Hải Phòng: Dành hơn 430 tỷ đồng xây dựng, bảo tồn khu vực bãi cọc Cao Quỳ

(PLVN) -Hải Phòng vừa quyết định lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan tới cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên dòng sông Bạch Đằng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.  
Toàn cảnh bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Toàn cảnh bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Theo đó, trong năm 2020, thành phố sẽ triển khai dự án bảo tồn khu vực bãi cọc Cao Quỳ với diện tích khoảng 150 ha và được chia làm 2 khu vực. Khu vực 1 là lập dự án khu vực trung tâm bãi cọc Cao Quỳ với diện tích khoảng 14,8 ha bao gồm: đường vào bãi cọc mặt cắt nền 18 đến 22 m, dài hơn 3,4 km, diện tích khoảng 10,8 ha; bãi đỗ xe kết hợp rừng lim xanh diện tích khoảng 1 ha; khu trưng bày hiện vật khảo cổ diện tích 3 ha, bao gồm các hạng mục khu bảo tồn tại chỗ bãi cọc, nhà đón tiếp, trưng bày, giới thiệu hiện vật, nhà vệ sinh, quảng trường, đường dạo, vườn cây xanh…

Khu vực 2 có diện tích khoảng 135 ha, trước mắt giữ nguyên hiện trạng, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp, nghiêm cấm xây dựng mới các công trình… Việc khoanh vùng, bảo tồn bảo đảm giữ gìn tối đa yếu tố gốc của di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Tổng mức đầu tư dự án hơn 430 tỷ đồng.

Sau năm 2020, thành phố sẽ lập quy hoạch phân khu các khu chức năng trong khu bảo tồn, phát huy các giá trị khu vực liên quan tới các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên dòng sông Bạch Đằng. Tổ chức lập Đề án xếp hạng di tích cho các di chỉ được khai quật, nâng hạng di tích cho các di tích đã được xếp hạng trở thành quần thể di tích lịch sử - văn hoá - danh thắng cấp Quốc gia, tiến tới di sản văn hoá thế giới.

Thành phố Hải Phòng xác định, trong tương lai không xa, cụm di tích này hoàn toàn có thể trở thành khu di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng cấp Quốc gia, tiến tới có thể trở thành Di sản văn hóa thế giới. Đồng thời, khi hoàn thành đây sẽ là một địa chỉ quan trọng để giáo dục tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giữ gìn, bảo vệ độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Việc khoanh vùng để quản lý, lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan đến di tích lịch sử là một việc quan trọng và cần thiết cả phương diện lịch sử, văn hóa, khảo cổ và danh thắng.

Dòng sông Bạch Đằng trên địa bàn Hải Phòng trải dài từ ngã ba sông Đá Bạc và sông Giá đến bến Rừng. Dọc con sông này có nhiều địa danh, di tích lịch sử liên quan đến ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc như: đền thờ tướng quân Trần Quốc Bảo; di tích Bạch Đằng Giang; chùa – động Hang Lương; cụm di tích đền, chùa Thụ; đình Trúc Động, chùa Hạ Sơn…

Đọc thêm