Hai vụ trộm & một nỗi oan

Buộc tội trộm cắp hoàn toàn không đơn giản khi người bị buộc tội không thừa nhận,  còn người buộc tội lại không cẩn thận khi thu thập chứng cứ.


 Buộc tội trộm cắp hoàn toàn không đơn giản khi người bị buộc tội không thừa nhận,  còn người buộc tội lại không cẩn thận khi thu thập chứng cứ.

Bắt hụt kẻ trộm..

Ảnh minh họa


Khoảng 7 giờ tối ngày 21/6/2009, anh Vũ Đức Mây phát hiện một tên trộm cởi trần, mặc quần ngắn đang mở khóa chiếc xe máy Nouvo của vợ chồng anh Vũ Đức Mây đang để trước cửa nhà anh, chị tại xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Khi anh Mây phát hiện tên trộm cũng là lúc hắn hoàn thành việc phá khóa. Rất nhanh chóng, tên trộm lên xe chạy mất. Vợ chồng anh Mây chỉ kịp nhìn thấy bóng chiếc xe và tên trộm từ phía sau.

 Không đuổi kịp tên trộm, anh Mây đã gọi điện cho em rể là Vũ Văn Tiến, người ở xã bên, chặn bắt tên trộm. Được tin báo, anh Tiến đã đi xe ra đường làng và đợi. Một lúc sau đã phát hiện một người đi xe máy Nouvo trắng, anh Tiến bật đèn pha và nhận ra chiếc xe của anh rể bị trộm cắp và cả tên trộm. Anh Vũ Văn Tiến lao cả xe máy vào chiếc xe để bắt trộm.

Khi cả hai xe đổ, anh Vũ Văn Tiến và tên trộm đã ngã trên đường. Sau đó, kẻ muốn chạy, người muốn bắt đã giằng co nhau một hồi. Lúc đó, thấy có người chạy đến hỗ trợ, đuổi bắt nên tên trộm đã bỏ chạy về phía cánh đồng, mất tích trong bóng tối. Theo anh Vũ Văn Tiến, tên trộm là Nguyễn Văn Thắng, người đã học cùng trường thời phổ thông với anh.

Ngay sau đó, Cơ quan điều tra đã có mặt và tạm giữ tang vật của vụ án. Biên bản vụ việc ghi nhận, việc bắt giữ bất thành tên trộm được thực hiện lúc 7 giờ 20 phút tối ngày 21/6/2009. Biên bản trình báo việc mất trộm do chính quyền xã An Mỹ lập cũng thể hiện, việc mất trộm xảy ra cùng thời điểm là 7 giờ 20 phút. Chỉ có điều, địa điểm mất trộm và bắt trộm lại cách nhau 10km.

Ngay hôm sau, Cơ quan điều tra đã làm việc với gia đình Nguyễn Văn Thắng và cũng không lâu sau đó, Nguyễn Văn Thắng bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “trộm cắp” tài sản. Căn cứ mà Cơ quan điều tra quy kết Nguyễn Văn Thắng phải chịu trách nhiệm cho vụ trộm bất thành trên là lời khai của Vũ Văn Tiến. Anh Tiến đã “nhận diện” được hung thủ, thế là đủ để xử lý.

Tuy nhiên, Nguyễn Văn Thắng lại một mực kêu oan. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án, Nguyễn Văn Thắng chỉ có một lời là “không trộm cắp chiếc xe Nouvo”.

Đi qua chiếc xe máy… thành kẻ trộm

Cũng giống như Nguyễn Văn Thắng, bị can Nguyễn Văn Minh cũng bị quy kết là trộm cắp xe máy trong một “vụ trộm bất thành” khác.

Ngày 01/2/2010, tại xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, Hà Nam, anh Trần Hữu Hùng dựng xe ở chân đê sông Hồng và làm việc dưới ruộng cách đó không xa. Khi ngẩng mặt lên, anh Trần Hữu Hùng phát hiện có người đang lúi húi gần chiếc xe máy của mình. Nghi là kẻ trộm, anh Trần Hữu Hùng đã đuổi theo “tên trộm” và hô hoán để mọi người trợ giúp. Một lúc sau, Trần Hữu Hùng và nhóm người đuổi bắt đã bắt được Nguyễn Văn Minh, giao cho công an xử lý.

 Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Minh không thừa nhận là trộm cắp mà khẳng định chỉ “đi ngang qua” chiếc xe. Chiếc xe vẫn đứng nguyên vị trí ban đầu, khóa càng chưa mở. Chủ xe cũng thừa nhận chỉ “nghi là trộm” nên đã hô hoán và đuổi bắt. Kết quả điều tra cũng thể hiện, ổ khóa điện của chiếc xe có vết lõm nhưng cơ quan điều tra không biết là do vật gì gây ra do không thu được “công cụ phạm tội” trên người “tên trộm”.

