Ma lực sông Hồng…
Ông Nguyễn Văn Mạnh (nhà ở phố Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là con út trong một gia đình đã có 3 đời làm nghề chài lưới trên sông. Thừa hưởng sự thông minh trong đánh bắt cá của các cụ đi trước, ông đi sông rất “mát tay”. Cá vào nhiều vô kể, toàn những loại cá to, trên 1kg. Đánh bắt cả đêm đến khoảng 5-6h sáng thì ông neo thuyền vào bãi gần chợ để bán lại cho tiểu thương. Bán xong, ông lại ngay lập tức xuống thuyền, tìm đến bãi đỗ của mấy anh em trong cùng nhóm chài lưới, neo thuyền vào nhau, cùng nhau ăn uống, chuyện trò, chờ đến đêm để đánh bắt tiếp. Ngày nào cũng một lịch trình như thế nhưng câu chuyện của họ chưa bao giờ thôi rôm rả.
Ông Mạnh cho biết, ông chủ yếu ăn ngủ ở thuyền, sáng chủ nhật hàng tuần thì lên bờ, về ở với con cháu, thăm thú anh em, họ hàng đến tối thứ hai lại ra thuyền, làm bạn với sông nước. Nơi tụ tập nghỉ ngơi của họ chỉ cách nhà chưa đến chục cây số nhưng họ vẫn thích sống kiếp lênh đênh hơn, vẫn thích được thưởng thức cái nắng, cái gió của sông Hồng, sự dập dềnh của từng con nước, ngồi ngắm từng đoàn cá nhỏ bơi lội tung tăng hơn... “Thực sự sông Hồng như có một ma lực nào đó, gần rồi thì khó có thể rời xa” - ông Mạnh khẳng định.
Được ngồi cùng họ ăn một bữa cơm, được chứng kiến cách chuyện trò, trêu trọc và mang đến cho nhau những tràng cười sảng khoái, chúng tôi hiểu được tại sao họ lại yêu sông nước đến vậy, tại sao họ không về nhà ngơi nghỉ trong khoảng thời gian chờ đến đêm đánh cá mà neo lại thuyền. Phải có tình yêu với sông nước mãnh liệt lắm họ mới chọn cuộc sống trên sông, dù ngôi nhà trên cạn của họ không thiếu thốn một thứ gì.
Trên sông, bãi sông là bể tắm, con thuyền kiêm luôn một ngôi nhà với đầy đủ giường nằm, bếp dầu, nồi cơm, nước sạch… Ông Mạnh đùa: “Trông con thuyền nhỏ bé, tròng trành thế này thôi nhưng như căn nhà 2 tầng đấy”. Nói rồi ông nạy vài thanh gỗ sàn tàu ra, bên dưới, tầng hầm là nơi đựng chiếc bếp dầu và đầy đủ các loại phụ gia phục vụ cho công việc nấu nướng. Chúng tôi lên tiếng muốn được trải nghiệm một bữa ăn lênh đênh trên tàu. Tức thì vợ ông Mạnh dậy, lấy cá, ra sông làm sạch rồi mang về “nhà” mình để rán. Những câu chuyện về những đêm đánh cá dường như không bao giờ dứt…
Ông Mạnh và “căn nhà 2 tầng” yêu thương của ông |
Ông Mạnh kể về những lần quăng lưới, vớ phải đá tảng, kéo lên thấy nặng đã mừng thầm trong bụng, ai ngờ… Rồi ông kể chuyện ông gặp ma chơi, nhập vào những con cá, trêu đùa mấy anh em khiến họ cũng tái mặt… Rồi câu chuyện rôm rả hơn khi nhắc đến những chàng Adam (những người khỏa thân tắm sông, đá bóng trên bãi cát).
Ông Nguyễn Văn Cường (anh trai ông Mạnh) bày tỏ: “Từ ngày Adam ra bãi tắm, dân bãi giữa ngại đi lại hẳn. Họ quen với ruộng đồng hoang sơ, quen với bãi cát mới bồi còn nguyên mùi nhưng họ không thể quen được với hình ảnh những anh chàng khỏa thân chạy tồng ngồng trên bãi”.
Rồi ông kể, có lần ông gặp một người phụ nữ phải ra bãi làm cỏ nhưng không dám đi vì phải ngang qua bãi tắm Adam, ông liền cho người này lên thuyền, ngang qua bãi tắm ấy mà người ta lóng ngóng cứ như mình có tội gì đó. Vợ ông Mạnh ngồi trong giường cũng góp vui: “Ôi, lại còn đá bóng nữa cơ, một đội khỏa thân, một đội mặc quần sịp”. Cả mấy thuyền cùng cười, cười ra nước mắt. Ông Cường bảo, có khi chỉ vì những anh chàng Adam này mà một bộ phận dân bãi giữa đói ăn vì không dám đi làm.
Bám sông, mở mặt với đời
Anh Bùi Văn Sáu (45 tuổi, quê ở Hưng Yên) đã làm nghề đánh cá từ năm 15 tuổi. Lớn lên thì thoát ly làm công nhân lò gạch, làm thợ hồ… nhưng đến khi lấy vợ thì thu nhập từ nghề không đủ tiền để cáng đáng gia đình. Lúc này anh mới quyết định lên Hà Nội làm thuê. Làm vài nơi cũng không thay đổi được gì, anh chợt nghĩ đến việc đi đánh cá sông Hồng. Lần mò ra sông, tiếp cận mấy anh em làm nghề chài lưới, chuyện trò thấy hợp nhau, ai cũng quý mến anh chàng quê Hưng Yên ngoan ngoãn nên giúp đỡ nhiệt tình. Anh Sáu quyết định về dốc hết tài sản sắm một con thuyền, ra nhờ các bác đăng ký giúp tạm trú ở phường rồi bắt đầu quăng lưới.
Anh Bùi Văn Sáu tranh thủ đan lưới đánh cá. |
Như một mối duyên gì đó, anh Sáu thường xuyên bắt được những con cá chày hơn một kilôgam, thu nhập từ nghề đánh cá đủ để nuôi các con ăn học. Đứa lớn nhà anh đã học năm 2 Đại học Công nghiệp Hà Nội, đứa thứ hai đã tốt nghiệp trung cấp, đứa thứ ba đang học lớp 11. Vợ thì bán nước chè ở cửa khẩu Lạc Long Quân, thi thoảng lại xuống thuyền thăm chồng mỗi khi nhớ nhau, còn anh Sáu gần như bị sông Hồng mê hoặc, khi nào có việc mới cắt ngày, cắt buổi lên bờ.
Khu vực neo đậu tàu thuyền của họ lúc nào cũng rền vang tiếng cười, tiếng chuyện trò. Chuyện nhà cửa, con cái học hành đều chia sẻ hết cho bạn thuyền chài, gần như chuyện gì của anh Sáu, ông Mạnh, ông Cường đều biết và ngược lại. Họ vẫn cùng bông đùa nhau câu chuyện anh Sáu mang mấy tạ cá về lát đường ở quê. Hỏi kỹ ra mới biết, đợt vừa rồi, quê anh Sáu tổ chức làm đường nông thôn, mỗi khẩu đóng 700.000 đồng, nhà anh Sáu có 5 khẩu, phải đóng 3,5 triệu đồng, quy ra cá chày hết cả 3-4 tạ cá nên mới có tích “lót cá làm đường” mà họ vẫn thi thoảng mang ra để cười vui cho quên ngày, quên tháng.
Ông Cường được tiếng là sát cá. Mỗi ngày vợ chồng ông đi sông kiếm được cả triệu bạc. Các anh em neo thuyền lại sông thì đánh cá không kể thời gian, có hôm đánh cả ngày nhưng riêng ông Cường thì chỉ ở lại đánh đến sáng rồi lên bờ, tối mới lại xuống sông. Ông Cường còn cho biết, có nhiều lần bạn bè, hàng xóm thuê thuyền của ông đi lên gầm cầu Nhật Tân, đoạn qua bãi giữa để tổ chức sinh nhật cho người thân. Cảm giác được uống rượu, ăn cơm ngay bên sông nước rất thú vị. Chả thế mà đã mọc ra bao nhiêu nhà hàng nổi trên sông.
Ông Cường cũng đã từng thoát ly làm công nhân, lấy phiếu, tem gạo nuôi con, cố gắng không dính đến nghề cha truyền con nối. Nhưng rồi người lớn, miệng ăn tăng, ông lại bỏ nhà nước theo nghề của bố mẹ, tiếp tục quăng lưới, kiếm sống trên sông. Họ bảo, xây cái nhà, mua cái bếp đều nhờ con cá mà ra. Mưa gió lại càng phải bám sông nước vì nước lên thì cá cũng đánh bắt dễ hơn. Ngày nước trong cá rất dễ tránh lưới, còn ban đêm, nước lên, dòng chảy xiết hơn, cá không biết đường trốn nên đánh bắt được nhiều. N.T