Đắm đuối với tem phiếu, vất vả vì tiền
Anh Nguyễn Văn Thạo (SN 1966) được mệnh danh là “vua tiền kháng chiến, tem phiếu” đất Bắc bởi anh đang sở hữu bộ sưu tập đồ sộ và quý hiếm.
Đối với nhiều người, tem phiếu chỉ là mảnh giấy lộn. Nhưng với anh Thạo, nó lại lấp lánh những giá trị văn hóa, lịch sử. Anh xót xa những đồng tiền ấy bị bán thành đồng nát hoặc mục nát trong kho giấy vụn. Năm 1994, trong một lần đi ra phố, anh chợt nhìn thấy những tờ tem phiếu bị vứt lẫn lộn ở đống giấy vụn của bà đồng nát. Xót xa kỷ vật một thời bị làm giấy vụn, anh mua lại số tem phiếu ấy.
Anh Thạo cho hay, thời bao cấp có rất nhiều loại tem phiếu, không thể nhớ hết được. Nếu sưu tầm đầy đủ có lẽ lên đến ngàn loại. Suốt 20 năm sưu tầm, anh Thạo có một gia tài tem phiếu đáng nể. Ngộ nghĩnh hơn, trong gia tài ấy còn có phiếu mua hàng cưới. Phiếu mua hàng này là của một người đàn ông ở Bắc Ninh từng công tác ở Hà Nội. Năm 1978 ông ấy được cơ quan cấp cho một phiếu mua hàng sắm đồ cưới.
Suốt hơn 30 năm, ông ấy giữ cẩn thận như một kỷ niệm khó phai mờ. Quá yêu thích phiếu này, anh Thạo “nịnh” ông ấy để được sở hữu phiếu mua hàng. Đổi lại, anh tặng ông một số kỷ vật chiến tranh. Anh Thạo hào hứng: “Phiếu mua hàng cưới này rất hiếm. Nó chỉ tồn tại vài tháng vì Nhà nước không in thêm”.
Ngoài các tờ tem phiếu, anh còn có một số tờ tiền quý ra đời trong những năm chiến tranh. Đưa đồng tiền được đóng dấu rất hiếm, anh Thạo bật mí: “Tiền đóng dấu ra đời giai đoạn 1948-1952, quân giải phóng của mình đến đâu, chiếm lĩnh vùng đất nào đó thu được rất nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có những tờ tiền. Người dân đã sử dụng đồng tiền ấy, đóng dấu của những ủy ban, thậm chí đóng dấu ở các làng xã. Đồng tiền nào có dấu thì được lưu thông”.
Thời điểm chiến tranh loạn lạc cũng là lúc đồng tiền được sử dụng một cách linh hoạt nhất. Thậm chí vì quá hiếm tiền, người ta không ngần ngại chấp nhận xé đôi đồng tiền để tiêu. Không những vậy, tiền còn là khẩu hiệu, là truyền đơn tuyên truyền cách mạng, ủng hộ kháng chiến. Có một cách mà cả địch và ta đều dùng, đó là in tiền song song cùng truyền đơn. Một mặt sẽ in hình đồng tiền, mặt sau in chữ. Ai cũng nghĩ đó là tiền và khi nhặt được, họ phát hiện ra truyền đơn. Cũng có khi người ta in truyền đơn vào một góc của đồng tiền và khi cắt phần truyền đơn đó đi, đồng tiền sẽ được sử dụng bình thường.
Vượt qua lời dị nghị “hâm, dở” để có bộ sưu tập
Sưu tầm tem phiếu, tiền kháng chiến là cả một hành trình tìm kiếm, đòi hỏi người sưu tầm phải bỏ thời gian, công sức và cả tiền bạc. Có những lúc trong nhà không còn một đồng nào, anh Thạo đã phải bán đi nhiều thứ, thậm chí cả những vật dụng của gia đình để có được tờ tiền hiếm.
Anh thường xuyên đến những nơi thu gom đồng nát, cửa hàng sách cũ để lục tìm. Một “kênh” khác là anh đi tới nhà các cán bộ thời xưa, các cựu chiến binh để sưu tầm. Khi biết anh muốn lưu giữ kỷ vật, rất nhiều bạn bè, người quen hoặc chưa từng biết mặt đến tặng anh. So với tem phiếu, tiền kháng chiến là tiền khó sưu tầm nhất vì phải trực tiếp lên tận chiến khu xưa, cả vùng Cao - Bắc - Lạng, Hà - Tuyên - Thái (cũ) để tìm.
Những ngày trèo đèo lội suối lên non để có được đồng tiền mình mong muốn là những ngày tháng anh không bao giờ quên. Có những địa bàn đi xe máy vào rồi bị cô lập mấy ngày không thể đi ra, thậm chí phải nhờ người dân bản nhấc xe qua vì gặp núi sạt lở, hoặc đường lầy lội do mưa.
Sưu tầm đã khó, giữ gìn chúng còn khó hơn. Để giữ chúng, anh Thạo phải đóng khung kính, phủ vải kín tránh ánh sáng làm phai màu đồng tiền. Ngoài ra, nhiệt độ bảo quản cũng rất quan trọng, luôn phải bật điều hòa giữ không khí khô ráo trong những ngày nồm để tiền không bị ẩm mốc.
Đã có một thời, khi thú sưu tầm đồ xưa chưa tạo nên phong trào, kẻ sưu tầm đồ quý vô danh ấy cảm thấy đơn độc, thậm chí còn bị nhiều người cho là... “hâm” vì toàn đi nhặt nhạnh tờ tiền bỏ đi. Nhưng anh Thạo đã vượt lên những dị nghị ấy để thực hiện niềm đam mê của mình, cũng là cách lưu giữ quá khứ.
Những đồng tiền kháng chiến, quyển sổ lương thực, tờ tem phiếu... đã làm sống lại cả một thời kì không dễ quên. Thông qua chúng, giới trẻ thời @ sẽ hiểu những thăng trầm của từng giai đoạn lịch sử, thậm chí cả những dâu bể đời người và có khi còn là cả triết lý sống của một dân tộc.