Tiêu chuẩn bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý: Sẽ chặt chẽ hơn?

(PLO) - Bộ Tư pháp đang đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL). Trong đó đáng chú ý là tiêu chuẩn bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm TGPL.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước, về cơ bản, dự thảo Nghị định kế thừa quy định hiện hành, theo đó: Trung tâm TGPL nhà nước có Giám đốc, Phó Giám đốc, trợ giúp viên pháp lý và viên chức khác, ngoài ra bổ sung người lao động khác trong trường hợp Trung tâm có thể ký hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ, điều này cũng phù hợp với quy định tự chủ về nhân sự của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và thực tiễn.

 Về Giám đốc Trung tâm TGPL, về cơ bản, Dự thảo Nghị định kế thừa các quy định về tiêu chuẩn, các trường hợp miễn nhiệm, cách chức đối với Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tại quy định hiện hành. 

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm TGPL, dự thảo Nghị định đã chỉnh lý một số tiêu chuẩn so với Nghị định hiện hành. Cụ thể, kế thừa và điều chỉnh các tiêu chuẩn theo hướng chặt chẽ hơn, cụ thể “là trợ giúp viên pháp lý” và “có thời gian công tác pháp luật liên tục từ 5 năm trở lên” từ hiện hành thành “có ít nhất 03 năm là trợ giúp viên pháp lý hoặc ít nhất 05 năm làm công tác pháp luật có liên quan tới TGPL” nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hành nghề, khi yêu cầu là người đứng đầu phải một người đã có kinh nghiệm hành nghề, tạo thuận lợi trong công tác cán bộ khi có thể phát triển nguồn tại chỗ hoặc người có kinh nghiệm lâu năm trong các công việc liên quan trực tiếp đến TGPL.

Dự thảo cũng điều chỉnh tiêu chuẩn “có năng lực quản lý” từ hiện hành thành “có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đối với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp theo quy định của UBND cấp tỉnh” để phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BNV-BTP ngày 22/12/2014 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì các Sở Tư pháp đều giúp UBND cấp tỉnh xây dựng tiêu chuẩn chung đối với các chức danh cấp phòng của cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp. Như vậy, ở mỗi địa phương đều có điều kiện, tiêu chuẩn chung đối với chức danh cấp phòng của cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp, do đó dự thảo Nghị định quy định dẫn chiếu đến việc áp dụng các quy định này.

Về bổ nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm TGPL, Bộ Tư pháp cho rằng, trong bối cảnh phân cấp mạnh mẽ theo tinh thần Luật Tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo Nghị định giao thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước cho Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điều này cũng phù hợp với quy định bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng, phó của các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc của các sở tại Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về vị trí pháp lý, Trung tâm TGPL nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, do đó, dự thảo Nghị định kế thừa quy định hiện hành về thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc quyết định số lượng người làm việc của Trung tâm và có trách nhiệm bảo đảm kinh phí và các điều kiện làm việc như cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hoạt động.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định đã kế thừa những phụ cấp hiện hành đối với trợ giúp viên pháp lý, không quy định phụ cấp mới. Theo đó, trợ giúp viên pháp lý được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 25% mức lương hiện hưởng và phụ cấp khác theo quy định và được cấp trang phục. Dự thảo Nghị định cũng quy định về việc công nhận cộng tác viên; cấp, cấp lại thẻ cộng tác viên TGPL, sử dụng, thu hồi thẻ.

Đọc thêm