Hải Phòng: Trung tâm giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho thuê trụ sở để bán quần áo?

(PLVN) - Trung tâm giới thiệu việc làm và đào tạo nghề (31 Điện Biên Phủ, trực thuộc Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng) có chức năng chính là đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, nhiều năm nay, nguồn thu chính từ trung tâm này chủ yếu từ hoạt động cho thuê trụ sở hoặc liên kết với các đơn vị để bán quần áo, sửa chữa điện thoại, bán cơm...


Trụ sở Trung tâm giới thiệu việc làm và đào tạo nghề nằm trên tuyến "đất vàng"
Trụ sở Trung tâm giới thiệu việc làm và đào tạo nghề nằm trên tuyến "đất vàng"

Cái khó "bó" cái khôn!

Trung tâm giới thiệu việc làm và đào tạo nghề (gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị quản lý, sử dụng khoảng 1000m2 khu "đất vàng" tại mặt đường Điện Biên Phủ và Lý Tự Trọng, hai tuyến đường chính trong nội thành TP Hải Phòng. Việc giao đất cho Liên đoàn lao động TP được UBND TP Hải Phòng không thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo phản ánh, do sở hữu khu "đất vàng" nói trên, nhiều năm qua, Trung tâm đã cắt chia diện tích đất 1000m2 để cho các đơn vị khác thuê lại: Fomat, Tokyolife, quán Sơn rượu, nhà hàng Bắc Nam, Công ty CP Intimex Hải Phòng… với doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm. Nhiều ý kiến cho rằng, các đơn vị thuê lại trụ sở hoặc liên kết với Trung tâm này chủ yếu để bán quần áo, bán cơm, sửa điện thoại.... là không đúng với chức năng, nhiệm vụ mà Trung tâm được giao.

Biển hiệu của Trung tâm giới thiệu việc làm và đào tạo nghề "lọt thỏm" giữa những biển quảng cáo

Biển hiệu của Trung tâm giới thiệu việc làm và đào tạo nghề "lọt thỏm" giữa những biển quảng cáo

Trao đổi với PLVN, ông Đào Xuân Trịnh, Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm có 2 chức năng chính là đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Thời gian vừa qua, Trung tâm có thực hiện các hoạt động đào tạo nghề như: đào tạo lý luận nghiệp vụ công đoàn, đào tạo Luật văn bằng 2, tuyên truyền huấn luyện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, hoạt động giới thiệu việc làm không có hiệu quả. Ông Trịnh cắt nghĩa nguyên nhân do những người có trình độ sẽ tìm việc ở trên web, báo chí, tìm việc ở Sàn giao dịch việc làm (thuộc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội-PV); chỉ có số ít người lao động có trình độ thấp tìm đến Trung tâm để xin giới thiệu việc làm.

Trung tâm cũng không có học sinh mà chỉ liên kết đào tạo theo kiểu "truyền nghề" như: quán cơm Bắc Nam truyền nghề nấu ăn miễn phí, New Face truyền nghề bồi bàn miễn phí. Tuy nhiên, khi PV đề nghị Giám đốc Trung tâm cung cấp danh sách các học viên được truyền nghề miễn phí tại các cơ sở thì vị này không cung cấp được.

Với chức năng chính là đào tạo nghề nhưng tại trung tâm chỉ có duy nhất ông Trịnh đủ điều kiện để đứng lớp dạy nghề. Còn lại, Trung tâm ký hợp đồng với giảng viên cơ hữu khi cần thiết. Ông Trịnh cũng cho rằng, việc cho thuê lại trụ sở là cách duy nhất để Trung tâm duy trì hoạt động, trả lương cho 12 lao động đã gắn bó với Trung tâm trong nhiều năm qua. "Bản chất vấn đề là nếu Trung tâm không cho thuê trụ sở thì không có nguồn thu. Điểm cho thuê tại mặt đường trước đây là hàng lang, vỉa hè, bãi đất trống nên Trung tâm để cho đơn vị tận dụng "vá víu" lên. Và việc cho thuê cũng là… đỡ lãng phí tiền thuế sử dụng đất cho ngân sách Nhà nước. Mỗi năm, doanh thu từ việc cho thuê, liên doanh, liên kết là khoảng 840 triệu đồng", ông Trịnh cho biết.

Các điểm sửa chữa điện thoại, may quần áo thuê lại của trụ sở của Trung tâm
Các điểm sửa chữa điện thoại, may quần áo thuê lại của trụ sở của Trung tâm 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP và Trung tâm đã viện dẫn khá nhiều văn bản pháp luật khẳng định hoạt động cho thuê trụ sở và liên kết nói trên là đúng quy định pháp luật như: Quyết định số 1908 năm 2016 của Tổng Liên đoàn Lao động, Luật quản lý và sử dụng tài sản công có hiệu lực từ năm 2017, căn cứ vào xếp loại của Tổng Liên đoàn lao động, Trung tâm được xét vào dạng đơn vị sự nghiệp công đoàn. Do đó, ngoài quy định của Tổng Liên đoàn Lao động thì Trung tâm chấp hành quy định pháp luật Nhà nước nói chung đối với đơn vị sự nghiệp công đoàn. Tuy nhiên, hầu hết trước khi các văn bản trên được ban hành, việc cho thuê trụ sở đã diễn ra rất nhiều năm. Được biết, việc cho thuê trụ sở bắt đầu từ trước năm 2000.

Sẽ chấm dứt tất cả các hợp đồng?

Bà Đào Thị Huyền, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cho biết, chủ trương của Liên đoàn lao động TP đối với Trung tâm là dừng ngay việc gia hạn, ký mới hợp đồng liên doanh, liên kết; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các điểm liên kết đồng thời thu hồi mặt bằng các điểm thuê khi hết hạn hợp đồng.

Theo kế hoạch, các cơ sở liên kết với Trung tâm này phải hoàn trả mặt bằng sau khi hết hạn hợp đồng như: Công ty CP Intimex (năm 2023), nhà may Hà thời trang (năm 2022), NewFace (năm 2024).

Trung tâm khẳng định việc cho thuê trụ sở là đúng quy định pháp luật
Trung tâm khẳng định việc cho thuê trụ sở là đúng quy định pháp luật

Trước đó, năm 2016, sau khi kiểm tra bất thường tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành đã chỉ đạo đơn vị chủ quản là Liên đoàn Lao động TP phối hợp cùng các ngành chức năng thu hồi toàn bộ diện tích đất được cho thuê dưới hình thức liên kết, đầu tư trái luật để TP Hải Phòng thực hiện chỉnh trang. Bởi sau khi TP Hải Phòng có quy hoạch 1/500 để thực hiện chỉnh trang Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp, lãnh đạo Cung này đã ký hàng loạt thỏa thuận liên kết, cho thuê hàng chục nghìn mét vuông đất trái luật để các cá nhân, tổ chức trên địa bàn sử dụng tại các khu đất đã được quy hoạch.

Như vậy, vụ việc “lùm xùm” xảy ra tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Tiệp đã được TP Hải Phòng chỉ đạo quyết liệt. Với những gì đã và đang xảy ra tại Trung tâm giới thiệu việc làm và đào tạo nghề sẽ được xử lý như thế nào?

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm