Bộ mặt mới của chính quyền
Nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, với sự hiện diện của Internet trong mọi lĩnh vực. Cuộc cách mạng công nghệ “4.0” đang thay đổi cả cách thức mà chính quyền thực hiện công việc quản lý của mình. Mô hình chính quyền điện tử thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và Internet đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới để thay đổi phương thức giao tiếp truyền thông giữa chính quyền và công dân, nâng cao hiệu quả của các giao dịch hành chính, tiết giảm chi phí và thời gian.
Trong gần một thập kỷ vừa qua, sự phát triển nhanh chóng của Internet đã và đang tiếp tục làm thay đổi thói quen của người dân trong mọi lĩnh vực, từ mua sắm, giải trí, giao tiếp thông tin đến việc sử dụng dịch vụ công. Sự phổ biến của các thiết bị công nghệ như máy tính, máy tính bảng và điện thoại thông minh đang thay đổi hành vi của người dân trong mọi lĩnh vực, trong đó có quan hệ với chính quyền. Phương thức giao tiếp thông qua mạng Internet sẽ trở thành kênh giao tiếp quan trọng của con người trong những năm tới. Do vậy, việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử để phục vụ công dân là việc làm không thể đảo ngược.
Có thể nói, việc xây dựng chính quyền điện tử, trong đó nòng cốt là việc xây dựng hệ thống dữ liệu trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; xây dựng cổng giao tiếp giữa các cơ quan nhà nước với công dân, doanh nghiệp để tăng cường sự minh bạch thông tin của chính quyền với nhân dân và thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, là nhiệm vụ cấp bách để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền.
Tính đến thời điểm này, việc xây dựng chính quyền điện tử trong cả nước đã các địa phương đạt kết quả rất tốt. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Tin học Việt Nam về chỉ số sẵn sàng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam năm 2016 (chỉ số ICT), nhiều địa phương đã đầu tư có mạnh vào việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với việc xây dựng chính quyền điện tử như Thành phố Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh.
Theo ghi nhận của Báo Pháp luật Việt Nam, tỷ lệ người dân sử dụng Internet trong giao tiếp với chính quyền đang ngày càng tăng, đặc biệt là trong việc tiếp cận chính sách, pháp luật và các văn bản chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương các cấp.
Như tại Quảng Ninh, giờ đây tất cả các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo địa phương đều được công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh để công chức và người dân được biết. Chưa bao giờ việc tiếp cận thông tin về hoạt động của chính quyền lại có thể dễ dàng như bây giờ. Chỉ một vài động tác “kích” chuột, thông tin về hoạt động của chính quyền đã được công khai.
Hải Phòng quyết tâm hoàn thiện chính quyền điện tử
Là một trong những địa phương đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin và Internet trong quản lý nhà nước, Hải Phòng đã từng có những mô hình mà các địa phương khác đến học tập kinh nghiệm. Theo báo cáo về chỉ số ICT năm 2016, Thành phố Hải Phòng đứng thứ 13/63 địa phương về chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Đánh giá về chỉ số này, trong cuộc họp Ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin của Thành phố Hải Phòng, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cho rằng, Thành phố cần bước tiến dài hơn nữa trong việc đầu tư vào phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử.
Theo báo cáo của UBND TP Hải Phòng, hiện đã có 90% các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong nội bộ cơ quan; gần 100% cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử công vụ. Việc gửi nhận văn bản điện tử có chữ ký số giữa các cơ quan nhà nước được sử dụng rộng rãi, giúp giảm thời gian, chi phí, nâng cao mức độ an toàn và bảo mật cho các giao dịch trên môi trường mạng, thúc đẩy cải cách hành chính của TP.
Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy gần 80% thông tin chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Thành phố và các Sở, UBND cấp quận đã được đưa lên Cổng thông tin điện tử; khoảng 84% văn bản thuộc quản lý của UBND TP và các Sở được số hóa và lưu chuyển trên môi trường mạng.
