Dân kêu cứu vì sống dưới ống nước thải toilet

(PLO) - Khu tập thể E4 Đại học Y Hà Nội có tuổi thọ gần 40 năm, kết cấu xây dựng đã trở nên “già yếu” lại phải cõng thêm vô số “chuồng cọp” và hàng trăm ống nước thải chằng chịt, giống như những xúc tu của con bạch tuộc khổng lồ, bủa vây các căn hộ tầng dưới, đe dọa tính mạng và sức khỏe người dân nơi đây.
Tập thể E4 Đại học Y Hà Nội được xây từ năm 1974, mỗi căn hộ rộng chỉ 12 m2, vốn là ký túc xá sinh viên, đến năm 1984 đã được chuyển thành nơi ở cho cán bộ, nhân viên trong trường.
Người dân khu tập thể E4 ĐH Y Hà Nội hàng ngày đi dưới ống nước thải.
Người dân khu tập thể E4 ĐH Y Hà Nội 
hàng ngày đi dưới ống nước thải. 
Do được xây dựng từ lâu, lại không được quy hoạch đồng bộ nhà vệ sinh khép kín, nên từ khi nhận nhà, nảy sinh các vấn đề bất cập về khu vệ sinh chung, các hộ dân đã tự cơi nới “chuồng cọp” để làm bếp và nhà vệ sinh. Tất cả đều là tự phát, mạnh ai nấy làm, ống nước thải được dẫn từ tầng trên xuống dưới, dẫn thẳng xuống sông Lừ ngay trước khu nhà E4.
Bà Hường, một cư dân trong khu vực phản ánh: “Vào những ngày mưa, không khí ẩm thì khó chịu lắm, khi gió thổi thì ở đây hôi khủng khiếp. Tình trạng này chúng tôi đã chịu đựng hàng chục năm trời. Không chỉ có mùi hôi thối mà ruồi còn xuất hiện rất nhiều quanh khu vực này. Cứ đến trưa ăn cơm là phải đóng cửa lại. Đi ra ngoài phải bịt khẩu trang chứ thối không chịu nổi”.
Chị Huyền, người dân khu tập thể này cho biết, nhiều ống dẫn nước thải đã quá cũ bị nứt vỡ, gây rò rỉ rớt xuống người đi đường, nhiều khi người dân  phải đội nón, che ô dù, hay chụp túi nilon lên đầu để đi qua hệ thống ống dẫn thải này.
Đối với người già, trẻ em và những người bị viêm đường hô hấp mà phải sống trong môi trường này thì chả khác gì cực hình. Một số hộ dân đã lắp thêm cửa khung nhôm kính để ngăn mùi. Để hạn chế mùi xú uế bốc lên từ dưới sông nên người dân đã cho xây tường rào bao quanh khu vực bờ sông. Nhưng thời gian gần đây, do dự án cải tạo sông nên tường rào bị phá bỏ, các ống xả thải trơ ra bốc mùi hôi thối.
Người dân ở đây cho biết họ đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng. Nhưng nhiều năm rồi vẫn chưa được giải quyết, giờ thì không biết kêu ai, nên chỉ biết tặc lưỡi “kệ đến đâu hay đến đó”. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cần sớm có những giải pháp cụ thể và phương án hợp lý, để đảm bảo môi trường sống cho người dân. 

Đọc thêm