Hạn chế văn bản chất lượng thấp, liên tục sửa đổi

Không thể phủ nhận những kết quả tích cực đã đạt được qua nhiều năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2008 (Luật năm 2008) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004 (Luật năm 2004). Tuy nhiên...

Không thể phủ nhận những kết quả tích cực đã đạt được qua nhiều năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2008 (Luật năm 2008) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004 (Luật năm 2004). Tuy nhiên...

Tính ổn định chưa cao

Có thể nói, hệ thống VBQPPL hiện nay đã điều chỉnh tương đối đầy đủ các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, có một thực trạng là các VBQPPL lại hay rơi vào tình trạng phải liên tục sửa đổi, bổ sung chỉ trong vòng vài năm. Chẳng hạn, Bộ luật Lao động được ban hành từ năm 1994 song đến nay đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và gần đây nhất là năm 2012; hay Bộ luật Tố tụng hình sự đầu tiên được Quốc hội thông qua năm 1988 và sửa đổi, bổ sung năm 1990, năm 1992, năm 2000 thì đến năm 2003 được thay thế bằng một bộ luật mới và hiện nay lại đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Còn phần lớn các đạo luật thường ít nhất có một lần sửa đổi, bổ sung như Luật Quản lý thuế, Luật Đấu thầu, Luật Báo chí, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thi đua, khen thưởng, Luật Luật sư…

Đánh giá về thực trạng trên, Bộ Tư pháp cho rằng: Hai Luật Ban hành VBQPPL hiện hành quy định về toàn bộ quy trình xây dựng văn bản, từ đề xuất sáng kiến, soạn thảo, xem xét cho đến ban hành và công bố văn bản. Có điều, cả hai Luật đều chưa tách bạch quy trình hoạch định chính sách với quy trình soạn thảo văn bản. Hơn nữa, hai đạo luật hiện hành chủ yếu quy định về quy trình soạn thảo văn bản, chưa chú trọng đúng mức đến khâu hoạch định, phân tích chính sách của văn bản.

Điều này dẫn đến tình trạng vừa soạn thảo văn bản vừa xây dựng chính sách; việc xem xét, thông qua chính sách chưa được coi là một quy trình riêng, trong khi quyết định về chính sách là một khâu rất quan trọng, cần được xem xét, quyết định sớm, trước khi bắt đầu soạn thảo văn bản. Do chính sách không được hoạch định trước nên văn bản chỉnh sửa, trình nhiều lần, gây lãng phí nguồn lực, làm chậm tiến độ. “Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng văn bản thấp, phải sửa đổi liên tục sau khi ban hành, làm giảm niềm tin vào tính ổn định của hệ thống pháp luật” – Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến thẳng thắn bày tỏ.

Tách bạch hoạch định chính sách với soạn thảo văn bản

Do vậy, Luật Ban hành VBQPPL hợp nhất tới đây cần phân biệt rõ quy trình xây dựng, phân tích chính sách với quy trình soạn thảo văn bản, trong đó cần chú trọng đầu tư và thực chất hơn đến quy trình phân tích, hoạch định chính sách. Từ đó, có các quy định rõ ràng, rành mạch về trách nhiệm, sự tham gia của các chuyên gia hoạch định chính sách, chuyên gia pháp lý, sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào việc xây dựng chính sách, pháp luật.

Tại Hội thảo “Một số định hướng lớn xây dựng Luật Ban hành VBQPPL” do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua – 15/8 trong khuôn khổ Dự án do Canada tài trợ, liên hệ đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội) Ngô Trung Thành cũng đồng tình, các chủ thể có quyền trình dự án luật, pháp lệnh thì có trách nhiệm phải soạn thảo, trình dự án, giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vì chỉ chủ thể trình dự án mới có thể hiểu được chính sách đề ra trong dự án.

Trong khi theo quy định hiện hành cơ quan trình dự án chỉ có trách nhiệm soạn thảo và trình dự án, sau khi trình dự án sang bên phía Quốc hội, việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo văn bản và trình thông qua là do các cơ quan của Quốc hội chủ trì thực hiện. “Đây là vấn đề cần phải được tổng kết để làm rõ, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước, thực tiễn thi hành ở nước ta để xác định rõ và rành mạnh trách nhiệm của các chủ thể này” – ông Thành nhấn mạnh.

Thục Quyên

Đọc thêm