“Hâm nóng” tháng du lịch thấp điểm

(PLVN) - Bước sang tháng 8, khi thời tiết bắt đầu có nhiều thay đổi, học sinh, sinh viên kết thúc kỳ nghỉ thì mùa du lịch hè năm 2024 đang dần “hạ nhiệt”. Bài toán “hâm nóng” những tháng du lịch thấp điểm trong thời gian sắp tới đang là vấn đề được nhiều tỉnh, thành phố quan tâm.
Du lịch cần có những sản phẩm mới và tạo mối liên kết để thu hút khách quanh năm. (Ảnh minh họa: Hồ Tùng Phương)

“Thổi làn gió mới” cho du lịch

Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, do địa hình khí hậu, nhu cầu của người dân mà du lịch Việt Nam vẫn còn tính “thời vụ”. Vào mùa du lịch, các địa điểm luôn đông khách, chật kín buồng phòng. Ngược lại, vào mùa du lịch thấp điểm, du khách đến các tỉnh, địa phương thưa thớt. Vì vậy, tạo ra nhiều bất cập như người dân làm du lịch “ăn xổi” chèn ép, câu kéo du khách. Đặc biệt, du lịch “thời vụ” khiến cho nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng Việt Nam tràn ngập rác thải, ô nhiễm môi trường nặng nề.

Xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, hiện nay, nhiều địa phương đã bắt đầu liên tục đổi mới sản phẩm du lịch, nhằm thu hút du khách đến quanh năm, phát triển du lịch bốn mùa. Lấy ví dụ như Quảng Ninh luôn là một tỉnh dẫn đầu về du lịch ở miền Bắc. Du khách luôn tấp nập đến tham quan, thư giãn, nghỉ ngơi tại tỉnh Quảng Ninh suốt bốn mùa trong năm. Ngoài du lịch hè tắm biển, vui chơi, giải trí, tỉnh đầu tư rất mạnh về du lịch tâm linh, văn hóa, như tổ chức tháng du lịch tâm linh; các sự kiện đặc sắc mang đặc trưng vùng miền như: mùa vàng Bình Liêu, mùa thu Yên Tử, nghỉ dưỡng khoáng nóng Onsen Quang Hanh..., triển khai hoạt động cho du khách trải nghiệm tại cơ sở sản xuất gốm sứ mỹ nghệ, các khu vui chơi giải trí tại Mạo Khê, khu du lịch Quảng Ninh Gate, các điểm du lịch sinh thái vườn đồi, du lịch trải nghiệm.

Du lịch thể thao đang là một xu hướng “hâm nóng” mùa du lịch Thu Đông ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Nhờ có các cuộc thi thể dục thể thao quần chúng, hàng nghìn người từ khắp nơi đã đổ về các địa phương tham gia thi đấu. Tháng 3 vừa qua, tại Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, giải siêu Marathon Việt Nam 2024 đã được tổ chức thành công. Giải đã thu hút được hơn 2.200 vận động viên đến từ 38 quốc gia. Ðây là giải thể thao lớn, mang ý nghĩa thiết thực, nhằm thu hút, quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch trong tỉnh. Tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), cuộc thi ba môn phối hợp nằm trong sự kiện BIM Group Ironman 70.3 Phú Quốc, NewBorns Runout Việt Nam, Sunrise Sprint và Ironkids năm 2023 thu hút hơn 2.300 vận động trong nước và nước ngoài tới tham gia.

Ở một số địa phương đang áp dụng du lịch tái tạo để phát triển du lịch bốn mùa. Du lịch tái tạo thiết lập tour cho khách trải nghiệm không gian thiên nhiên, thân thiện, hạn chế thải khí carbon ra môi trường. Ví như trekking (đi bộ) đường dài; đạp xe; cắm trại; thư giãn trong các khu rừng nguyên sinh; thăm các khu bảo tồn động vật hoang dã,... Như tỉnh Tuyên Quang từng cho biết, tỉnh sẽ xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng, phù hợp với từng mùa, để thu hút khách suốt cả năm. Đối với mùa hè, là cơ hội để phát triển các điểm du lịch hè hấp dẫn như tắm hồ, trekking, khám phá làng bản. Đối với mùa Thu Đông, Xuân Hạ, có các tour đi thăm cây cổ thụ ngàn năm và các địa điểm nổi tiếng như Na Hang - Lâm Bình, Tân Trào, Cham Chu không chỉ sở hữu vẻ đẹp hoang sơ mà còn là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật quý hiếm ghi trong Sách Đỏ.

Tạo liên kết giữa các địa phương

Mỗi tỉnh, thành phố Việt Nam đều có khí hậu, cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa ẩm thực, di tích lịch sử,... độc đáo, riêng biệt. Trong những mùa du lịch “hạ nhiệt”, việc các địa phương, công ty du lịch lữ hành liên kết xây dựng những tour du lịch mới, hạ giá combo, sản phẩm du lịch sẽ tiếp tục duy trì, thu hút được một lượng khách nhất định đến tham quan.

Vào mùa mưa bão ở một số tỉnh, thành phố tại Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) là một ví dụ, khi vào mùa mưa bão (khoảng cuối tháng 9 đến tháng 12), biển động, sóng lớn, cơn mưa lâm râm không dứt khiến cho thành phố rơi vào tình trạng “đóng băng du lịch”. Để “hâm nóng” du lịch mùa thấp điểm, thành phố đã thu hút du khách nước ngoài như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc,... đến nghỉ dưỡng, tránh rét mùa đông. Đặc biệt, nhận thấy khách ở các địa phương lân cận và Tây Nguyên thường đến Nha Trang nghỉ dưỡng vào những dịp cuối tuần, Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã liên kết để giới thiệu sản phẩm. Ông Lê Văn Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk từng chia sẻ, Hiệp hội, Chi hội lữ hành của Khánh Hòa và doanh nghiệp ở Đắk Lắk giới thiệu những sản phẩm để trao đổi chéo. Đắk Lắk sẽ có cơ hội để giới thiệu các sản phẩm cho người dân Khánh Hòa. Khách Đắk Lắk xuống Khánh Hòa rất đông, Đắk Lắk vừa được mùa sầu riêng, người dân có thu nhập tốt sẽ đi du lịch và sẽ đi Khánh Hòa.

Còn vào mùa du lịch thấp điểm ở miền Bắc, hiện nay, các địa phương rất năng động liên tục đưa ra các tour du lịch hấp dẫn. Ngành Du lịch tỉnh Phú Thọ cũng đang triển khai có hiệu quả Chương trình Liên kết Hợp tác Phát triển Du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, với Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tạo nên nhiều tuyến liên kết du lịch hấp dẫn nhằm thu hút khách như “Hành trình Về nguồn”, “Du lịch Liên kết - Vòng cung Tây Bắc”, “Tour Du lịch hàng ngày Hà Nội - Phú Thọ”, Chương trình Du lịch Quốc tế Đường sông với loại hình “Du lịch Văn hóa Di sản - Trải nghiệm Làng nghề”... liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ qua việc đón khách du lịch từ Sân bay Nội Bài đến du lịch, lưu trú tại Phú Thọ và đi tham quan các tỉnh Tây Bắc.

Đọc thêm