Hạn chế nhập ô tô theo hình thức quà biếu

(PLO) - Xe ôtô và xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng, bị khống chế về số lượng.
Hạn chế nhập ô tô theo hình thức quà biếu

Theo quy định tại Thông tư số 143/2015/TT-BTC  do Bộ Tài chính ban hành, về thủ tục hải quan và quản lý xe ôtô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại, mỗi năm, các tổ chức, cá nhân chỉ được phép nhập khẩu 1 xe ô tô và 1 xe gắn máy do tổ chức, cá nhân nước ngoài biếu, tặng.

Các đối tượng được nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, gắn máy theo quy định tại Thông tư gồm: Người Việt Nam định cư tại nước ngoài là trí thức, chuyên gia, công nhân lành nghề về nước làm việc trong thời gian từ một năm trở lên theo lời mời của cơ quan Nhà nước Việt Nam.

Đối tượng thứ hai là chuyên gia nước ngoài tham gia quản lý và thực hiện các chương trình, dự án ODA tại Việt Nam đảm bảo điều kiện được tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy quy định tại Quyết định số 119/2009/QĐ-TTg ngày 01/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ.  Ngoài ra, Thông tư cũng còn áp dụng với Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy theo quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; các đối tượng khác được nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy không nhằm mục đích thương mại theo quy định của pháp luật có liên quan…

Theo Thông tư, điều kiện nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành đối với xe ô tô đã qua sử dụng hoặc xe ô tô chưa qua sử dụng. Riêng đối với xe gắn máy NK, tạm NK phải là xe chưa qua sử dụng, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy (QCVN14: 2011/BGTVT).

Xe gắn máy nhập khẩu, tạm nhập khẩu phải thuộc loại được phép đăng ký, lưu hành tại Việt Nam (trừ trường hợp nhập khẩu, tạm nhập khẩu không đăng ký, lưu hành để làm mẫu, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, triển lãm, nghiên cứu, thử nghiệm).

Về căn cứ tính thuế, Thông tư cũng quy định rõ: Căn cứ để tính thuế đối với xe ô tô, xe gắn máy khi chuyển nhượng là trị giá tính thuế, thuế suất và tỷ giá tại thời điểm đăng ký tờ khai mới. Trong đó, trị giá tính thuế thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc xác định giá trị hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thuế suất để tính thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng áp dụng theo mức thuế tại thời điểm đăng ký tờ khai mới.

Về thủ tục, muốn nhập khẩu, tạm nhập khẩu, phải có văn bản đề nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy có xác nhận của cơ quan chủ quản về thân phận của người đề nghị; hoặc có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức về các thông tin trong văn bản đề nghị; hoặc có xác nhận về địa chỉ thường trú của Công an xã, phường, thị trấn. Trong đó ghi rõ nhãn hiệu xe, đời xe (model), năm sản xuất, nước sản xuất, màu sơn, số khung, số máy, dung tích động cơ, tình trạng xe và số km đã chạy được (đối với xe ô tô đã qua sử dụng): 1 bản chính.

Hồ sơ đề nghị cấp phép cũng phải có hộ chiếu; hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hoặc sổ hộ khẩu; vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đường và một số loại giấy tờ khác liên quan như: Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu xe ở nước ngoài hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoặc giấy chứng nhận lưu hành xe hoặc giấy hủy đăng ký lưu hành xe…

Đối với thủ tục tái xuất khẩu xe ô tô, xe gắn máy đã tạm nhập khẩu miễn thuế, các đối tượng thực hiện thủ tục tái xuất xe trong thời hạn ít nhất 30 ngày trước khi kết thúc thời hạn công tác tại Việt Nam theo xác nhận của cơ quan chủ quản. Thủ tục tái xuất khẩu được thực hiện tại chi cục hải quan cửa khẩu.

Khi chuyển nhượng, cho, tặng xe ô tô, xe gắn máy đã tạm nhập khẩu miễn thuế, các đối tượng phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng trong thời hạn ít nhất 30 ngày trước khi kết thúc thời hạn công tác tại Việt Nam theo xác nhận của cơ quan chủ quản. Đối với xe của cơ quan thì thủ tục chuyển nhượng được thực hiện trước khi chuyển giao xe cho đối tượng nhận chuyển nhượng.

Đọc thêm