Đầu tháng 8 vừa qua, đoàn công tác liên ngành thành phố kiểm tra, đánh giá thiệt hại sau cơn bão số 1 tại đảo Bạch Long Vỹ để có phương án đầu tư, khắc phục hậu quả. Qua khảo sát, một trong những vấn đề đoàn công tác liên ngành đưa ra là cần có chủ trương xây dựng các hạng mục công trình và cơ sở hạ tầng tại huyện đảo theo hướng kiên cố hóa. Đây là giải pháp phù hợp với đặc thù khí hậu và thời tiết của huyện đảo, tránh lãng phí, hạn chế tình trạng công trình bị hư hỏng do bão phải sửa đi sửa lại nhiều lần.
|
Cơn bão số 1 vừa qua làm khu nhà của Ban chỉ huy quân sự huyện Bạch Long Vỹ bị tốc mái, hư hỏng. Ảnh: Hoàng Phước |
Trong vòng 10 tháng, đảo Bạch Long Vỹ hứng chịu hai cơn bão mạnh tràn vào (cơn bão số 10 năm 2009 và cơn bão số 1 năm 2010). Đối mặt với bão tố trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, quân và dân huyện đảo. Nhưng sức tàn phá của một số cơn bão gần đây quá mạnh, gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, công trình dân sinh trên đảo. Gần một tháng trôi qua kể từ khi cơn bão Conson tràn qua huyện đảo Bạch Long Vỹ, hoạt động trên đảo trở lại bình thường. Tuy nhiên, những dấu tích tàn phá của nó vẫn hiển hiện ở nhiều công trình dân sinh. Hàng chục nhà dân bị tốc mái, 18 trụ sở cơ quan đơn vị và trường tiểu học bị hư hại, 2 máy phát sóng truyền hình không hoạt động được. Bên cạnh đó, cơn bão khô và mặn làm chết phần lớn thảm thực vật và hệ thống cây xanh được dày công vun trồng trên đảo. Ước tính con số thiệt hại do bão số 1 gây ra khoảng 17 tỷ đồng. Trong khi cơn bão số 10 năm ngoái gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho huyện đảo vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.
Nếu cứ mỗi năm Bạch Long Vỹ hứng chịu một trận bão lớn đi qua, con số thiệt hại lại tăng lên và tiếp tục trở thành gánh nặng cho ngân sách thành phố. Nhưng có một thực tế, những công trình như kè âu cảng, trụ sở các cơ quan, nhà văn hóa… được xây kiên cố vẫn đứng vững trước sức gió giật lên đến cấp 14, 15. Rõ ràng, Bạch Long Vỹ đang cần một tầm nhìn chiến lược, một sự đầu tư mang tính bền vững cho bài toán phòng, chống lụt bão, bảo đảm an sinh xã hội, hơn là những khoản kinh phí được rót hằng năm cho công tác khắc phục hậu quả, để rồi sau mỗi đợt bão lớn, thiệt hại lại xảy ra.
Trước khi có những chính sách đầu tư ưu tiên phù hợp đặc thù huyện đảo, cán bộ, quân và dân đảo Bạch Long Vỹ đón đợi sự ưu tiên khắc phục trước mắt một số hạng mục như trường tiểu học, trụ sở Huyện ủy, trạm thu phát truyền hình... Sau chuyến kiểm tra đánh giá thiệt hại của đoàn công tác, bên cạnh việc lập văn bản trình Chính phủ đề nghị hỗ trợ kinh phí giúp huyện khắc phục hậu quả bão, thành phố nhất trí về chủ trương trang bị cho huyện đảo một xuồng chuyên dụng dùng vào các mục đích giao thông, cấp cứu và cứu nạn. Mặt khác, huyện Bạch Long Vỹ đề nghị thành phố quan tâm đến vấn đề giao đất cho dân, xóa tâm lý tạm bợ, để người dân yên tâm và gắn bó cùng với địa phương xây dựng và bảo vệ huyện đảo.
Văn Lượng