Hạn chế thành lập mới Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý

(PLO) - Ngoài các quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước thì quy định giải thể, sáp nhập các Chi nhánh của Trung tâm nếu hoạt động không hiệu quả và chỉ thành lập mới Chi nhánh khi đáp ứng được những điều kiện nhất định là một trong những định hướng quan trọng trong xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật TGPL.
Hạn chế thành lập mới Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý

Hiện nay, Trung tâm TGPL nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp đã được thành lập tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã được xây dựng và không ngừng phát triển. Trung bình mỗi Trung tâm có từ 5 - 10 trợ giúp viên pháp lý và đều có trình độ cử nhân luật trở lên, bảo đảm tính chuyên nghiệp, tính chủ động, tăng hiệu quả thực thi công vụ và góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống. 

Với số lượng gần 11.000 người, đội ngũ cộng tác viên TGPL cũng đã từng bước đáp ứng được yêu cầu công việc, tham gia ngày càng nhiều các vụ việc tố tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Qua đó, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho người dân. Nhờ vậy, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương được đảm bảo, nhất là tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi còn thiếu hụt đội ngũ luật sư. 

Có thể nói, công tác TGPL đã thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong bảo đảm quyền công dân, bảo vệ các quyền con người, đặc biệt là bảo vệ người nghèo, người yếu thế trong xã hội, bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tiếp cận công lý góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Hệ thống TGPL đã làm tốt nhiệm vụ cung ứng dịch vụ pháp lý miễn phí kịp thời cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi có vướng mắc pháp luật. 

Tuy nhiên, quy định về tổ chức, bộ máy của Trung tâm TGPL nhà nước chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương dẫn đến nhiều nơi bộ máy cồng kềnh, các Chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước thành lập không căn cứ vào nhu cầu hoặc không có người thực hiện TGPL, cơ sở vật chất chưa được đảm bảo dẫn đến hoạt động không hiệu quả. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý của một số Trung tâm chưa đảm bảo tính độc lập tương đối trong hoạt động nghiệp vụ, thường xuyên có sự luân chuyển, điều động cán bộ.

Do đó, thời gian tới, mỗi địa phương cần căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác TGPL, đẩy mạnh xã hội hóa công tác này để thu hút sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có uy tín, kinh nghiệm thực hiện TGPL. Với lực lượng chuyên trách thực hiện TGPL là các trợ giúp viên pháp lý, Nhà nước giữ vai trò chủ động trong việc bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện TGPL được hưởng dịch vụ TGPL có chất lượng. 

Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thẩm định, kiểm tra để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ TGPL mà vẫn bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước dành cho công tác này.

Song song với đó, cần tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức Trung tâm TGPL trên cơ sở sắp xếp tổ chức theo hướng tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; giảm bớt chi phí bộ máy hành chính, tập trung nguồn lực cho việc nâng cao chất lượng TGPL, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu TGPL và nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ TGPL của từng địa phương. 

UBND cấp tỉnh cần rà soát, kiện toàn, sắp xếp lại, sáp nhập hoặc giải thể các Chi nhánh của Trung tâm TGPL đã được thành lập nếu địa phương không đủ nguồn lực để duy trì hoạt động của Chi nhánh hoặc do hiệu quả của Chi nhánh mang lại chưa cao. 

Về cơ bản, không thành lập mới Chi nhánh của Trung tâm TGPL, chỉ thành lập khi đáp ứng những yêu cầu chặt chẽ theo quy định của Trung ương, đồng thời UBND cấp tỉnh tự cân đối trong tổng biên chế sự nghiệp đã được cấp có thẩm quyền giao.

Đọc thêm