“Hai Phượng”: Bộ phim hành động vươn tầm Hollywood
“Hai Phượng” của Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và Đạo diễn Lê Văn Kiệt đã thu hút từ trước khi bấm máy khi Ngô Thanh Vân, diễn viên chính của bộ phim chia sẻ rằng đây sẽ là bộ phim hành động cuối cùng trong sự nghiệp diễn xuất của cô. Có một điểm đặc biệt đó là “Hai Phượng” được công chiếu đồng thời tại Mỹ và Việt Nam.
Nội dung phim Hai Phượng kể về bà mẹ "ngầu nhất Quả Đất" trong hành trình giải cứu con khỏi bọn bắt cóc. Hai Phượng (Ngô Thanh Vân) là một chị đại giang hồ đầu đội trời, chân đạp đất đi thu tiền bảo kê chẳng ngán đứa nào. Nhưng về nhà, chị sẵn sàng chịu hết tất cả tai tiếng và trở thành người mẹ hiền từ của Mai (bé Mai Cát Vy). Đường dây buôn bán trẻ em ra nước ngoài hoạt động xuyên suốt Việt Nam vô tình “bắt nhầm” con của chị và cái kết chắc ai cũng đoán được…
Trước khi làm phim, Ngô Thanh Vân hứa đưa phim Việt ra tầm thế giới và Hai Phượng đã làm được điều đó. Ngày 1/3 tới đây, phim sẽ được công chiếu tại Mỹ với tên Furie.
Trung Nghĩa khẳng định: “Phim Hai Phượng là phim hành động hay nhất của điện ảnh Việt Nam kể từ sau Dòng Máu Anh Hùng. Ở một góc độ nào đó Hai Phượng thật sự là phim hành động thuần Việt vươn đến đẳng cấp Hollywood”. Còn với đả nữ Ngô Thanh Vân, anh khen ngợi: “Có thể nói là nữ diễn viên hành động đáng nể phục nhất với hành trình Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng và nay rất chín muồi với vai diễn người mẹ tìm con trong Hai Phượng”.
Hai Phượng mời hai chuyên gia chỉ đạo võ thuật từ Hollywood, Yannick Ben và Kefi Abrikh – người đứng đằng sau những Jason Bourne, Lucy hay MI: Fallout…
Diễn xuất rất “chất” của dàn diễn viên “Hai Phượng”
Trong vai diễn hành động cuối cùng của sự nghiệp, Ngô Thanh Vân khiến giới mộ điệu không khỏi tiếc nuối: “Đến bao giờ, điện ảnh Việt Nam mới có một Ngô Thanh Vân thứ hai?”. Màn thể hiện xuất sắc của “chị đại” trên màn ảnh rộng không chỉ đến từ thực lực và kinh nghiệm dạn dày, mà còn cho thấy sự lăn xả quyết liệt, nghiêm túc đến cầu toàn của “đả nữ” khi vào vai Hai Phượng.
Ông Dương Trí Toàn làm việc trong lĩnh vực truyền thông ngợi khen Hai Phượng: “Sau “Người bất tử”, thì “Hai Phượng” làm cho mình có cảm giác phim Việt Nam đang thực sự phát triển, về kỹ thuật làm phim và cả tư duy của người làm phim. Hai Phượng có kịch bản theo motif phổ thông, nhưng được làm rất bài bản và không cần phải đưa ra những lời bào chữa kiểu “phim Việt Nam thế là được rồi”. Thực sự đã mắt với một phim hành động”.
Đáng chú ý, bất chấp lùm xùm bủa vây, Phạm Anh Khoa vẫn được xuất hiện trong Hai Phượng, vào vai gã đàn ông từng có quá khứ tội lỗi nhưng nay đã hoàn lương. Đảm nhận một vai diễn gai góc, có đến quá nửa cảnh quay là hành động, đánh đấm quyết liệt, Phạm Anh Khoa xuất hiện thu hút với chân dung vừa bất cần, khép kín, vừa khổ sở, đáng thương, khiến khán giả tưởng chừng như đâu đó trong nhân vật có hình bóng của chính anh ngoài đời.
Trong Hai Phượng lại có một "bóng hồng" đủ sức trở thành đối thủ xứng tầm của Ngô Thanh Vân. Đó là nữ diễn viên Hoa Trần trong vai bà trùm giang hồ Thanh Sói - người đứng đầu đường dây buôn bán trẻ em xuyên quốc gia đã bắt cóc con gái của Hai Phượng.
Được diễn xuất, được đọc thoại, được đảm nhiệm một vai diễn không hề nhỏ trong bộ phim có sự tham gia của ê kíp nước ngoài, có thể nói Hai Phượng là cơ hội "ngàn năm có một" với Hoa Trần sau hơn một thập kỷ chỉ được lướt qua màn ảnh một vài giây.
Và cô đã không hề bỏ phí cơ hội quý báu này. Hoa Trần đã thể hiện xuất sắc vai Thanh Sói trong từng biểu cảm lạnh lùng, dữ tợn cho đến những đường võ mạnh mẽ, chuyên nghiệp.
Rưng rưng tình mẫu tử của nữ quái giang hồ
Dù ở hoàn cảnh nào, khó khăn cách mấy, người mẹ cũng sẽ sẵn sàng đánh đổi tất cả để bảo vệ con của mình. Ngoài tình mẫu tử, bộ phim còn là lời cảnh tỉnh về sự tàn nhẫn của nạn bắt cóc trẻ em ở nước ta và cả trên toàn thế giới.
Cao trào phim bắt đầu khi bé Mai bị bọn buôn người bắt cóc. Từ đó, triền miên suốt phim là những cảnh hành động xen lẫn tâm lý căng thẳng của Hai Phượng trong hành trình tìm lại con gái.
Nhiều lần bị đánh đến thương tích đầy mình, rồi bị ném xuống sông suýt chết, nhưng Hai Phượng không bỏ cuộc, cũng không có giây phút để yếu đuối, khóc lóc. Cô dồn hết tất cả trí lực, căm phẫn, đau đớn vào hành động, chạy đua từng chút với thời gian ít ỏi. Trong những pha hành động, nổi bật lên là ánh mắt vừa căm phẫn vừa đau khổ, tuyệt vọng của Hai Phượng. Ở đó, là hình ảnh người mẹ, người đàn bà có thể chịu đựng mọi nỗi đau, trừ nỗi đau mất con.
Bà Minh Tuyền, một biên tập viên nổi tiếng về điện ảnh cũng khen tặng Hai Phượng nhiều mỹ từ, nhưng quan trọng hết “ai là con nên xem để thấy yêu mẹ mình hơn. Ai là mẹ nên xem để…khóc thương cùng nhân vật Hai Phượng. Chỉ một câu nói “Mẹ là một người mẹ tồi vì đã không bảo vệ được cho con” đã khiến mặt tôi chèm nhẹp nước mắt!”.