Đến nay có 131 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 36 dịch vụ công ở mức độ 4 được triển khai trên cổng thông tin điện tử TP. Các ngành thuế, hải quan đã triển khai có kết quả hệ thống CNTT chuyên ngành và liên thông dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giao dịch trên môi trường mạng. Những kết quả đạt được nói trên đã góp phần quan trọng trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cho TP, góp phần giữ vững vị trí thứ 2 của Hải Phòng trong bảng xếp hạng cải cách hành chính năm 2016.
Tuy nhiên, so với vị thế của Thành phố, rõ ràng chỉ số ICT năm 2016 của Hải Phòng đang rất khiêm tốn, còn khoảng cách xa so với Hà Nội và Quảng Ninh, là 2 địa phương cùng đứng trong tam giác kinh tế khu vực phía Bắc.
Văn bản chỉ đạo, điều hành của UBND Thành phố được thường xuyên cập nhật trên cổng thông tin điện tử |
Để cải thiện chỉ số ICT, hay nói cách khác là nâng cao việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, cần phải đầu tư mạnh tay hơn. Theo cách nói vui của ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng thì ngân sách của Thành phố đã dành để xây dựng cầu, đường hết nên ít đầu tư cho công nghệ thông tin, cũng là một cách nhìn nhận thẳng thắn về việc Thành phố chưa đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực này trong những năm qua.
Nếu so sánh với Quảng Ninh, địa phương xếp thứ 4 trên bảng điển ICT 2016 thì số tiền đầu tư hàng năm của Hải Phòng rất khiêm tốn. So sánh với số tiền khoảng 1.300 tỷ đồng mà Thành phố Hà Nội đầu tư cho việc xây dựng và triển khai chính quyền điện tử thì số tiền mà Hải Phòng đã đầu tư có lẽ còn một khoảng cách cực kỳ xa vời. Do đó, để nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử, Hải Phòng cần thiết phải đầu tư mạnh hơn.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam, trong thời gian tới, UBND Thành phố sẽ trình HĐND Thành phố phê duyệt ngân sách thực hiện Đề án chính quyền điện tử, tập trung vào các dự án là: xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu TP; dự án hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin kinh tế, xã hội; dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống Cổng thông tin điện tử Thành phố.
Đặc biệt, Cổng thông tin điện tử của Thành phố là cửa ngõ điện tử giao tiếp giữa chính quyền và công dân, doanh nghiệp cần được đầu tư nhiều hơn. Hiện nay, việc vận hành Cổng thông tin điện tử của Thành phố chỉ có vẻn vẹn 02 biên chế, trực thuộc Trung tâm thông tin truyền thông TP Hải Phòng, bằng 1/10 so với Thành phố Đà Nẵng. Với con số như trên thì rất dễ hình dung về kết quả công việc cũng như nhu cầu phải cải thiện bộ mặt quan trọng này của chính quyền điện tử.
Thế giới đang chứng kiến những thay đổi kỳ diệu do Internet tạo ra. Không lâu nữa, khi vạn vật đều kết nối với nhau bằng Internet thì máy tính sẽ trở thành những công chức mẫn cán nhất của chính quyền và người dân sẽ giao tiếp với chính quyền thông qua bàn phím là chủ yếu cũng không còn là điều xa vời.
Việc đầu tư xây dựng chính quyền điện tử là hướng đi tất yếu mà mọi địa phương phải triển khai. Với những địa phương đi tiên phong trong hội nhập về kinh tế, thương mại với thế giới như Thành phố Hải Phòng càng cần phải tận dụng sức mạng của công nghệ và Internet trong việc cải cách thủ tục hành chính, xây dựng phương thức giao tiếp hiện đại giữa chính quyền với công dân và doanh nghiệp, để chắp cánh cho khát vọng “vươn ra biển lớn” - quyết tâm chính trị mà Thành phố đã đề ra.