Trong đó, công ty CP Trung Thủy là nhà thầu thi công gói thầu số 11, Liên danh công ty CP xây dựng và dịch vụ thương mại 68 - Công ty TNHH đầu tư và xây dựng giao thông Hồng Hà (viết tắt là Liên danh Hồng Hà - 68) là nhà thầu thi công gói thầu số 10, cùng thuộc Dự án chỉnh trang sông Tam Bạc (đoạn từ cầu Lạc Long đến công viên Tam Bạc).
Hiện trạng vỉa hè trước khi thi công cừ larsen |
Để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ quan của toàn tuyến Tam Bạc, ngày 19/3/2019, BQL các dự án đầu tư xây dựng quận Hồng Bàng đã ban hành văn bản số 21/BQLDA có nội dung yêu cầu Cty CP xây dựng và dịch vụ thương mại 68 triển khai thi công cừ larsen bảo vệ chân kè tại vị trí tiếp giáp chân cầu Tam Bạc từ km1+336.11 đến chân cầu Tam Bạc thuộc dự án chỉnh trang sông Tam Bạc.
Theo yêu cầu của UBND quận Hồng Bàng (chủ đầu tư dự án), việc thi công cừ larsen được triển khai trong 5 ngày, ngày 9/4 đến 12/4, để kịp bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nạo vét.
Vết nứt kéo dài xuất hiện trên bề mặt vỉa hè |
Trong quá trình thi công cừ larsen, một vệt nứt dài lại xuất hiện vỉa hè đường Tam Bạc. Nguyên nhân ban đầu được xác định xuất phát từ việc Liên danh Cty Hồng Hà - 68 sử dụng thiết bị tải trọng lớn đứng trên khu vực vỉa hè đã hoàn thiện này để thi công cừ larsen.
Do sự cố trên, ngày 17/4/2019, một biên bản hiện trường đã được lập giữa đại diện các bên gồm: chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công gồm Cty CP Trung Thủy và để ghi nhận lại hiện trường tại khu vực thi công cừ Larsen. Biên bản ghi rõ, từ mép dầm xà mũ vào khoảng 1,2m có một vết cắt đá lát nền chạy dọc tuyến, đoạn gần chân cầu Tam Bạc.
Liên danh Cty Hồng Hà-8 đã dùng cẩu có tải trọng lớn đứng trên vỉa hè để thi công cừ larsen |
Đại diện liên danh Cty Hồng Hà-68 cho biết áp dụng biện pháp thi công là trải 30cm cát lên trên mặt hè đã lát và lát tôn cho thiết bị thi công di chuyển trên tôn để thi công cừ larsen. Nhà thầu này cũng cho rằng, nếu có hiện tượng sụt lún thì chủ đầu tư là UBND quận Hồng Bàng sẽ có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa.
Tuy nhiên, tại biên bản này, phía Cty CP Trung Thủy đã đề nghị Liên danh Cty Hồng Hà - 68 có biện pháp thi công đảm bảo hiện trạng vỉa hè đã lát. Nếu xảy ra sự cố gì, liên danh Cty Hồng Hà - 68 phải có trách nhiệm trả lại hiện trạng ban đầu.
Nhiều ý kiến cho rằng việc rải cát không làm tăng khả năng chịu lực kết cấu vỉa hè |
Theo một chuyên gia xây dựng, nguyên nhân nứt nói trên có thể do biện pháp thi công cừ larsen của nhà thầu sử dụng thiết bị cẩu có tải trọng quá lớn đứng trên vỉa hè chỉ thiết kế cho người đi bộ. Trong khi đó, biện pháp dùng cát phủ và lát tôn lên bề mặt vỉa hè không làm tăng khả năng chịu lực của kết cấu vỉa hè. Có chăng, biện pháp này chỉ hạn chế việc trầy xước của bề mặt vỉa hè đã hoàn thiện trên?
Về sự cố này, ông Dương Đình Ổn, Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng cho biết gói thầu số 10 và 11 thuộc dự án chỉnh trang sông Tam Bạc đang trong thời gian “bảo hành” nên chủ đầu tư sẽ yêu cầu các nhà thầu thi công phải khắc phục hoàn toàn sự cố. Đối với sự cố nứt dài nói trên, chiều 28/5, Cty CP Trung Thủy đã bắt tay vào khắc phục, còn liên danh Cty Hồng Hà – 68 sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí.
Được biết, liên danh Cty Hồng Hà - 68 sẽ phải hoàn trả mặt bằng lát hè tại vị trí thi công cừ larsen gia cố chân kè tiếp giáp cầu Tam Bạc trước ngày 31/5/2019.
Trước đó, sự cố sụt lún diện rộng tại vỉa hè dành cho người đi bộ dọc theo đường Tam Bạc đã xảy ra vào tháng 3/2019. Đến ngày 9/5/2019, UBND quận Hồng Bàng tổ chức lễ khánh thành dự án chỉnh trang sông Tam Bạc.
Dự án đầu tư chỉnh trang sông Tam Bạc do UBND quận Hồng Bàng làm chủ đầu tư, có giá trị đầu tư hơn 1.454 tỷ đồng. Dự án có quy mô 253.686,8m2, với 13 gói thầu, bao gồm các hạng mục công trình: Nạo vét lòng sông với độ sâu từ 2,1m đến 2,5m, chiều rộng lòng sông 63m; kè bê tông cốt thép hai bên bờ sông; cải tạo hè, đường Thế Lữ và đường Tam Bạc với chiều rộng mặt đường 10m, vỉa hè phía bờ sông rộng 5m, vỉa hè phía nhà dân rộng 3m.