Hạn chế đăng ký lại khai sinh, khai tử, kết hôn

(PLO) - Chiều 21/8, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Hội đồng thẩm định đã tiến hành thẩm định Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch. 
Ảnh minh họa
Các thành viên Hội đồng hoan nghênh Dự thảo Nghị định đã thể hiện được tinh thần cải cách của Luật Hộ tịch nhưng cần hoàn thiện hơn nữa một số quy định nhằm bảo đảm tính khả thi.
Mạnh dạn bỏ thủ tục phỏng vấn trong kết hôn có yếu tố nước ngoài
Giới thiệu Dự thảo Nghị định, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết những nội dung cơ bản mà Dự thảo điều chỉnh. Đáng chú ý, Dự thảo Nghị định có bước cải cách mạnh mẽ khi không quy định thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại UBND cấp huyện. 
Theo phản ánh của nhiều địa phương và thực tế triển khai quy định phỏng vấn khi giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thời gian qua cho thấy, biện pháp này chưa đem lại hiệu quả thiết thực, còn mang tính hình thức; trình độ, năng lực của công chức làm công tác hộ tịch cấp tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến tâm lý sợ trách nhiệm, gây phiền hà với người dân, dễ phát sinh tiêu cực. 
Vì vậy, nhằm bảo đảm lợi ích của người dân, tránh gây phiền hà, tiết kiệm thời gian và chi phí hành chính thì việc cải cách thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài theo hướng xóa bỏ việc phỏng vấn là cần thiết. 
Tuy nhiên, để bảo đảm việc thực hiện chức năng quản lý về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trong trường hợp cần thiết, Dự thảo Nghị định giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp căn cứ tình hình thực tế quy định bổ sung thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.
Nhiều ý kiến nhất trí với việc bỏ thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Bởi quy định về việc bỏ khâu phỏng vấn khi giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cùng một số cải cách khác đã góp phần giảm tải khối lượng công việc cho cơ quan đăng ký hộ tịch cấp trên, tăng thời gian thực hiện nhiệm vụ quản lý, đồng thời tạo thuận lợi cho cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính. 
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có đề nghị tiếp tục quy định thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài để làm rõ tính tự nguyện và hiểu biết của các bên, bảo đảm chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi của các bên. Một số ý kiến khác đề nghị chỉ quy định thủ tục phỏng vấn đối với một số trường hợp cần thiết và quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn của người phiên dịch, kinh phí chi cho phiên dịch.
Giới hạn trường hợp đăng ký lại sự kiện hộ tịch
Thực hiện quy định tại Khoản 2 Điều 76 Luật Hộ tịch, Dự thảo Nghị định thủ tục đăng ký lại khai sinh, khai tử, kết hôn theo hướng chỉ đăng ký lại đối với việc khai sinh, khai tử, kết hôn đã được đăng ký trước ngày 1/1/2016 nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch không còn lưu giữ được. 
Riêng đối với việc đăng ký lại kết hôn thì cả hai bên nam nữ đều phải còn sống vào thời điểm yêu cầu; việc đăng ký lại khai sinh cũng được làm trong trường hợp sổ đăng ký khai sinh trước đây còn lưu giữ song không có nội dung đăng ký khai sinh của cá nhân nếu có yêu cầu. Căn cứ đăng ký lại phải là bản sao giấy tờ hộ tịch hợp lệ được cấp trước đây. 
Trường hợp không có bản sao giấy tờ hộ tịch được cấp hợp lệ trước đây thì dựa vào hồ sơ, giấy tờ cá nhân nếu có sự thống nhất về các thông tin hộ tịch cần đăng ký. Trường hợp hồ sơ, giấy tờ không thống nhất về thông tin hộ tịch thì căn cứ vào hồ sơ, giấy tờ được cấp chính thức hợp lệ đầu tiên.
Đối với việc đăng ký lại khai sinh cho cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về những nội dung khai sinh của người đó như họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha con, mẹ con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị quản lý. Nội dung đăng ký lại được xác định theo hồ sơ cán bộ, công chức được lập chính thức hợp lệ đầu tiên của người đó.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang băn khoăn với quy định về đăng ký lại khai sinh theo hồ sơ cán bộ, công chức được lập hợp lệ đầu tiên vì không phải trường hợp nào các giấy tờ trong hồ sơ cũng đều thống nhất. Cho biết Bộ Y tế đã từng xin ý kiến Bộ Tư pháp đối với một trường hợp công chức của Bộ Y tế trong đăng ký lại khai sinh, bà Trang kiến nghị Dự thảo Nghị định phải nêu rõ sẽ xác định theo giấy tờ nào trong hồ sơ cán bộ hoặc xác định nội dung nào là nội dung chính trong hồ sơ cán bộ để làm căn cứ đăng ký lại khai sinh. 
Bà Phạm Hồ Hương (Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp) giả định thêm trường hợp để đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập cân nhắc thêm như trường hợp hỏng sổ bộ hộ tịch, trường hợp mất cơ sở dữ liệu điện tử có thể xảy ra. 
Qua đó, theo bà Hương, nên chăng có quy định tính đến khi có trục trặc về cơ sở dữ liệu điện tử sẽ được giải quyết ra sao. Ngoài ra, bà Hương cho rằng cũng cần xác định giấy tờ nào làm căn cứ xác định sự kiện hộ tịch đối với người đã chết khi người liên quan muốn tiến hành đăng ký lại khai sinh để làm thủ tục thừa kế. 

Đọc thêm