 Hai tên trộm bị quy kết là trộm cắp xe máy đều kêu oan. Nguyễn Văn Thắng đã bị TAND huyện Mỹ Đức kết án 18 tháng tù nhưng ngay sau đó, TAND thành phố Hà Nội đã hủy bản án sơ thẩm vì lời buộc tội có quá nhiều mâu thuẫn. Bên cạnh đó, các cơ quan buộc tội không những để lọt nhiều chứng cứ buộc tội quan trọng mà còn sử dụng lời khai mâu thuẫn của nhân chứng và bị hại. Không thể có tên trộm nào vừa trộm cắp lúc 7 giờ 20 và lại bị bắt cùng giờ đó nhưng ở chỗ khác, cách nơi trộm cắp 10 km.

Còn với Nguyễn Văn Minh, nếu người “bị hại” chỉ nghi ngờ mà Nguyễn Văn Minh đã phải ở tù về tội trộm, có lẽ việc đi qua tài sản của người khác cũng thật nguy hiểm.
     
  Bình Minh

Việc bị can không thừa nhận cáo buộc khiến cho bên buộc tội phải đối mặt với các oan án do thiếu chứng cứ. Luật sư Đặng Quý Chuyên (ảnh) nói gì về điều này?

Luật sư Đặng Quý Chuyên


 Thưa Luật sư Đặng Quý Chuyên, lời khai nhận tội của người bị buộc tội có vai trò như thế nào trong việc giải quyết các vụ án như trên?

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tố tụng. Vì vậy việc bị cáo nhận tội hay không không phải là vấn đề quyết định đến kết quả giải quyết vụ án. Tuy nhiên, lời khai nhận tội sẽ củng cố thêm chứng cứ cho việc chứng minh tội phạm.

Vì vậy, nếu bị can, bị cáo không nhận tội thì việc chứng minh tội phạm sẽ trở nên khó khăn, trách nhiệm chứng minh tội phạm của cơ quan tố tụng càng cao. Nhiều vụ án trở nên bế tắc vì người bị buộc tội đã phủ nhận cáo buộc.

Với những vụ án mà người bị buộc tội gần như bị “bắt quả tang” như trên thì việc “chối tội” là vô nghĩa, thưa ông?

Không vô nghĩa mà ngược lại, việc họ phủ nhận cáo buộc đã dẫn đến khả năng cơ quan điều tra không chứng minh được người thực hiện tội phạm.

Hai vụ việc nêu trên có điểm khác nhau về việc bắt giữ người được cho là thủ phạm nhưng giống nhau ở cùng một điểm là mối liên hệ giữa người bị truy tố với vụ trộm cắp. Chứng cứ nào chứng minh họ là người thực hiện vụ trộm là yếu tố quan trọng nhất thì ở cả hai vụ án đều không có. Vì thế, cùng với việc họ chối tội, cơ quan điều tra đã không có tài liệu buộc tội họ nên rất có thể các cơ quan chức năng phải xác định là họ vô tội.

Nhưng đã có nhân chứng nhìn thấy họ thực hiện hành vi trộm cắp, đó là chứng cứ quan trọng, thưa ông?

Cả hai vụ án đều chỉ sử dụng lời khai của nhân chứng. Nhưng lấy gì đảm bảo lời khai đó là đúng. Theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, không được sử dụng những lời khai của nhân chứng và bị hại làm chứng cứ duy nhất để buộc tội. Lời khai của nhân chứng càng không thể sử dụng được khi lời khai mâu thuẫn với các chứng cứ, nội dung khác của vụ án như thời gian, địa điểm phạm tội.

Trong vụ án ở Mỹ Đức, nhân chứng khai “đụng” nhau với tên trộm cùng thời điểm mà bị hại khai là nhìn thấy tên trộm đang trộm cắp nhưng hai địa điểm cách nhau 10km. Như thế, khó có thể sử dụng lời khai đó để buộc tội.

Vậy, trong những vụ án phức tạp như thế này, chứng cứ gì là quan trọng nhất mà  Cơ quan điều tra phải chứng minh?

Dấu vết của người thực hiện hành vi phạm tội. Các dấu vân tay, tóc… hoặc dấu vết khác có mối liên hệ rõ ràng với cá nhân nào đó. Trong thực tế, tội phạm thường xóa các dấu vết này khi thực hiện xong tội phạm. Vì thế, khi điều tra, cơ quan điều tra phải thận trọng, thu thập chứng cứ một cách thận trọng, nghiêm túc và đúng pháp luật.

Cả hai vụ trộm đều là trộm cắp xe máy, dấu vết của kẻ trộm lưu lại trên xe nhưng tôi không thấy cơ quan điều tra trong cả hai vụ trộm này có biên bản kiểm tra dấu vết, thu dấu vân tay hoặc các dấu vết khác trên xe mà tên trộm để lại trong quá trình trộm cắp. Như thế, khó mà chứng minh ai là kẻ trộm và việc buộc tội bất thành cũng là chuyện thường tình.

       Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm