Hạn chế sự lũng đoạn của tranh giả bằng cách nào?

(PLVN) -  Tháng 9 vừa qua, việc xuất hiện một số tranh Việt giả ở sàn đấu giá nước ngoài đã gây bất bình cho giới họa sĩ, giám tuyển lẫn người nhà của các họa sĩ Việt Nam. Đặc biệt, tranh Đông Dương bị làm giả được đấu giá lên tới hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng đã làm tổn hại uy danh thế hệ vàng Việt Nam với giới mỹ thuật thế giới.
Ảnh minh họa

Mê hồn trận giữa tranh thật - tranh giả

Giữa tháng 9/2021, tranh Đông Dương xuất hiện trên các sàn đấu giá đã gây bức xúc cho nhiều nhà nghiên cứu tại Việt Nam. Thông tin về việc có 3 bản khác nhau của cùng một tác phẩm “Trà đàm” của danh họa Mai Trung Thứ, trong đó có một bức sẽ có mặt trong phiên sắp tới của nhà đấu giá Aguttes (Pháp) đã gây thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật và sưu tập tranh Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Lê Huy Tiếp đặt nghi vấn về việc Bùi Xuân Phái bị giả 6 tranh, Lê Phổ bị giả 1 tranh trên trung tâm đấu giá Drouot (Pháp). Bức “Gia đình” (vẽ người đàn bà có hai bàn tay trái) được cho là của Lê Phổ vẽ năm 1938 - 1940 “là giả 100%”. Theo phân tích, bức tranh đã vẽ sai hình họa, yếu kém về màu so với các tranh lụa của Lê Phổ nói chung.

Bức sơn mài “Phong cảnh” ghi là “có chữ ký và vẽ năm 1940”, được cho là của Nguyễn Gia Trí cũng là giả với xác suất 90%, do có nhiều mức độ trùng lặp các chi tiết trong bức sơn mài “Cảnh chùa Thầy” của danh họa Hoàng Tích Chù vẽ năm 1944, hiện trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ngày 28/9/2021, họa sĩ Lê Huy Tiếp thông qua một nhà nghiên cứu mỹ thuật tại Pháp để truyền tải sự bức xúc tới trung tâm đấu giá Drouot. Sau đó, sàn đấu giá này đã rút 3 tranh giả Bùi Xuân Phái, nhưng để lại 3 bức khác vẫn đề tên Bùi Xuân Phái, một bức đề tên Lê Phổ trên website, đồng thời cho biết “sẽ không bán, chỉ không thu hồi tất cả tranh để tránh xúc phạm chủ sở hữu”.

Còn tác phẩm “Cô gái bên lồng chim” cũng bị nghi giả tranh Mai Trung Thứ sắp được đưa ra trên sàn Tajan (Pháp) ngày 13/10 tới đây…

Còn nhớ, năm 2019, sàn đấu giá Sotheby's từng gỡ hai tranh nghi giả Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn. Năm 2020, nhà đấu giá Tajan (Pháp) cũng rút 5/6 tranh nghi giả Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Dương Bích Liên. Đáng chú ý, cả hai lần gỡ tranh này đều xuất phát từ phản ứng của dư luận tại Việt Nam.

Tranh giả của họa sĩ Trần Văn Cẩn được nhà đấu giá Sotheby's Hong Kong chào bán.

Bao giờ có Luật Mỹ thuật?

Nhiều họa sĩ bất bình, với mức phạt nhẹ hều vài triệu đồng/vụ tranh giả thì không lạ nếu sau này các gallery, sàn đấu giá tiếp tục cung cách làm ăn chộp giật. Dường như câu chuyện này còn đặt ra một dấu hỏi: liệu “mức phạt” đã quy đúng và đủ? Mức phạt quá nhẹ, cộng thêm không tìm ra thủ phạm làm tranh giả, cùng với nhiều vụ xâm phạm bản quyền khác đã và đang xảy ra với rất nhiều tác giả, tác phẩm tạo nên sự bức xúc trong giới hội họa và dư luận.

Họa sĩ Thành Chương thở dài: “Người nhà họa sĩ Tạ Tỵ vốn là luật sư mà cũng “bó giáo lai hàng” trước hàng loạt thủ tục nhiêu khê khi theo đuổi vụ kiện sau scandal “Những bức tranh trở về từ châu Âu”. Luật sư mà còn bỏ cuộc, nói gì mấy anh nghệ sĩ”.

Tranh giả ngày càng “oanh tạc” bởi công tác quản lý nhà nước đối với thị trường mỹ thuật còn quá lỏng. Sự lỏng lẻo ở đây được thể hiện qua việc giao dịch mua bán các sản phẩm và tác phẩm nghệ thuật thường không có sự tham gia của cơ quan quản lý về thuế. Thay vào đó, những sản phẩm đáng giá tiền chục triệu, trăm triệu, thậm chí là tiền tỷ được thực hiện trong một thị trường phi kiểm soát mà các nhà kinh tế gọi đó là “thị trường chợ đen”.

“Có một điều kỳ lạ ở Việt Nam, người ta có thể phạt một cơ sở nào đó hay một ai đó tội làm giả một nhãn hiệu nhưng một vụ tranh giả hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ, lại không ai quan tâm”- họa sĩ Lê Huy Tiếp bức xúc đặt vấn đề.

Khi tranh ngày càng trở nên một loại tài sản đầu tư có thể sinh lãi lớn, một mặt hàng có giá trị cao có thể lên tới hàng chục tỷ đồng thì đến nay, Nhà nước vẫn chưa thu được đồng thuế nào từ các giao dịch tranh giá trị lớn. Nhiều họa sĩ lo ngại, không loại trừ khả năng, nếu không kiểm soát chặt, Việt Nam rất dễ trở thành nơi “rửa tranh” của thế giới.

Cho tới nay, Việt Nam mới chỉ có Nghị định 113/NĐ-CP năm 2013 về quản lý hoạt động mỹ thuật, mà chưa có Luật Mỹ thuật. Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá, Nghị định chưa thể hiện được đầy đủ tính khả thi của luật pháp. Các họa sĩ đánh giá, Luật Sở hữu trí tuệ thì gần như “tê liệt” trong lĩnh vực này. Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng chỉ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, chỉ phối hợp gián tiếp, dù bức xúc nhưng cũng “lực bất tòng tâm”.

“Điều đáng nói, chúng ta chưa có cơ chế xử phạt người nước ngoài tiếp tay tranh giả, trong khi tranh giả vẫn tiếp tục lợi dụng các sàn đấu giá quốc tế lớn, hoặc tên tuổi của cố vấn nghệ thuật lớn để nâng giá”, ông Lương Xuân Đoàn lo ngại.

Hiện, các họa sĩ trong mong Luật Mỹ thuật sớm ra đời với nội dung quy định trong luật này cần được cụ thể hóa, giúp xử lý được những vấn đề mà Nghị định 113 chưa giải quyết được. Trong lúc chờ đợi Luật Mỹ thuật, hiện tranh giả ngày đêm vẫn “oanh tạc” ngành mỹ thuật Việt Nam dẫn đến mất uy tín trên trường quốc tế. Nếu cứ đà này thì dù có nhiều họa sĩ tài năng nhưng mỹ thuật Việt Nam sẽ mãi là “vùng trũng” trên bản đồ mỹ thuật thế giới.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng, tranh giả, tranh nhái không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở các nước. Nhưng nếu ở nước ngoài, tranh giả chiếm 5% thì ở Việt Nam có thể lên đến trên 50%. Dễ dàng nhận thấy, hiện nay tranh giả, tranh sao chép được bày bán công khai, thậm chí trở thành một nghề kiếm sống tại Việt Nam. Những bức tranh “nhái” tranh của các họa sĩ bậc thầy Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn... được bán đầy rẫy ở các tuyến phố Hà Nội.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ câu chuyện về tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái là một minh chứng. Khi họa sĩ Bùi Xuân Phái mất, tranh của ông rất đắt giá và đã bị làm giả nhiều. Đến mức người ta cho rằng khi chết họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ nhiều hơn cả lúc ông còn sống! Tháng 2 năm 2011, họa sĩ Văn Thơ đã dùng con dao nhọn rạch vào một bức tranh tại Gallery Viet Fine Arts trên phố Tràng Tiền mà theo tác giả, đó là tranh giả mạo danh ông, một sự giả mạo trắng trợn và đầy thách thức.