee Shin Young, Jung Jin Woon, Kim Taek, Jung Gun Joo, Kim Min và Ahn Ji Ho. Họ sẽ lần lượt thủ vai các thành viên của đội bóng thiếu niên Jungang là Chun Ki Bum, Bae Gyu Hyuk, Hong Sun Kyu, Jung Gang Ho, Heo Jae Yoon và Jung Jin Wook.

Mỗi người đều từng có cơ hội góp mặt trong những bộ phim đình đám xứ Hàn. Điển hình là Lee Shin Young với vai diễn chàng quân nhân Park Kwang Beom trong “Hạ cánh nơi anh” và Jung Gun Joo hóa thân thành Lee Do Hwa trong “Vô tình tìm thấy Haru”.

Ngoài ra, “Bật bảng” được chắp bút bởi hai biên kịch tài năng Kwon Sung Hui và Kim Eun Hee. Trong đó, Kwon Sung Hui là biên kịch của “Kế hoạch Bắc Hàn” và bộ phim Netflix ăn khách “Thánh ma túy”, trong khi Kim Eun Hee chính là người góp phần tạo nên thành công vang dội của series phim “Kingdom” và phim truyền hình phá án hấp dẫn “Signal”.

“Cô bé cứu hỏa” và “Bật bảng” dự kiến khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 12/5/2023.

Đọc thêm