Theo ông Trương Văn Quý - Giám đốc BHXH TP.Hải Phòng - tính đến thời điểm hiện tại, Hải Phòng có hơn 1.000 DN nợ đọng BHXH với tổng số tiền 319 tỷ đồng. Trong đó, các DN thuộc Tập đoàn Vinashin trước đây (nay là TCty Công nghiệp tàu thủy) Vinalines có số nợ lên tới hơn 195 tỷ đồng. Để đốc thúc, thu hồi nợ, BHXH TP.Hải Phòng đã khởi kiện 33 DN ra tòa, thu hồi được trên 11,5 tỷ đồng.
Theo ông Quý, số thu nợ hết sức nhỏ bé so với số phải thu của các DN. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong thời gian qua, BHXH TP.Hải Phòng đã phối hợp với ngành LĐ- TB&XH để cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), chốt sổ BHXH, in thẻ BHYT đối với người lao động nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng lao động tại một số DN thuộc Vinashin, Vinalines – những DN sử dụng nhiều lao động. Trên cơ sở chốt sổ BHXH, phát thẻ BHYT, người lao động tại các DN này đã được thanh toán tiền ốm đau, thai sản; trên 1.000 lao động tại các DN này đã được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.
Trong năm 2013, BHXH TP.Hải Phòng cũng đã khắc phục sự cố cấp trùng thẻ BHYT cho 16.000 trường hợp. Đối với việc bội chi của Quỹ khám chữa bệnh BHYT, ông Trương Văn Quý cho biết, liên tiếp trong các năm 2010 – 2012 và 3 quý đầu năm 2013, Quỹ khám chữa bệnh BHXH của Hải Phòng vẫn bảo đảm cân đối, quý 4 năm 2013 có dấu hiệu bội chi, một trong số các nguyên nhân do số thu chưa đạt mặc dù TP đã chuyển bổ sung gần 70 tỷ đồng, kinh phí khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, theo ông Quý, con số bội chi cụ thể đối với Quỹ này là bao nhiêu thì BHXH TP.Hải Phòng vẫn chưa xác định được vì chưa hết năm tài chính.
Cũng tại Kỳ họp thứ 7 HĐND TP.Hải Phòng, vấn đề an toàn hệ thống đê biển cũng được Đại biểu Bùi Trọng Tuấn – Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Hải Phòng - “kêu”. Theo ông Tuấn, Hải Phòng hiện có 24 tuyến đê với tổng chiều dài hơn 420km. Trong số này có hơn 103km của 6 tuyến đê biển với 75km đê xung yếu.
Từ năm 2006 đến nay, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, Hải Phòng mới nâng cấp, xây mới cống tại gần 30km đê biển xung yếu.
Trước mùa mưa bão năm 2014 vẫn còn nhiều tuyến đê biển xung yếu chưa được nâng cấp, nhiều đoạn đê biển tại huyện đảo Cát Hải bị các cơn bão đánh hỏng trong các cơn bão năm 2013 đang được sử dụng nguồn vốn tại Dự án Khôi phục nâng cấp khẩn cấp đê biển, nhưng theo ông Tuấn, tính cả các điểm, tuyến đê biển đang sử dụng nguốn vốn khẩn cấp để nâng cấp thì Hải Phòng mới chỉ có 30% tuyến đê biển được nâng cấp, Hải Phòng cần kiến nghị Bộ NN&PTNN báo cáo Chính phủ nhằm nâng mức đầu tư từ nguồn vốn trung ương, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn Biến đổi khí hậu cũng như vốn ODA cho Chương trình nâng cấp đê biển, đê sông để bảo vệ người dân và các công trình hạ tầng liên quan.